Trẻ em tuy ít khả năng mắc Covid-19 nhưng dễ trở thành “nguồn lây bệnh âm thầm”
Thể chất & Dinh dưỡng - 05/04/2020
Dịch Covid-19 đang có diễn biến vô cùng phức tạp và nguy hiểm, thế nhưng trẻ em lại đang là đối tượng thường xuyên bị bỏ qua một cách chủ quan khi sàng lọc bệnh.
Mặc dù khả năng mắc bệnh Covid-19 ở đối tượng trẻ em là khá thấp, thế nhưng trẻ em lại chính là đối tượng dễ mang dịch bệnh đi lây lan một cách âm thầm nếu trẻ chẳng may mắc phải. Để tìm hiểu lý do tại sao lại có nhận định này, bố mẹ hãy tham khảo bài viết của ODPHUB nhé!
Những nhận định sai lầm do chủ quan ban đầu
Tờ Guardian cho hay, thời gian đầu, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, các chuyên gia đã dựa trên những thống kê sơ bộ về số ca bệnh tử vong và kết luận một cách rất vội vã rằng: những người nhiễm virus SARS-CoV-2 (Covid-19) chủ yếu là người cao tuổi, đặc biệt chính là nhóm người trên 70 tuổi hoặc người có tiền sử bệnh nền. Vì vậy, những người thuộc nhóm cao tuổi này đã ngay lập tức được chính phủ yêu cầu tự thực hiện “cách ly xã hội”.
Tuy nhiên, theo thời gian quan sát và nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng virus Covid-19 cũng có khả năng khiến cho thanh niên và trẻ nhỏ phát bệnh với cái triệu chứng nặng, nguy hiểm.
Một phát hiện quan trọng hơn chính là, mặc dù đa số trường hợp trẻ em dương tính với Covid-19 thường chỉ có biểu hiện bệnh lý rất nhẹ, thế nhưng đây là chính là những nguồn lây bệnh âm thầm, khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Những nghiên cứu từ phía Trung Quốc cho thấy, số lượng người mắc Covid-19 ở nhóm dưới 19 tuổi chỉ chiếm 2,4% trong tổng số ca mắc bệnh, và chỉ có 2,5% trong số này phát ra những triệu chứng nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) những thông số này là “rất nhỏ”. Do đó, trẻ em thường bị bỏ qua khi cần xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đồng thời chính vì thế mà trẻ nhỏ cũng bị cho là đối tượng khó có khả năng làm lây lan dịch bệnh từ người này sang người khác.
Ngược lại, các chuyên gia virus học lại nhận định quan điểm này là một sai lầm bởi vì SARS-CoV-2 (hay Covid-19) là một loại virus nguy hiểm và không có lý do gì mà trẻ em lại có thể miễn nhiễm với loại virus này, đặc biệt là khi SARS-CoV-2 hoạt động theo cơ chế lây lan qua dịch tiết và đường hô hấp là chủ yếu chứ không phải bằng cơ chế lây nhiễm đặc biệt nào khác mà chỉ riêng mình người lớn mới phải lo ngại.
Điều này cho thấy một viễn cảnh nguy hiểm hơn, rằng nếu đa số trẻ em dương tính với Covid-19 nhưng có triệu chứng nhẹ và bị bỏ qua xét nghiệm thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là điều không thể lường hết được.
Tiến sĩ Jay Butler - Phó Giám đốc Phụ trách về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã thừa nhận một thực tế rất đáng lo ngại, đó là hiện nay vẫn chưa biết được rõ cơ chế tác động dịch Covid-19 lên thể trạng của trẻ em. Dù vậy, ông Butler khẳng định rằng “trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt”.
>>> Tham khảo thêm:
- COVID-19 và trẻ em: Những điều bố mẹ nên biết
- Trò chuyện đúng cách với trẻ về COVID-19: Những điều bố mẹ nên biết
Việc nhiều người dương tính với Covid-19 chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ, đặc biệt là trẻ em, cho thấy virus này khác biệt đáng kể so với virus SARS và MERS – 2 dạng virus cùng chủng Corona đã từng gây nên dịch bệnh nguy hiểm và để lại hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu hồi năm 2003 và 2012.
Cả 2 virus SARS và MERS đều có chung cơ chế lây lan cũng như triệu chứng mắc bệnh có thể dễ dàng nhận biết, điều này giúp cho các nhân viên y tế dễ nhận diện và khoanh vùng cách ly những ca bệnh dương tính với virus.
Trong khi đó, với virus SARS-CoV-2, hơn 85% các trường hợp được xác nhận dương tính với Covid-19 thường có biểu hiện bệnh lý với triệu chứng nhẹ và rất dễ bị nhầm lẫn sang các dạng cảm cúm thông thường khác.
Đó có thể được coi là sức mạnh đáng sợ nhất của virus SARS-CoV-2, nó cho phép loại virus này lây lan nhanh chóng trên diện rộng, khiến các bác sĩ và nhân viên y tế gặp vô vàn khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh, nhận diện và tiến hành cách ly kiểm soát dịch bệnh.
Mắt xích dễ bị bỏ qua nhất trong chuỗi lây truyền bệnh
Ngay cả trong tình trạng các y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn để phân loại những người mắc Covid-19, trẻ em vẫn chưa được nghiêm túc nhìn nhận như là nguồn lây bệnh chính. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đa cảnh báo, nhóm trẻ em mới chính là nguồn lây lan bệnh âm thầm, chính vì vậy, nhóm trẻ em là mắt xích dễ bị bỏ qua một cách chủ quan nhất trong chuỗi lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng.
Nguyên nhân dẫn tới điều này là do vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào có thể củng cố quan điểm đó cho đến thời điểm này.
Chính vì vậy, xét trên góc nhìn dịch bệnh học, việc cho học sinh nghỉ học và đóng cửa các trường học, trường mầm non là biện pháp hữu hiệu trong thời điểm này, nhằm đảm bảo việc “cách ly xã hội” đạt hiệu quả và phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Quyết định này xuất phát từ thực tế đó là, trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc gần sát với bạn bè, thầy cô giáo khi tham gia các hoạt động chung trong những ngày còn đi học. Tới khi trở về nhà - môi trường mà không một ai còn giương cao tinh thần cảnh giác với nhau nữa, các bé có thể mang theo mầm bệnh từ trường học và lây lan cho những người thân trong gia đình.
Việc đóng cửa các trường học tại nhiều quốc gia đã diễn ra từ rất lâu nhằm ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em với nhau. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, tất cả các phụ huynh vẫn cần và nên theo dõi sát sao quá trình sinh hoạt trong thời gian trẻ ở nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trong gia đình hoặc ngoài cộng đồng.
Cụ thể, CDC Hoa Kỳ đã nhấn mạnh, các phụ huynh cần tránh việc để trẻ tiếp xúc gần với những người già yếu và có tiền sử bệnh nền, nhất là những người từng nhiễm Covid-19. Đặc biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong trường hợp bất khả kháng và bắt buộc phải nhờ ai đó chăm sóc trẻ trong khi bố mẹ đi làm, và bố mẹ phải đảm bảo rằng người đó khỏe mạnh cũng như hiểu rõ cách thức bảo vệ an toàn cho trẻ trong mùa dịch.
Trong thời gian ở nhà, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tham gia vào các hoạt động chung, hoạt động xã hội tổ chức ở đông người. Nếu có thể, bố mẹ có thể để trẻ vui chơi theo các nhóm nhỏ tại những nơi vắng người, hoặc chủ động tìm kiếm các trò chơi đơn giản hoặc các hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức đề kháng tại nhà để giúp trẻ chủ động đảm bảo đúng theo lệnh “cách ly xã hội” của Thủ Tướng Chính Phủ.
Đồng thời, các phụ huynh cần chú trọng các cách phòng tránh Covid-19 như hạn chế tối đa việc rời khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Quan trọng nhất chính là việc hướng dẫn trẻ rửa tay sạch thường xuyên với xà phòng, nước rửa tay hoặc nước diệt khuẩn nhanh, liên tục vệ sinh các bề mặt mà trẻ thường tiếp xúc như bàn ghế, công tắc điện, tay nắm cửa, điều khiển từ xa,… đặc biệt là đồ chơi của trẻ để hạn chế tối đa khả năng virus Covid-19 có thể bám vào tay trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận