Trẻ em bị sốt xuất huyết và những điều bố mẹ nên làm

Thể chất & Dinh dưỡng - 10/05/2020

Là nguyên nhân nhân phổ biến gây ra tử vong ở trẻ em, sốt xuất huyết khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy bố mẹ nên làm gì khi trẻ em bị sốt xuất huyết.

Theo ước tính của tổ chức Y tế Thế giới WHO, dịch sốt xuất huyết vẫn ảnh hưởng tới 50 – 100 triệu người trên thế giới và gây ra khoảng 10.000 – 20.000 ca tử vong hằng năm chủ yếu do sốc hoặc suy tạng. Đây cũng là một trong những căn nguyên hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Vậy làm thế nào để phát hiện và chăm sóc khi trẻ em bị sốt xuất huyết?

Biểu hiện trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết ở trẻ em có triệu chứng ở nhiều dạng khác nhau và phát triển khá phức tạp. Bệnh thường xuất hiện khá đột ngột và bệnh diễn ra rất nhanh từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

Trong giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường bị sốt cao đột ngột và liên tục. Trong khi trẻ sơ sinh thì bứt rứt, quấy khóc thì trẻ lớn hơn sẽ hay mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết (dưới da có chấm xuất huyết), đau khớp cơ, mắt đau nhức, bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. 

Thông thường, ở giai đoạn sốt, việc xét nghiệm máu để chẩn đoán trẻ có bị sốt hay không thường không phản ánh rõ ràng. Lý do chính là bởi dung tích hồng cầu (Hematocrit) lúc này đa số bình thường trong khi bạch cầu và tiểu cầu tuy có giảm nhưng không thay đổi nhiều. 

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn bị sốt, trẻ sẽ tiến đến giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của trẻ ở giai đoạn này có thể là vẫn còn sốt hoặc hạ sốt, bị thoát huyết tương (huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng trẻ bị chướng to, kéo dài trong 24-48h. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi bị sốt xuất huyết)

Do bị thoát huyết tương nên trẻ sẽ bị tràn trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu nặng hơn, trẻ có thể bị sốc, trở nên vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu tứ chi, da lạnh và ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít. Trẻ sẽ bị huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Bên cạnh đó, trẻ sẽ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết ở hai chân, mặt trong của cánh tay và ở phần bụng, đùi, mạng sườn. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc, biểu hiện qua việc bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.

Trẻ em bị sốt xuất huyết.
Xuất huyết là một trong những dấu hiệu của giai đoạn nguy hiểm.

Tuy nhiên, ở một số trẻ mắc bệnh, tình trạng xuất huyết không hề xảy ra. Chính vì thế, dù có hay không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh của trẻ vẫn có thể ở giai đoạn nguy hiểm và khiến trẻ tử vong. Một trong những dấu hiệu trong giai đoạn này mà bố mẹ nên lưu ý đó là trẻ bị sốc, giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.

Trong giai đoạn nguy hiểm này, nếu xét nghiệm máu cho trẻ thì lượng tiểu cầu thường giảm giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3. Với những trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm kéo dài khoảng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi. Lúc này, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, thường rất thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và đi vệ sinh nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu cho trẻ, số lượng bạch cầu trong máu sẽ tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Sau khi qua giai đoạn nguy kịch, phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị ngoại trú tại nhà và chỉ cần đến tái khám đầy đủ theo lịch hẹn. Để điều trị đạt hiệu quả nhanh, bố mẹ cần lưu ý những chỉ dẫn dưới đây của bác sĩ như sau:

  • Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C, bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn sử dụng. Thường xuyên nới lỏng quần áo của trẻ và lau mát. Lưu ý, bố mẹ không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, nhiễm toan máu.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nước bù điện giải oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,...). Nếu trẻ không uống được nước bù điện giải, bố mẹ có thể nấu cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải trẻ.
  • Bố mẹ nên chia làm nhiều bữa nhỏ cho trẻ cũng như cho trẻ ăn đồ loãng, dễ tiêu và đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý, bố mẹ không nên dùng thực phẩm và nước uống có màu sẫm (tránh trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa)
  • Khi trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động.
  • Trong trường hợp trẻ nôn ói quá nhiều, lờ đờ, không tỉnh táo và không thể uống được nước, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn thêm.

 làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết
Điều bố mẹ nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết đó là cho trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Trong quá trình chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết ở nhà, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời:

  • Trẻ vật vã, lừ đừ;
  • Trẻ đau bụng ngày càng nặng;
  • Da trẻ xung huyết nhưng chân tay lạnh;
  • Trẻ bị nôn ói đột ngột, liên tục;
  • Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa đột ngột.

>>> Tham khảo thêm: 

Cách phòng chống tình trạng trẻ em bị sốt xuất huyết

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết duy nhất đó là chủ động kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh, như diệt bọ gậy (lăng quăng), tiêu diệt muỗi trưởng thành, tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, bố mẹ cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống và loại bỏ các ổ chứa nước lắng đọng. Để hạn chế các nguồn lây bệnh, bố mẹ nên làm theo những bước sau:

  • Đậy kín các dụng cụ, đồ dùng đựng nước để muỗi không thể vào đẻ trứng,
  • Nuôi cá trong các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại...) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy có ở trong bể. Bố mẹ nên lựa chọn các loại cá như cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina,...
  • Vệ sinh hàng tuần tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) 
  • Vứt bỏ và thu gom các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ vỏ chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ quả dừa, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre,...
  • Vệ sinh môi trường sinh sống thường xuyên và lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến;
  • Bỏ muối hoặc dầu ăn vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa thường xuyên. 

làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết
Một trong những cách phòng ngừa tình trạng trẻ em bị sốt xuất huyết đó là hạn chế muỗi đốt trẻ.

Cách phòng chống muỗi đốt cho trẻ:

  • Bố mẹ cho trẻ mặc quần áo dài tay;
  • Khi trẻ đi ngủ kể cả ngủ trưa, bố mẹ cần mắc màn và kéo rèm cẩn thận. 
  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi hằng ngày.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần tích cực phối hợp với cấp chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất định kỳ phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trẻ em bị sốt xuất huyết sẽ không quá nghiêm trọng nếu bố mẹ kịp thời phát hiện và chữa trị cho trẻ. ODPHUB mong rằng qua bài viết này, bố mẹ sẽ bớt lo lắng khi mà mùa sốt xuất huyết sắp đến.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận