Tập cho bé tự ngủ: Những điều cơ bản bố mẹ cần biết
Thể chất & Dinh dưỡng - 30/03/2020
Khi nào thì nên tập cho bé tự ngủ? Những phương pháp luyện ngủ cho bé nào là hiệu quả? Bố mẹ tham khảo bài viết sau của ODP nhé!
Tập cho bé tự ngủ là quá trình rèn luyện cho bé cách để ngủ ngon và sâu suốt đêm mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ. Có trẻ tự ngủ rất nhanh và dễ dàng, nhưng cũng có trẻ gặp khó khăn trong việc tự ngủ hoặc ngủ trở lại sau khi bị đánh thức. Do vậy, bố mẹ cần có những phương pháp hỗ trợ phù hợp để giúp con ngủ ngon và dễ dàng hơn.
Bố mẹ nên tập cho bé tự ngủ vào thời điểm nào?
Các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên tập cho bé sơ sinh tự ngủ khi bé được khoảng 4-6 tháng tuổi. Khi được 4 tháng, trẻ bắt đầu ngủ và thức theo giờ đều đặn hơn và số lần bú mẹ vào ban đêm cũng giảm dần. Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đã bắt đầu sẵn sàng cho việc luyện ngủ.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng giống nhau, nên sẽ có những trẻ sẵn sàng tập tự ngủ vào thời điểm muộn hơn. Do vậy, nếu bố mẹ không chắc chắn rằng con đã sẵn sàng thì có thể hỏi những người có kinh nghiệm hoặc bác sĩ để được tư vấn.
Cần chuẩn bị những gì để tập cho bé tự ngủ?
Để tập cho bé tự ngủ thành công hơn, bố mẹ nên:
Bắt đầu xây dựng thói quen trước giờ đi ngủ cho bé
Khi bé được 6 tuần trở lên, bố mẹ có thể bắt đầu chu trình ngủ cho bé. Những thói quen trước khi đi ngủ bao gồm tắm nước ấm, đọc sách cho bé, hát ru và cho bé ngủ.
Thống nhất thời điểm ngủ
Các chuyên gia khuyên rằng bé nên bắt đầu ngủ vào khoảng 7 đến 8 giờ tối vì đây là thời điểm thích hợp để bé ngủ mà không bị quá mệt mỏi hay khó ngủ. Chính vì thế, bố mẹ cần tạo cho bé thói quen ngủ đúng giờ ngay từ khi còn nhỏ để bé có thể tự ngủ một cách đều đặn, khoa học và dễ dàng.
Làm theo lịch trình cố định hằng ngày
Bố mẹ nên cố gắng đánh thức bé dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, cho con ăn và nghỉ ngơi vào những khung giờ cố định trong ngày. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy thư giãn và được che chở, từ đó dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Chắc chắn rằng bé không mắc các vấn đề sức khỏe gây ảnh hưởng tới giấc ngủ
Một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, ví dụ như ngưng thở khi ngủ, có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé. Lúc này, bố mẹ nên liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lộ trình ngủ phù hợp cho bé.
Các phương pháp luyện ngủ
Có rất nhiều cách bố mẹ có thể áp dụng để giúp bé hình thành thói quen ngủ lành mạnh. Dưới đây là 3 phương pháp cơ bản và phổ biến nhất:
1. Để bé khóc (Cry It Out)
Đối với những bố mẹ áp dụng phương pháp này, việc để cho bé khóc khi bố mẹ đặt con xuống giường ngủ rồi ra khỏi phòng là bình thường. Tuy nhiên bố mẹ cũng sẽ không để cho bé khóc quá lâu.
Nhìn chung, phương pháp này khuyến khích bố mẹ cho bé đi ngủ và nếu con khóc thì sẽ chỉ để tình trạng đó kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, sau đó bố mẹ sẽ dỗ dành (nhưng không bế) con. Đó là bởi vì bé cần học cách tự xoa dịu chính mình thì mới có thể học cách tự ngủ và ngủ ngon cả đêm.
2. Không nước mắt (No Tears)
Đây là phương pháp tập cho bé tự ngủ không gây ra nước mắt. Khi áp dụng cách tập cho bé sơ sinh tự ngủ này, bố mẹ sẽ dỗ dành, an ủi bé vào mỗi lần con khóc.
3. Để bé tự ngủ (Fading)
Đây là phương pháp nằm ở trung gian giữa “Để bé khóc” và “Không nước mắt”. Ở phương pháp này, bố mẹ đặt bé vào giường hoặc cũi khi con buồn ngủ và ngồi cạnh bé cho đến khi con ngủ. Sau đó, bố mẹ cũng có thể vào phòng thường xuyên để theo dõi tình trạng ngủ của bé, dỗ dành bé khi cần thiết (nhưng không bế).
4. Các phương pháp khác
Có một vài cách tập cho bé tự ngủ với kỹ thuật hơi khác một chút so với 3 phương pháp trên. Phương pháp phổ biến nhất trong số đó là 5S, là từ viết tắt của:
- Swaddling: Quấn tã cho bé
- Side or stomach position: Đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp
- Shushing: Tạo âm thanh shhhh để bé cảm thấy an tâm
- Swinging: Đung đưa theo nhịp điệu
- Sucking: Cho bé ngậm ti giả
>>> Tham khảo thêm:
- Cho trẻ ngậm ti giả: Lợi hay hại nhiều hơn?
- Quấn chăn cho trẻ sơ sinh khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột tử?
Bố mẹ nên áp dụng phương pháp nào để tập cho bé tự ngủ?
Tùy vào mỗi bé, bố mẹ sẽ áp dụng phương pháp khác nhau. Không nhất thiết bắt buộc phải làm theo đúng tất cả các trình tự của từng phương pháp, bố mẹ có thể thay đổi một chút để phù hợp với bé, miễn là bố mẹ cảm thấy thoải mái và bé ngủ ngon hơn.
Bố mẹ cũng nên lưu ý:
- Dù có cùng bố cùng mẹ nhưng không phải bé nào cũng giống nhau. Điều đó có nghĩa là phương pháp luyện ngủ mà bố mẹ áp dụng với bé đầu không chắc sẽ hiệu quả với bé thứ hai. Lúc này, bố mẹ nên tìm hiểu và cập nhật phương pháp mới.
- Không nên áp dụng phương pháp Để bé khóc (Cry It Out) nếu trong nhà có trẻ nhỏ khác vì việc bé này khóc dễ làm cho bé còn lại tỉnh giấc.
- Kể cả khi đã tập cho bé tự ngủ thành công, đôi khi bé vẫn có thể không làm theo như những gì đã được luyện.
Không phải trẻ nào sinh ra cũng giống nhau: có trẻ rất dễ ngủ, nhưng cũng có trẻ hay quấy và khó ngủ hơn, vậy nên bố mẹ cần kiên nhẫn trong quá trình tập cho bé tự ngủ. ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ có thể chọn cho mình cách tập cho bé tự ngủ hiệu quả nhất.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận