Trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt: Phân biệt nguyên nhân và cách chăm sóc phù hợp

Thể chất & Dinh dưỡng - 28/08/2020

Bố mẹ cần phân biệt được nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt để từ đó có thể tìm cách chữa trị cũng như chăm sóc trẻ hợp lý.

Làn da của trẻ sơ sinh vô cùng mỏng manh và nhạy cảm, chính vì thế, mọi sự thay đổi trong môi trường đều có thể gây kích ứng, khiến cho trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt. Những nốt đỏ thông thường có xu hướng tự khỏi sau một vài tuần mà không cần sử dụng phương pháp điều trị đặc biệt. Nốt đỏ trên mặt trẻ sơ sinh có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra, thậm chí nốt đỏ đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. 

Thế nên, việc phân biệt được các nốt đỏ và tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh có thể giúp bố mẹ xử lý và chăm sóc đúng cách cho trẻ, cũng như ngăn chặn được tình hình bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu hơn.

Vậy có những nguyên nhân nào khiến cho trẻ sơ sinh bị nốt đỏ trên mặt và nên xử lý ra sao đối với từng trường hợp đó? Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu với ODPHUB nhé!

trẻ sơ sinh bị nốt đỏ trên mặt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt.

Mụn sữa 

Mụn sữa là những vết đỏ trên mặt trẻ sơ sinh với đầu mủ nhỏ li ti màu vàng nhạt hoặc trắng, thường xuất hiện chủ yếu ở vùng mũi và mắt trên mặt trẻ, và cũng có thể nổi ở vùng cổ, chân tay và lưng trẻ. Có khoảng 40-50% trẻ sơ sinh khỏe mạnh nổi mụn sữa.

Nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trẻ sơ sinh là do sự thay đổi trong môi trường và hoạt động bài tiết của các tuyến bã nhờn trên da bé. Tình trạng nổi mụn sữa sẽ tự hết dần sau khoảng vài tuần đến 3 tháng mà không cần điều trị.

Cách xử lý:

  • Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé, thay quần áo thường xuyên, không quấn ủ bé với nhiều quần áo khiến bé bị nóng và đổ nhiều mồ hôi, gây ngứa ngáy khó chịu;
  • Bố mẹ không nên chà xát hoặc nặn mụn cho bé;
  • Không sử dụng kem, thuốc mỡ trên da bé vì có thể làm bí tắc lỗ chân lông khiến cho các nốt đỏ nổi lên nhiều hơn;

Sau 3 tháng, nếu mụn sữa không hết dần hoặc nổi to hơn, thậm chí có mủ thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để tránh nhầm lẫn với chứng viêm da.

nốt đỏ trên mặt trẻ sơ sinh có đầu mủ vàng nhạt hoặc trắng chính là mụn sữa
Mụn sữa là những nốt đỏ có đầu mủ li ti màu vàng nhạt hoặc trắng.

Rôm sảy

Rôm sảy là hiện tượng trẻ sơ sinh có nốt đỏ trên mặt, cổ, đầu hoặc lưng. Rôm sảy thường xảy ra vào mùa nóng, hoặc trẻ bị nóng do bố mẹ quấn ủ quá chặt, quá nóng với nhiều lớp vải khiến tuyến mồ hôi của trẻ bị bí tắc. Rôm sảy thường nổi lên theo từng mảng đỏ, khiến cho trẻ cảm thấy vô cùng ngứa ngáy và khó chịu, dẫn tới quấy khóc nhiều hơn.

Cách xử lý:

Bố mẹ nên thường xuyên lau sạch nhẹ nhàng toàn thân cho bé để làm mát cơ thể, đồng thời cho bé mặc quần áo với chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.

Chàm sữa (lác sữa)

Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh bị vết đỏ trên mặt. Chàm sữa là bệnh viêm da mãn tính, khi mắc chàm sữa thì da bé sẽ bị khô, bong tróc, nứt nẻ, gây ra ngứa ngáy và đau đớn cho trẻ. Chàm sữa thường xuất hiện ở bé trong khoảng từ 2 tháng đến 2 tuổi.

trẻ sơ sinh có nốt đỏ trên mặt do chàm sữa
Chàm sữa là bệnh viêm da mãn tính, khiến da trẻ bị khô ngứa, mẩn đỏ rất khó chịu.

Cách xử lý:

  • Dùng sữa tắm chuyên dụng dành cho làn da mỏng manh của em bé để tắm cho con.
  • Nếu trẻ vẫn đang bú sữa mẹ thì mẹ nên tránh ăn những loại thực phẩm dễ kích ứng, gây ngứa như hải sản, đậu phộng, một số loại hạt…
  • Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn hải sản, đậu phộng và một số loại hạt,...
  • Bố mẹ có thể sử dụng thuốc bôi làm dịu vết ngứa, chống khô da, làm mềm làn da nứt nẻ của bé theo chỉ định của bác sĩ.

Dị ứng

Dị ứng có thể xảy ra mỗi khi thời tiết giao mùa, hoặc do các tác nhân khác như khói thuốc, không khí ô nhiễm, phấn hoa,...hoặc trẻ ăn phải các món ăn có thể gây dị ứng, khiến cho làn da của trẻ bị mẩn đỏ, ngứa ngáy. Một số trẻ có thể bị dị ứng đạm sữa bò, dẫn tới nổi các nốt đỏ quanh miệng, rồi sau đó lan dần ra khắp mặt.

trẻ sơ sinh bị vết đỏ trên mặt do dị ứng da
Trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt có thể là do cơ thể phản ứng dị ứng.

Cách xử lý:

  • Hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với các tác nhân gây dị ứng.
  • Hạn chế các hành động gãi ngứa, chà xát mạnh lên vùng da đang bị dị ứng của trẻ, vì việc này chỉ gây trầy xước và làm da trẻ càng thêm nhạy cảm.
  • Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì bố mẹ nên đổi qua loại sữa khác dành cho trẻ bị dị ứng lactose.
  • Nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì mẹ nên bổ sung các loại vitamin vào chế độ ăn uống của mình, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ.

>>>Tham khảo thêm: Bé bị dị ứng đạm sữa bò, bố mẹ phải làm sao?

Mụn trứng cá

Có khoảng 20% trẻ sơ sinh bị nổi mụn trứng cá. Các nốt mụn này thường xuất hiện đơn lẻ, sưng to và có thể có mủ. Mụn trứng cá thường xuất hiện ở mũi và má của trẻ, đồng thời các vị trí như đầu, trán, cổ, lưng và ngực cũng có thể nổi mụn trứng cá. 

Các nốt mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường không để lại sẹo và có thể tự khỏi sau một vài tuần hoặc vài tháng.

Cách xử lý:

  • Làm sạch da cho trẻ bằng cách lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm thấm nước ấm, tránh chà xát vào những vùng da đang có mụn.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm có kết cấu kem, mỡ đặc có thể gây nhờn và làm bí tắc lỗ chân lông của trẻ.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào trên da trẻ.

mụn trứng cá khiến trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt
Mụn trứng cá cũng là một trong các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt.

Khi nào cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ?

Tình trạng trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt thường có thể tự khỏi, tuy nhiên bố mẹ cũng không nên chủ quan vì đó cũng có khả năng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc bệnh lý nếu có đi kèm với những triệu chứng khác. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi thấy trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt kèm theo những dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh bị vết đỏ trên mặt và các nốt đỏ này chứa chất lỏng màu trắng đục hoặc vàng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nổi mụn rộp;
  • Trẻ bị sốt, ho, mệt mỏi, chán ăn và hay quấy khóc;
  • Trẻ sơ sinh bị nốt đỏ trên mặt nổi thành vùng dày đặc, chuyển màu đỏ tía hoặc tím.

ODPHUB hy vọng rằng bài viết trên có thể giúp bố mẹ phân biệt được nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nốt đỏ ở mặt, để từ đó có phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp. Bố mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng các loại thuốc đặc trị cho trẻ để tránh được các tác dụng phụ không mong muốn nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận

Bài viết liên quan

Bé bị chàm sữa mẹ kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Thể chất & Dinh dưỡng - 15/05/2020

Bé bị chàm sữa mẹ kiêng ăn gì và nên ăn gì?

“Bé bị chàm sữa mẹ kiêng ăn gì?” là mối quan tâm của rất nhiều mẹ đang nuôi trẻ sơ sinh. Hãy cùng ODP tham khảo vấn đề này qua bài viết sau nhé!

Cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả bố mẹ nào cũng nên biết

Thể chất & Dinh dưỡng - 22/04/2020

Cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả bố mẹ nào cũng nên biết

Tuy không gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nhưng mụn sữa cũng là vấn đề khiến nhiều mẹ phải lo lắng. Vậy đâu là cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả?

Chàm sữa ở trẻ: nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ phù hợp

Thể chất & Dinh dưỡng - 16/03/2020

Chàm sữa ở trẻ: nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ phù hợp

Chàm sữa là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Để cải thiện tình trạng này, bố mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để từ đó có cách chăm sóc trẻ phù hợp.