Ngủ ngáy ở trẻ em có phải hiện tượng đáng lo ngại?
Thể chất & Dinh dưỡng - 03/10/2020
Nguyên nhân của hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em là gì? Trẻ em ngủ ngáy có nguy hiểm không? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Mặc dù là hiện tượng không hiếm gặp, nhưng ngủ ngáy ở trẻ em có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của con.
Tại sao trẻ em ngủ ngáy?
Trẻ ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
- Nghẹt mũi do cảm cúm, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng.
- Viêm VA, viêm amidan.
- Thừa cân, béo phì.
- Hạch to ở vùng họng, nhiễm trung đường hô hấp trên.
- Đường thở hẹp.
- Trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc.
Trẻ em ngủ ngáy có nguy hiểm không?
Ngủ ngáy có hai loại là ngủ ngáy sinh lý là ngủ ngáy bệnh lý:
- Ngủ ngáy sinh lý: xuất hiện do trẻ có gỉ mũi, đường thở và khoang mũi của trẻ sơ sinh còn nhỏ và hẹp tạo ra ma sát không khí, gây ra tình trạng ngủ ngáy. Khi trẻ lơn hơn và khoang mũi rộng ra, hiện tượng này sẽ dần biến mất.
- Ngủ ngáy bệnh lý: xảy ra nếu trẻ hơn 3 tuổi mà vẫn ngủ ngáy, hiện tượng ngáy diễn ra nhiều hơn 3 ngày trong một tuần hoặc trẻ bị ngưng thở khi ngủ.
Đối với những trường hợp ngủ ngáy sinh lý, bố mẹ không cần quá lo lắng vì đây là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ ngáy bệnh lý, tình trạng của con cần được tìm hiểu rõ nguyên nhân và điều trị. Những trường hợp ngủ ngáy bệnh lý thường kèm theo chứng rối loạn thở khi ngủ (SDB) hoặc ngưng thở khi ngủ ở trẻ (OSA). Chứng rối loạn thở khi ngủ là hiện tượng khó thở trong khoảng thời gian ngủ, còn ngưng thở khi ngủ là tình trạng lặp đi lặp lại sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường thở.
Ảnh hưởng của ngủ ngáy bệnh lý đối với sức khỏe của trẻ
Hiện tượng ngủ ngáy do bệnh lý có thể đem lại nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe của trẻ, điển hình như:
- Trẻ không được ngủ đủ giấc vào ban đêm, từ đó buồn ngủ vào ban ngày, gây ra tình trạng kém tập trung, giảm khả năng học tập, cản trở sự phát triển trí tuệ của trẻ.
- Trẻ đái dầm do chứng rối loạn thở khi ngủ làm kích thích quá trình sản xuất nước tiểu vào ban đêm.
- Khiến cơ thể trẻ chậm phát triển do ngủ ngáy làm giảm khả năng sản xuất các hooc-môn tăng trưởng.
- Gây ra tình trạng béo phì do trẻ mệt mỏi, ít hoạt động thể chất.
- Gây ra các bệnh lý tim mạch, làm tăng nguy cơ trẻ bị tăng huyết áp, rối loạn tim mạch hay mắc bênh lý về phổi.
Những biểu hiện bố mẹ cần chú ý
Nếu thấy trẻ ngủ ngáy kèm theo những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ nên sớm đưa con tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
- Trẻ thường xuyên ngáy to, thở hổn hển.
- Trẻ đái dầm không rõ nguyên nhân.
- Trẻ thay đổi nhiều về tâm lý và hành vi, ví dụ như dễ cáu gắt, kích động, buồn ngủ vào ban ngày.
Cách điều trị chứng ngủ ngáy ở trẻ em
Đối với những trường hợp viêm amidan, viêm VA dẫn tới phì đại amidan và VA, gây cản trở đường thở, dẫn tới ngủ ngáy, trẻ cần được điều trị bằng cách cắt amidan hay nạo VA. Nếu ngủ ngáy do viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, nhiễm trùng đường hô hấp, trẻ cần được điều trị bệnh dứt điểm để khắc phục tình trạng ngủ ngáy.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo một vài biện pháp khắc phục ngủ ngáy ở trẻ dưới đây:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cho trẻ tập ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa.
- Thường xuyên vệ sinh và dọn dẹp phòng ngủ của trẻ sạch sẽ để tránh các tác nhân gây dị ứng cho con.
- Hỗ trợ giảm cân đối với những trẻ thừa cân, béo phì.
- Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng để tăng độ ẩm cho phòng ngủ của trẻ.
Nếu tình trạng ngủ ngáy xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bố mẹ nên sớm đưa con tới gặp bác sĩ để được khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về tình trạng ngủ ngáy ở trẻ em.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận