COVID-19 và trẻ em: Những điều bố mẹ nên biết

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 27/03/2020

Đại dịch toàn cầu COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em. Lúc này, bố mẹ cũng nên hiểu rõ về mối liên quan giữa COVID-19 và trẻ em.

COVID-19 (hay còn gọi là vi-rút corona) có thể lây từ người sang người thông qua đường nước bọt và dễ lây lan nhanh chóng qua các hoạt động như nói chuyện trực tiếp, ho, tiếp xúc tay... Vậy khi dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp và có tốc độ lây lan nhanh chóng như vậy, bố mẹ cần biết những thông tin gì liên quan đến COVID-19 và trẻ em?

Các triệu chứng khi bị nhiễm COVID-19

Các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona gây ra ở người bao gồm: 

  • Các triệu chứng giống bệnh cảm cúm: sổ mũi, hắt hơi, đau họng và ho.
  • Sốt
  • Khó thở
  • Đau cơ, mệt mỏi

Các triệu chứng có thể sẽ khác nhau tùy vào thể trạng của từng trẻ: có trẻ bị nặng, có trẻ thậm chí còn không có biểu hiện gì. Vi-rút có thể ủ bệnh trên cơ thể người từ 1-14 này, tức là trong khoảng thời gian này, người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng gì.

>>> Đọc thêm: 

Nên làm gì khi thấy trẻ có triệu chứng?

Nếu thấy trẻ có những triệu chứng nhiễm bệnh, bố mẹ hãy:

  • Gọi điện tới đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc 19003228
  • Mô tả đầy đủ các triệu chứng của trẻ, kèm theo những nguy cơ lây nhiễm mà bố mẹ nghĩ trẻ có thể mắc phải, ví dụ như mới di chuyển từ nước ngoài về hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh
  • Tuân thủ theo các chỉ dẫn được đưa ra

Đặc biệt, nếu trẻ có biểu hiện khó thở, da tím tái, không tỉnh táo, bố mẹ hãy gọi ngay 115 để được cấp cứu y tế.

Các cách phòng tránh lây nhiễm virus Covid-19 cho trẻ

Hướng dẫn trẻ cách rửa tay

Rửa sạch tay là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh, và COVID-19 cũng không phải là ngoại lệ.

Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ rửa tay thật sạch theo các bước sau đây: 

  • Làm ướt tay bằng nước ấm
  • Xoa xà phòng hoặc nước rửa tay lên tay
  • Xoa đều hai tay trong vòng 20 giây, lưu ý xoa kỹ cả phần kẽ giữa các ngón tay, xung quanh và kẽ móng tay và rửa cả hai mặt của bàn tay
  • Rửa sạch dưới vòi nước chảy
  • Để tay tự khô hoặc lau khô bằng khăn giấy thấm nước

Trẻ em có dễ nhiễm Covid-19 không
COVID-19 và trẻ em: Rửa sạch tay là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh.

Trong trường hợp không ở nhà và không có nước rửa và xà phòng, bố mẹ có thể rửa tay cho trẻ bằng nước rửa tay khô. 

Bố mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ nên rửa tay vào các thời điểm: 

  • Sau khi ho, hắt hơi hoặc hỉ mũi
  • Sau khi dùng xong nhà vệ sinh
  • Trước khi ăn
  • Sau khi ra khỏi những nơi công cộng, ví dụ như đi xe buýt
  • Sau khi tiếp xúc gần với người có biểu hiện không khỏe

Trẻ nhỏ đặc biệt rất thích bắt chước, vậy nên bố mẹ hãy là những tấm gương tốt. Nếu thấy bố mẹ luôn tuân thủ đầy đủ các bước rửa tay như vậy, trẻ cũng sẽ học theo dễ dàng hơn.

Nhắc nhở trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ lây nhiễm và lan truyền vi-rút corona. Do đó, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh đúng cách như sau: 

Khi hỉ mũi

  • Sử dụng giấy ăn dùng một lần.
  • Sau khi sử dụng, vứt ngay giấy vào thùng rác. 
  • Đem theo túi đựng giấy đã qua sử dụng trong trường hợp đi tới những nơi không có thùng rác. 
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi hỉ mũi. 

bố hỉ mũi cho bé
Bố mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Khi ho hoặc hắt hơi: 

  • Tránh ho hoặc hắt hơi vào lòng bàn tay.
  • Khi hắt hơi, che miệng bằng giấy ăn hoặc khuỷu tay.
  • Rửa sạch tay sau khi ho hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, bố mẹ hãy nhắc nhở trẻ hạn chế chạm tay lên mắt, mũi và miệng càng nhiều càng tốt, vì việc đó có thể khiến vi-rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Khi trò chuyện với người khác, đặc biệt là người có biểu hiện hắt hơi hoặc ho, hãy giữ ở khoảng cách tối thiểu 2m với người đối diện và tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Giữ vệ sinh nhà cửa

Để ngăn chặn mầm mống gây bệnh trong nhà, bố mẹ hãy thường xuyên lau dọn sạch sẽ căn nhà của mình bằng nước và chất tẩy rửa, đặc biệt là những bề mặt mà cả nhà hay tiếp xúc và những đồ vật mà gia đình sử dụng hằng ngày (như bàn uống nước, bàn bếp, công tắc điện, tay nắm cửa...)

Cho trẻ đi tiêm phòng bệnh cúm

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm vắc-xin cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở trẻ. 

tiêm vắc-xin cho trẻ
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm vắc-xin cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở trẻ.

Vì những biểu hiện của COVID-19 và bệnh cúm mùa rất giống nhau, nên nếu trẻ có các triệu chứng đáng nghi, thì việc tiêm phòng bệnh cúm có thể giúp các chuyên gia y tế loại trừ khả năng mắc bệnh cúm ở trẻ để chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn. 

Trò chuyện đúng cách với trẻ về COVID-19

Trẻ có thể nghe rất nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh qua đài, tivi hoặc từ mọi người xung quanh. Việc này đôi khi có thể sẽ khiến trẻ lo lắng và sợ hãi về những điều đang xảy ra. 

Do đó, bố mẹ nên chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện đúng cách với trẻ về COVID-19. Hãy tìm hiểu xem con đã biết những gì về chuyện này và giải đáp những thắc mắc của con. 

Bố mẹ nên giải thích về dịch bệnh với trẻ một cách đơn giản và sử dụng ngôn từ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Hãy bình tĩnh kể cho trẻ sự thật để trấn an con. Ví dụ: “Nhiều người đang bị ốm vì nhiễm vi-rút. Con vi-rút khiến họ bị ho, hắt hơi, khó thở và những người mắc bệnh đang được các bác sĩ chăm sóc rất tốt con ạ.” 

ODP hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bố mẹ những thông tin hữu ích về COVID-19 và trẻ em.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận