3 kỹ thuật tạo nếp ngủ cho trẻ mầm non hiệu quả
Thể chất & Dinh dưỡng - 21/09/2020
Làm thế nào để trẻ có thể tự mình ngủ ngoan mà không cần sự có mặt và hỗ trợ của bố mẹ? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu 3 kỹ thuật tạo nếp ngủ cho trẻ dưới đây nhé!
Trong quá trình nuôi con nhỏ, bố mẹ hẳn ai cũng mong muốn con mình có những giấc ngủ ngon và yên bình nhất. Tuy nhiên, có một tình trạng xảy ra khá phổ biến là trẻ không thể tự ngủ một mình, thường xuyên quấy khóc, vừa ảnh hưởng tới giấc ngủ cả đêm của con, vừa khiến bố mẹ lo lắng và mệt mỏi. Do đó, cách tạo nếp ngủ cho trẻ hiệu quả là vấn đề được khá nhiều bố mẹ quan tâm. Vậy bố mẹ hãy tham khảo 3 kỹ thuật đơn giản dưới đây nhé!
Bắt đầu bằng những lần “thử”
Vào những giờ vui chơi với trẻ, bố mẹ có thể cùng con chơi trò đóng giả để luyện tập trước những hoạt động của chu trình ngủ mới. Hoạt động vui chơi này không những giúp trẻ cảm thấy thích thú, mà còn là cơ hội để con tập làm quen dần với nếp ngủ mới.
Để những lần “thử” này diễn ra hiệu quả nhất, bố mẹ có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ dưới đây:
- Cùng trẻ chơi trò “giả vờ” thực hiện những hoạt động trước khi đi ngủ. Không nhất thiết phải làm mọi việc, ví dụ bố mẹ có thể bỏ qua bước đánh răng và kể chuyện, nhưng hãy cố gắng làm mọi thứ theo trình tự.
- Cố gắng “biến” mọi thứ trở nên vui vẻ và thú vị. Ví dụ, bố mẹ và trẻ có thể đổi vai cho nhau: bố mẹ đóng vai làm con và cùng trẻ làm những việc trước khi đi ngủ. Nếu có thời gian, hãy mặc bộ đồ ngủ để hoạt động trở nên “giống thật” nhất.
- Thực hiện ít nhất vài lần một tuần. Có thể đối với những bố mẹ bận rộn thì đây là việc không mấy dễ dàng, nhưng nếu có thời gian, bố mẹ nên cố gắng luyện tập với trẻ nhiều nhất có thể. Nếu không thể cùng trẻ tập luyện vào các ngày trong tuần, bố mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian cuối tuần.
- Luyện tập trước giờ đi ngủ ít nhất khoảng một vài giờ (ví dụ như vào buổi sáng hoặc buổi chiều) vì khoảng thời gian buổi tối, khi buồn ngủ, trẻ thường dễ cáu bẳn và không hợp tác hơn.
Tạo ra khoảng thời gian “nghỉ ngơi” cho trẻ
Trước khi bắt đầu, bố mẹ cần tìm hiểu xem thông thường trẻ mất khoảng bao lâu mới có thể đi sâu vào giấc ngủ sau khi đèn phòng ngủ đã tắt. Giả sử bố mẹ tắt đèn phòng ngủ lúc 8 giờ tối và trẻ ngủ lúc 8 giờ 20 phút, thì trong vòng 20 phút này, bố mẹ hãy rời khỏi phòng để tạo cho trẻ khoảng thời gian “nghỉ ngơi”, sau đó mới quay lại. Bố mẹ có thể:
- Thực hiện đồng bộ các bước trong chu trình ngủ hằng ngày của trẻ. Ví dụ, bố mẹ luôn nói với trẻ: “Bố mẹ yêu con. Tới giờ đi ngủ rồi, chúc con ngủ ngon nhé.” rồi sau đó nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng ngủ của trẻ.
- Vào lúc 8 giờ 10, hãy nói với trẻ rằng sắp tới khoảng thời gian “nghỉ ngơi của con”, rời khỏi phòng và hứa với con rằng bố mẹ sẽ sớm quay trở lại.
- Khoảng 1-2 phút sau, bố mẹ có thể quay trở lại phòng và khen ngợi trẻ về việc con đã ngằm ngoan trên giường. Bố mẹ cũng có thể nhẹ nhàng ôm và hôn trẻ để khích lệ con.
- Chú ý theo dõi trẻ cho tới khi con ngủ hẳn.
- Thực hiện điều tương tự và các đêm tiếp theo. Tuy nhiên, sau mỗi đêm, khoảng thời gian bố mẹ rời phòng cần tăng lên, ví dụ đêm thứ 1 là một phút, đêm thứ 2 là hai phút, đêm thứ 3 là ba phút… Bằng cách này, trẻ sẽ dần dần làm quen với việc tự ngủ một mình.
- Bố mẹ có thể dừng lại khi trẻ đã có thể tự ngủ trong vòng 1 tuần.
Kỹ thuật “xin phép”
Kỹ thuật này bao gồm nhiều lần “nghỉ ngơi” ngắn, phù hợp với những trẻ thường xuyên khóc thét hoặc dễ bị tỉnh giấc kể cả khi bố mẹ rất nhẹ nhàng rời ra khỏi phòng. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi bố mẹ sẽ cần kiên nhẫn và tập trung hơn. Với kỹ thuật này, bố mẹ hãy:
- Thực hiện chu trình ngủ và chúc con ngủ ngon.
- Một vài phút sau khi tắt điện, hãy nói với trẻ rằng bố mẹ cần ra ngoài một chút. Đó là lý do tại sao kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật “xin phép”, vì trước khi ra ngoài, bố mẹ sẽ nói với trẻ về việc đó.
- Ra khỏi phòng trong khoảng 30-60 giây, sau đó quay trở lại và khen ngợi trẻ vì con đã nằm ngoan trên giường trong khoảng thời gian đó.
- Một vài phút sau, bố mẹ lại rời phòng để trẻ có thời gian “nghỉ ngơi”.
- Trong đêm đầu tiên, hãy lặp đi lặp lại quá trình này khoảng 20-30 lần. Trong mỗi lần trở lại phòng của trẻ, bố mẹ hãy tập trung khen ngợi trẻ để tạo động lực cho con tiếp tục ngủ ngoan trong phòng một mình. Vào những đêm tiếp theo, bố mẹ có thể kéo dài những lần “tạm nghỉ” ra, dần dần cho tới khi trẻ có thể tự ngủ mà không cần tới sự có mặt của bố mẹ. Thông thường, sau khoảng 1 tuần trẻ sẽ quen với nếp ngủ này.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về các kỹ thuật tạo nếp ngủ cho trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận