Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh và tình trạng chậm tăng cân ở trẻ

Thể chất & Dinh dưỡng - 09/05/2020

Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh vẫn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ. Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Trong quá trình chăm sóc con nhỏ, bố mẹ vẫn thường lo lắng về tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh. Không biết con có đang tăng cân với tốc độ bình thường hay không? Trẻ chậm tăng cân thì bố mẹ phải làm sao? 

Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh, cân nặng lúc sinh thường dao động từ 2.5 đến 4.5 kg. Khi được khoảng 1 tuần tuổi, cân nặng của trẻ sơ sinh thường tụt đi khoảng 10% so với trọng lượng cơ thể lúc sinh ra. Ví dụ, trẻ khi sinh ra nặng 4 kg thì khi được 7 ngày tuổi, có thể con chỉ nặng khoảng 3.6 kg. Mặc dù vậy, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng vì số cân nặng mất đi này lại có thể được lấy lại rất nhanh trong vòng 1 tuần sau đó. Tức là khi được khoảng 14 ngày tuổi, trẻ có thể trở về cân nặng ban đầu của mình. 

Trung bình, trẻ khi được 5 tháng tuổi thường nặng gấp đôi lúc sinh và khi được 12 tháng, cân nặng của con có thể tăng gấp 3 lần so với lúc sinh.

sự tăng cân của bé sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, cân nặng lúc sinh thường dao động từ 2.5 đến 4.5 kg.

Nhiều bố mẹ thường thắc mắc tốc độ tăng cân trẻ sơ sinh bình thường là như thế nào. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh thì việc xác định tốc độ tăng cân “bình thường” là rất khó, vì mỗi trẻ đều có tốc độ phát triển nhanh - chậm và nhu cầu ăn - ngủ khác nhau. Dù vậy, bố mẹ có thể tham khảo thông tin về tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn như sau: 

  • Giai đoạn 0-3 tháng tuổi: Trẻ tăng khoảng 20-30 gram mỗi ngày, tức là khoảng 150-200 gram mỗi tuần hoặc 600-900 gram mỗi tháng. 
  • Giai đoạn 3-6 tháng tuổi: Lúc này tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh bắt đầu chậm lại, đa số trẻ tăng lên khoảng 15-20 gram mỗi ngày, tức là khoảng 100-150 gram mỗi tuần hoặc 450-600 gram mỗi tháng.
  • Giai đoạn 6-12 tháng tuổi: Đây là khoảng thời gian trẻ bắt đầu ăn dặm. Tốc độ tăng cân của trẻ trong giai đoạn này cũng tương tự như ở giai đoạn 3-6 tháng tuổi, thậm chí chậm hơn. 
  • Giai đoạn 1-5 tuổi: Trong giai đoạn này, mỗi năm trẻ chỉ tăng được trung bình khoảng 2 kg.

Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân

Trẻ sơ sinh chậm tăng cân có thể khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc này, ví dụ như: 

Trẻ sinh non

Trên thực tế, trẻ sinh non có xu hướng tăng cân chậm hơn so với những trẻ sinh đủ tháng. Lý do là vì sức khỏe của những trẻ sinh non thường có sức khỏe yếu hơn và dễ mắc các loại bệnh lý ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất hơn. 

Trẻ không bú đủ sữa

Một nguyên nhân khác khiến tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh chậm lại là vì con không được bú đủ sữa. Lúc này, mẹ không xác định được lượng sữa vừa đủ cho trẻ, dẫn tới tình trạng con không được bú đủ lượng sữa theo nhu cầu thực tế của mình. 

bé sơ sinh ngủ
Một nguyên nhân khác khiến tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh chậm lại là vì con không được bú đủ sữa.

Trẻ ngủ nhiều bú ít

Trong trường hợp trẻ không chịu bú hoặc đang bú khi đói nhưng nhanh chóng ngủ khi chưa bú đủ, việc bú sữa của con sẽ bị gián đoạn và con chỉ bú được lượng sữa rất ít. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể quá trình phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là về chiều cao và cân nặng.

Trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe

Sự tăng cân của trẻ sơ sinh cũng có thể bị ảnh hưởng nếu con gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe, ví dụ như dị ứng sữa, thiếu máu, trào ngược dạ dày… Không những vậy, tình trạng chậm tăng cân ở trẻ sơ sinh cũng có thể bắt nguồn từ việc con mắc một số chứng rối loạn. Những chứng bệnh này có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hấp thu các dưỡng chất cần thiết đối với quá trình tăng trưởng trong những năm đầu đời của mình. 

Bố mẹ phải làm sao nếu trẻ sơ sinh quá chậm lên cân? 

Để cải thiện tỷ lệ tăng cân của trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể tham khảo một vài cách dưới đây: 

Chú ý tới giấc ngủ của con

Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là rất quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất. Trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, hooc-môn tăng trưởng của trẻ tăng lên gấp 4 lần so với các thời điểm khác trong ngày. Do đó, bố mẹ nên đảm bảo cho trẻ luôn ngủ đủ giấc và ngủ ngon vào khoảng thời gian “vàng” như trên. 

bé sơ sinh cười
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là rất quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất.

Cho trẻ bú thường xuyên

Mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên, chia nhiều cữ bú trong ngày, mỗi cữ cách nhau khoảng 2-3 giờ. Hãy cố gắng đảm bảo cho thời gian bú của trẻ kéo dài càng lâu càng tốt vì hàm lượng chất béo có trong sữa mẹ tăng lên đều đặn hơn trong quá trình cho con bú, sữa cuối thường có lượng chất béo cao gấp đôi so với sữa đầu. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng cân của trẻ. 

Cho con bú đúng cữ

Đôi khi, vào ban đêm trẻ ngủ quá sâu nên bỏ qua cữ bú, từ đó ảnh hưởng tới lượng sữa nạp vào cơ thể của trẻ. Tình trạng này có thể sẽ khiến con chậm tăng cân, do vậy đối với trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên, mẹ nên đánh thức con dậy để cho con bú đúng cữ. 

Cho trẻ ăn dặm đúng cách, đúng thời điểm

Nhiều bố mẹ thường cho con ăn dặm từ quá sớm, trước khi con được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng bố mẹ không nên cho trẻ sơ sinh ăn dặm từ quá sớm (khi trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi), hoặc quá muộn (khi trẻ quá 9 tháng tuổi). 

Ngoài ra, đối với trẻ đang trong tuổi ăn dặm, bố mẹ cũng nên chú ý bổ sung nhiều nguồn thực phẩm khác nhau để thực đơn ăn dặm của trẻ đa dạng và giàu dưỡng chất hơn. 

Đối với những trẻ sơ sinh tăng cân chậm do các vấn đề về sức khỏe, bố mẹ nên sớm đưa con tới khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và giúp con bắt kịp tốc độ phát triển của các bạn đồng trang lứa.

>>> Tham khảo thêm: 

Mặc dù tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ, nhưng bố mẹ cũng nên chú ý tới những chỉ số về chiều cao và vòng đầu theo thời gian của trẻ để đảm bảo con phát triển khỏe mạnh nhất. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về sự tăng cân của trẻ sơ sinh và tình trạng chậm tăng cân ở trẻ.  

 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận