Trẻ bị chảy máu cam: Nguyên nhân và cách xử lý 

Thể chất & Dinh dưỡng - 24/05/2020

Tại sao trẻ bị chảy máu cam? Trẻ hay bị chảy máu cam có nguy hiểm không? Bố mẹ nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của ODPHUB nhé!

Chảy máu cam (hay còn gọi là chảy máu mũi) là hiện tượng chảy máu từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc ra mũi sau rồi xuống họng. Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là đối với những trẻ từ 3 tuổi trở lên. Trẻ bị chảy máu cam khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng và bối rối và không biết nên làm gì. 

Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam

Thông thường, có hai loại chảy máu mũi, đó là: 

  • Chảy máu mũi trước: Là tình trạng xảy ra rất phổ biến, có thể được kiểm soát dễ dàng tại nhà hoặc các cơ sở y tế.
  • Chảy máu mũi sau: Hiếm gặp hơn, được khuyến cáo cho trẻ nhập viện để được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. 

Có rất nhiều nguyên nhân tác động tới các vi mạch máu và gây ra hiện tượng chảy máu cam ở trẻ nhỏ, bao gồm: 

Nhóm nguyên nhân thường gặp

Chảy máu mũi vô căn là nguyên nhân thường gặp nhất. Khoảng 90% trường hợp trẻ em bị chảy máu mũi là do nguyên nhân này. Tuy nhiên chảy máu mũi vô căn là trường hợp lành tính và thường xuyên lặp lại. 

Nhóm nguyên nhân ít gặp

Trẻ em bị chảy máu mũi cũng có thể do những nguyên nhân hiếm gặp và nguy hiểm khác như: 

  • Dị vật ở mũi (thường kèm theo triệu chứng chảy mũi một bên, nghẹt mũi, dịch mũi hôi).
  • Viêm mũi xoang. 
  • Bệnh lý dị dạng mạch máu.
  • U xơ vòm mũi họng, u vách ngăn…
  • Các bệnh lý khác như viêm gan mãn tính, sốt do vi-rút, tiểu đường, suy thận...

trẻ bị chảy máu cam
Có rất nhiều nguyên nhân tác động tới các vi mạch máu và gây ra hiện tượng chảy máu cam ở trẻ nhỏ.

Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?

Khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, trước hết bố mẹ cần giữ bình tĩnh, không quá hoảng loạn và thực hiện theo các bước cơ bản để giúp khắc phục tình trạng chảy máu mũi ở trẻ. Có 3 bước bố mẹ cần làm, đó là xác định bên mũi chảy máu, sau đó cầm máu và cuối cùng là chăm sóc để trẻ hồi phục. 

Bước 1. Xác định bên mũi chảy máu

Trẻ nhỏ thường bị chảy máu cam ở một bên mũi. Tuy nhiên, lúc này trẻ thường có phản ứng dụi mũi khiến bố mẹ gặp khó khăn trong việc phân biệt bên mũi bị chảy máu. 

Do đó, ngay khi phát hiện trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ cần tuyệt đối không để con tiếp tục dụi mũi. Lúc này, bố mẹ hãy lau mũi cho trẻ và hướng đầu của con hơi cúi về phía trước. Việc này sẽ giúp máu chảy ra và bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra bên mũi nào đang chảy máu. Hơn nữa, tư thế cúi đầu về phía trước như vậy cũng giúp máu mũi không bị chảy ngược về phía họng trẻ và gây nôn ói.  

Bước 2. Cầm máu

Tiếp theo, hãy dùng ngón tay ấn phần cánh mũi đang chảy máu của trẻ, sau đó dùng khăn giấy hoặc bông sạch thấm phần máu chảy ra ngoài mũi. Bố mẹ nên lưu ý không đưa giấy hoặc bông vào sâu trong mũi của trẻ.

Nếu máu vẫn không ngừng chảy sau khoảng 10-15 phút thì bố mẹ nên lập tức đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. 

Bước 3. Chăm sóc sau chảy máu cam cho trẻ

Sau khi đã cầm máu cho trẻ, bố mẹ hãy để cho con nghỉ ngơi, không cho con tiếp tục chơi đùa hay chạy nhảy. Đặc biệt, hãy lưu ý không được để cho trẻ nuốt phải máu cam vì con có thể sẽ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa và khó chịu. 

trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì
Trẻ bị chảy máu cam nhiều có thể khiến nhiều bố mẹ lo lắng nếu không biết cách xử lý phù hợp.

>>> Tham khảo thêm: 

- 5 lời khuyên cho bố mẹ về việc ăn uống của trẻ 3 tuổi

- Những loại thực phẩm bổ sung sắt cho bé mà bố mẹ nên biết

Cách phòng tránh chảy máu cam ở trẻ

Để hạn chế tình trạng trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ có thể thực hiện những việc sau đây:

  • Vệ sinh mũi cho trẻ sạch sẽ bằng nước muối sinh lý 1-2 lần mỗi tuần để hạn chế nguy cơ trẻ mắc các bệnh về xoang. Tuy nhiên, bố mẹ cũng lưu ý không nên lạm dụng cách này vì muối có thể làm mất đi chất nhầy tự nhiên ở niêm mạc mũi, khiến con dễ bị khô mũi và nhiễm khuẩn. 
  • Giữ ẩm mũi cho trẻ bằng cách bôi các loại kem dưỡng ẩm cho trẻ nhỏ vào phần trước của vách mũi, đồng thời cho con uống đủ nước để giữ độ ẩm. 

Trẻ bị chảy máu cam có nguy hiểm không?

Mặc dù tình trạng chảy máu cam là loại phản ứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ đối với các kích thích từ môi trường sống bên ngoài, nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan nếu: 

  • Trẻ chảy máu cam liên tục, không ngừng sau hơn 10 phút ấn giữ mũi. 
  • Trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi, lặp đi lặp lại không rõ nguyên nhân. 
  • Chảy máu cam kèm theo các biểu hiện khác như vết tím bầm dập trên cơ thể hay chảy máu ở các khu vực khác như trong nước tiểu, trong phân…
  • Trẻ khó thở, tim đập nhanh, nôn hoặc khạc ra máu.
  • Trẻ mắc các bệnh lý khác liên quan đến chức năng đông máu như bệnh thận, gan, hemophilia… 

Trong những trường hợp này, bố mẹ nên sớm đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp và kịp thời.

ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về tình trạng trẻ bị chảy máu cam.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận