Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh và những điều bố mẹ nên biết

Thể chất & Dinh dưỡng - 12/05/2020

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là loại dị tật nhiều bố mẹ quan tâm. Vậy dị tật này có nguy hiểm hay không và bố mẹ nên làm gì khi con bị thoát vị rốn?

Bố mẹ hẳn sẽ hết sức lo lắng khi thấy ở vùng rốn của trẻ sơ sinh xuất hiện một khối phồng nhỏ. Khối phồng này thường phình lên, thay đổi kích thước mỗi khi con khóc hay rướn người. Đây là biểu hiện của thoát vị rốn - một dị tật bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vậy thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì? Đây có phải là dị tật nguy hiểm? Bố mẹ nên làm gì khi con bị thoát vị rốn? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 

Thoát vị rốn là gì? 

Thoát vị là tình trạng xảy ra khi một phần nội tạng trong cơ thể lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó.Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng nằm bên trong ổ bụng nhô ra bên ngoài và tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn thường dễ nhận thấy khi trẻ khóc hay rướn người vì lúc này rốn của trẻ sẽ nhô ra.

Thoát vị rốn thường xuất hiện nhiều nhất ở trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Nghiên cứu cho thấy khoảng 75% trẻ có cân nặng dưới 1.5 kg khi sinh có thoát vị rốn. Ngoài ra, dị tật thoát vị rốn cũng thường xảy ra nhiều hơn ở những bé gái. 

Tại sao trẻ bị thoát vị rốn?

Khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ được nuôi dưỡng qua dây rốn và khi con chào đời, dây rốn sẽ được cắt đi. Sau khi trẻ được 1-2 tuần tuổi sau sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, tạo thành rốn của trẻ. Theo thời gian, lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ được đóng lại một cách tự nhiên khi trẻ lớn lên. 

Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ không hoàn toàn đóng lại với nhau ở giữa bụng, điểm yếu này trong thành bụng sẽ có thể gây ra thoát vị rốn. 

thoát vị rốn ở trẻ em
Thoát vị rốn thường xuất hiện nhiều nhất ở trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp.

Biểu hiện của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh thường rất dễ nhận biết, nên bố mẹ chỉ cần quan sát kỹ phần rốn của con là có thể nhận thấy rằng:

  • Ở vị trí rốn của trẻ xuất hiện một khối mềm nhô lên.
  • Khối mềm này phình lên mỗi khi con ho, khóc hoặc ưỡn mình. Bố mẹ sẽ khó nhận thấy khối lồi đó nếu con đang nằm ngửa và thư giãn. 

Thoát vị rốn thường không gây đau hay khó chịu cho trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa trẻ tới khám bác sĩ ngay nếu đột nhiên nhận thấy những triệu chứng sau: 

  • Trẻ quấy khóc nhiều, tỏ ra đau đớn.
  • Bụng con có vẻ to, tròn và đầy một cách bất thường.
  • Vùng da quanh khối thoát vị đỏ và sưng nề. 
  • Trẻ sốt hoặc nôn. 
  • Trẻ khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài, xuất hiện máu trong phân. 

Nhiều bố mẹ thường dùng tay xoa hoặc ấn mạnh vào rốn vì nghĩ rằng việc này sẽ giúp khối thoát vị mềm ra. Tuy nhiên, đây là điều không nên làm vì không những không giúp cải thiện tình trạng mà còn có thể khiến trẻ cảm thấy đau đớn.

Thoát vị rốn có nguy hiểm không?

Ở trẻ nhỏ, các biến chứng của thoát vị rốn là rất hiếm. Do đó bố mẹ không nên quá lo lắng vì thông thường, thoát vị rốn sẽ tự cải thiện khi trẻ lên 1 tuổi hoặc hơn một chút. Lúc này, cơ thành bụng của trẻ khoẻ hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, từ đó thoát vị sẽ tự mất đi. 

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp thoát vị rốn có thể khiến một đoạn quai ruột bị kẹt lại và không thể quay lại vịt rí cũ. Ở đoạn ruột này, lượng máu lưu thông để nuôi dưỡng cơ quan sẽ ít hơn, khiến cho mô ruột bị tổn thương, dẫn tới tình trạng đau vùng rốn. Nghiêm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị kẹt hoàn toàn, không nhận được máu dẫn tới hoại tử. Tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan ra rộng hơn và thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Do đó, nếu thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào hoặc khi tình trạng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh kéo dài (cho tới khi con quá 4 tuổi) thì bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời. 

>>> Xem thêm: Chăm sóc rốn cho trẻ mới sinh thế nào cho hiệu quả?

thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ nhỏ, các biến chứng của thoát vị rốn là rất hiếm.

Cách điều trị bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Để điều trị thoát vị rốn, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đưa các mô đệm thoát vị quay trở lại vị trí đúng của chúng ở trong khoang bụng. Biện pháp phẫu thuật chữa thoát vị rốn ở trẻ em được áp dụng đối với các trường hợp: 

  • Thoát vị rốn không tự biến mất khi trẻ được 4 tuổi
  • Vùng thoát vị lớn và gây đau
  • Đường ruột bị chặn

Ngoài ra, bố mẹ lưu ý không nên chữa thoát vị rốn cho trẻ bằng những mẹo dân gian truyền miệng như dùng băng dính, đồng xu hay các loại đồ vật khác áp lên vùng thoát vị. Những cách này trên thực tế không hề mang lại hiệu quả, thậm chí có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên xấu hơn. 

rốn của trẻ nhỏ
Để điều trị thoát vị rốn, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thật để đưa các mô đệm thoát vị quay trở lại vị trí đúng của chúng ở trong khoang bụng.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn

Dưới đây là một vài điều mà bố mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ bị thoát vị rốn: 

  • Hạn chế cho trẻ khóc nhiều, khó to hay hoạt động quá mạnh vì việc này có thể khiến áp lực trong ổ bụng tăng, làm cho khối phồng lớn hơn. 
  • Bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất xơ và rau củ quả để hạn chế tình trạng trẻ bị táo bón. Khi bị táo bón, trẻ phải sử dụng lực ở cơ bụng nhiều khiến tình trạng thoát vị trở nên tệ hơn.
  • Chú ý quan sát tới khối thoát vị thường xuyên.

Nếu phát hiện khối to lên đột biến, cứng, gây đau, cho trẻ nằm ngửa nhưng khối thoát vị không biến mất, kèm theo các triệu chứng nôn, sốt, đau bụng ở trẻ, bố mẹ nên đưa con tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Hy vọng qua vài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận