Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi và những điều bố mẹ nên biết
Thể chất & Dinh dưỡng - 04/04/2020
Khi được 9 tháng, trẻ làm được nhiều thứ hơn, các kỹ năng của con phát triển nhanh chóng. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi nhé!
Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi là điều mà không ít bậc bố mẹ quan tâm. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu hiếu động và thích khám phá những điều xung quanh mình hơn. Lúc này, con đã biết trườn, tập bò và leo trèo, di chuyển khắp nhà. Đây cũng là lúc bố mẹ luôn phải chú ý và kiểm tra mọi thứ xung quanh để đảm bảo cho trẻ an toàn trong quá trình khám phá thế giới.
Trẻ 9 tháng tuổi ăn và ngủ ra sao?
Khi cho trẻ 9 tháng tuổi bú bình, bố mẹ không cần phải tiệt trùng bình hay chén bát cho trẻ nữa. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn phải đảm bảo những đồ vật đó luôn sạch sẽ.
Ở giai đoạn này, trẻ có hứng thú ăn thử tất cả các món. Đó là lý do tại sao bố mẹ luôn phải “chật vật” để giữ cho con được sạch sẽ từ đầu bữa đến cuối bữa. Tuy nhiên, thay vì kiểm soát cách trẻ ăn uống, bố mẹ nên để cho con tự khám phá những món ăn, cũng như nghiên cứu cách ăn riêng của chính mình, ví dụ như ăn bằng tay, tự cầm nắm đồ ăn. Đây chính là cơ hội để trẻ học cách tự ăn và trở nên tự lập hơn.
Bố mẹ nên đa dạng hóa các món ăn, khiến cho bữa ăn của trẻ có thêm nhiều màu sắc để kích thích trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng đừng quên chuẩn bị cho trẻ một chiếc thìa riêng để con tập xúc ăn bằng thìa và tự khám phá.
Việc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ 9 tháng tuổi. Lúc này, trẻ có thể chỉ ngủ 2 giấc mỗi ngày, mỗi lần buồn ngủ đều dễ khóc quấy và cáu gắt. Do vậy, bố mẹ nên chú ý tới những dấu hiệu của trẻ khi con buồn ngủ hay mệt, ví dụ như mè nheo, dụi mắt, gối đầu lên vai bố mẹ hoặc tỏ ra chán nản khi chơi những món đồ chơi thú vị.
Bố mẹ hãy lưu ý đừng để cho trẻ thức khuya hơn thường ngày, vì việc đó sẽ khiến trẻ mệt mỏi, dẫn tới cáu gắt.
Sự phát triển trẻ 9 tháng tuổi về mặt ngôn ngữ
Ở giai đoạn này, giọng của trẻ bắt đầu cao hơn. Có những trẻ rất ồn ào, nhưng cũng có những trẻ trầm tính hơn. Lúc này, trẻ biết tạo ra những âm thanh dài, và những tiếng bi bô của con giờ đây có vẻ gần giống như đang trò chuyện hơn. Hơn nữa, trẻ cũng biết gọi “mama” hoặc “baba”, mặc dù có thể con chưa thể hiểu hết ý nghĩa của những từ này.
Sự tăng trưởng của trẻ 9 tháng tuổi
Thường thì trẻ bắt đầu mọc răng trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng tuổi. Tùy trẻ mà răng có thể mọc sớm hoặc muộn hơn. Vậy nên thời điểm 9 tháng cũng có thể là lúc trẻ mọc chiếc răng đầu tiên.
Trên thực tế, trẻ nhỏ tăng trưởng nhiều vào ban đêm, đặc biệt là khi ngủ. Đó là bởi vì trong quá trình ngủ, trẻ tiết ra hooc-môn tăng trưởng và tái tạo năng lượng. Có những trẻ có vẻ lớn nhanh hơn vào mùa xuân và hạ và lớn chậm hơn vào mùa thu. Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng, miễn là trẻ theo kịp các cột mốc phát triển, không bị chậm tăng cân quá nhiều và luôn vui vẻ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý tới những phản ứng của trẻ mỗi khi có tiếng động đột ngột bằng cách quan sát xem trẻ có đang tập trung nhìn vào vật gì đó không. Hơn nữa, hãy chú ý tới cả cách di chuyển của trẻ. Việc này sẽ giúp bố mẹ phát hiện ra những điều bất thường về thể chất và tinh thần của trẻ.
Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì?
Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi đánh dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của con. Khi lên 9 tháng tuổi, trẻ có thể tự mình ngồi dậy và ngồi vững mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn. Con còn có thể tập đứng dậy bằng cách bám tay vào đâu đó, thậm chí bám hoặc vịn vào đó để bước đi được vài bước.
Nhiều bố mẹ có xu hướng lo lắng và sợ con mình bị ngã đau khi tập đi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn trẻ đam mê khám phá những điều mới lạ, vậy nên bố mẹ cũng hãy tạo điều kiện và khuyến khích trẻ học hỏi, tìm tòi về thế giới xung quanh. Hãy để cho trẻ tự do chơi dưới sàn nhà và chỉ hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
Trẻ 9 tháng tuổi thích chơi gì?
Trẻ ở giai đoạn 9 tháng tuổi thường rất hứng thú với những cuộn giấy, thích xé và làm thay đổi hình dáng của giấy. Một sự thật rất thú vị là trò xé giấy có thể góp phần giúp trẻ phát triển đa giác quan rất tốt, đặc biệt là xúc giác.
Do vậy, bố mẹ nên chuẩn bị thật nhiều giấy, có thể lấy từ các quyển tạp chí hay sách báo cũ để cho trẻ nghịch và xé. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên lưu ý là luôn ở bên để quan sát, theo dõi và hỗ trợ trẻ để những góc cạnh của tờ giấy không làm đứt tay con, hoặc để đảm bảo rằng trẻ không đưa giấy vào miệng.
>>> Tham khảo thêm: 5 trò chơi đơn giản giúp bé 0-1 tuổi phát triển đa giác quan
Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị cuốn hút bởi những thứ đồ chơi nhiều màu sắc tươi sáng, có nhiều hình dạng khác nhau và có âm thanh vui nhộn. Bố mẹ có thể giấu đồ chơi rồi để cho trẻ đi tìm. Hoạt động này có thể sẽ khiến trẻ cảm thấy rất thích thú.
Bố mẹ cũng nên chú ý và theo dõi phản ứng của trẻ để xem liệu con có thích trò chơi mà mình đang tham gia hay không, từ đó quyết định xem tiếp theo bố mẹ nên chơi trò gì cùng con.
Trong quá trình chơi cùng trẻ, bố mẹ hãy cố gắng tương tác và trò chuyện thật nhiều với con. Cơ hội này không những giúp trẻ tương tác nhiều hơn với bố mẹ, gắn kết tình cảm gia đình, mà còn giúp con học hỏi các kỹ năng giao tiếp, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển ngôn ngữ.
Giai đoạn 9 tháng tuổi đánh dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển về nhiều mặt của trẻ. Bố mẹ nên chú ý tới những thay đổi của trẻ để biết liệu con có đang phát triển với tốc độ bình thường hay không, từ đó đưa ra những biện pháp hỗ trợ và can thiệp phù hợp đối với trẻ. ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã biết thêm được nhiều điều về sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận