Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 19/04/2020
Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao? Bố mẹ cần làm gì để giúp con ăn ngon miệng hơn? Hãy tham khảo những “bí kíp” qua bài viết dưới đây của ODPHUB nhé!
Trong bài viết trước, bố mẹ đã cùng ODPHUB tìm hiểu nguyên nhân trẻ 8 tháng biếng ăn. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân, hẳn câu hỏi của bố mẹ sẽ là: “Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?”. Với mỗi nhóm nguyên nhân, bố mẹ cần có những “bí kíp” khác nhau để cải thiện tình trạng này. Vậy bố mẹ hãy cùng tham khảo những gợi ý sau đây để giúp trẻ ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn nhé!
Đối với trẻ biếng ăn do sinh lý
Trong trường hợp trẻ biếng ăn do gặp vấn đề về sinh lý, tình trạng này thường sẽ không kéo dài quá lâu, chỉ trong khoảng vài ngày cho đến 1 tuần. Sau khi khoảng thời gian này trôi qua, bố mẹ sẽ thấy rõ ràng rằng trẻ đã chạm thêm một cột mốc mới trong quá trình phát triển, ví dụ như mọc răng sữa hay biết thêm một vài kỹ năng mới.
Lúc này, bố mẹ hãy kiên nhẫn và quan tâm tới trẻ nhiều hơn. Bố mẹ nên lưu ý đừng ép trẻ ăn nếu con không muốn, vì như vậy sẽ dễ dẫn tới việc trẻ chuyển từ biếng ăn sinh lý sang biếng ăn tâm lý. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên vỗ về, xoa dịu trẻ khi con khóc quấy do bị đau lúc mọc răng. Tuy nhiên sau đó, trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại nên bố mẹ đừng nên quá áp lực và lo sợ rằng con có thể bị thiếu chất hay chậm tăng cân.
Đối với trẻ biếng ăn do tâm lý
Với những trẻ biếng ăn tâm lý, bố mẹ cần điều chỉnh quá trình chăm sóc trẻ để thật khoa học và phù hợp với con hơn. Bố mẹ nên lưu ý:
- Xây dựng thực đơn cho trẻ 8 tháng tuổi biếng ăn đa dạng hơn, đảm bảo trẻ sẽ được hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ở giai đoạn này, sữa vẫn là nguồn thực phẩm giàu dưỡng chất dành cho trẻ nhỏ. Do vậy, ngoài các bữa ăn dặm, bố mẹ vẫn nên duy trì lượng sữa để đáp ứng đủ 70% nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày cho trẻ.
- Tạo điều kiện cho trẻ làm quen và thích nghi dần với chế độ ăn mới bằng cách cho con ăn dặm theo nguyên tắc từ ít lên nhiều, từ lỏng tới đặc dần và từ từ giới thiệu từng loại thực phẩm mới vào mỗi bữa ăn của trẻ.
- Không ép trẻ ăn. Bố mẹ hãy đảm bảo không khí trong bữa ăn luôn vui vẻ và thoải mái nhất để trẻ không phải sợ hãi mỗi khi đến giờ ăn. Ngoài ra, mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài trong vòng khoảng 25 đến 30 phút. Bố mẹ không nên để trẻ ăn trong khoảng thời gian quá lâu để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt khác của trẻ.
- Không cho trẻ ăn bữa phụ trong vòng ít nhất là 1 tiếng trước bữa ăn chính. Khi ăn nhẹ quá nhiều hay ăn quá sát bữa chính, trẻ thường sẽ cảm thấy no và mất cảm giác thèm ăn, chán ăn và ăn ít hơn khi tới bữa chính.
- Hạn chế tối đa những vật có thể gây xao nhãng trong lúc cho trẻ ăn, ví dụ như tivi, điện thoại… Những thứ này có thể làm phân tán sự chú ý của trẻ và khiến con mất tập trung vào bữa ăn, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.
- Thiết lập thời gian biểu cố định cho những bữa ăn.
- Chế biến nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhiều màu sắc bắt mắt để kích thích vị giác của trẻ. Khi muốn giới thiệu món mới, bố mẹ cũng nên xen kẽ với món ăn yêu thích của trẻ để con có cảm giác hào hứng và muốn thử món mới hơn.
Đối với trẻ biếng ăn do bệnh lý
Bố mẹ thường sẽ rất lo lắng khi trẻ 8 tháng biếng ăn do gặp vấn đề về bệnh lý. Các chứng bệnh nếu không được chữa dứt điểm sẽ có thể làm cho trẻ biếng ăn trong khoảng thời gian dài, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển thể chất của trẻ.
Nếu băn khoăn không biết chắc rằng con có đang mắc bệnh gì hay không, bố mẹ nên đưa con tới khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Để giúp trẻ tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa, vào những bữa ăn phụ, bố mẹ có thể cho con ăn thêm sữa chua, hoa quả, nước trái cây hay những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất khác.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể bổ sung thêm cho trẻ một số loại men vi sinh và các dưỡng chất cần thiết như vitamin B1, vitamin D, selen, kẽm… để kích thích quá trình sản sinh ra các enzym tiêu hóa trong hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ cho sự chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng giúp trẻ hấp thụ tốt hơn và tăng cảm giác ngon miệng khi ăn, từ đó ăn được nhiều hơn và tình trạng trẻ biếng ăn cũng được cải thiện.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bố mẹ tìm ra câu trả lời cho mối lo lắng: “Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?” và có những phương án kịp thời để giúp trẻ ăn ngon miệng trở lại, bố mẹ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận