Tìm hiểu về áp xe răng và các phương pháp điều trị áp xe răng cho bé
Thể chất & Dinh dưỡng - 04/09/2020
Áp xe răng có thể khiến trẻ đau đớn và ăn uống khó khăn, thế nên bố mẹ cần có kiến thức về căn bệnh này để có thể điều trị áp xe răng cho bé kịp thời và hiệu quả.
Trẻ bị áp xe răng thường là do tình trạng bị viêm hốc răng kéo dài và tạo thành ổ viêm nhiễm nặng. Phát hiện sớm để điều trị áp xe răng cho bé là điều vô cùng quan trọng để có thể tránh cho bé bị đau đớn khó chịu.
Vậy nếu không may bé bị áp xe răng thì bố mẹ phải làm sao? Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị và giảm đau cho bé qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây ra áp xe răng ở trẻ em
Áp xe là một ổ viêm nhiễm tập trung thành một khối mềm chứa đầy mủ bên trong. Áp xe có cấu tạo từ vi khuẩn, xác của bạch cầu và các mảnh vụn. Vùng áp xe thường sưng đỏ, gây đau đớn.
Trẻ bị áp xe răng khi chân răng hoặc vùng tiếp xúc giữa răng và nướu của trẻ bị nhiễm trùng. Vùng nhiễm trùng sưng nề, gây đau đớn và cản trở việc ăn uống của trẻ. Áp xe răng có thể lây lan sang các bộ phận khác như hàm, nướu,... Và nguy hiểm hơn, nếu tình trạng này kéo dài và bố mẹ không nhanh chóng điều trị áp xe răng cho bé kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Trẻ bị áp xe răng có thể do một số nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ yếu là do sâu răng;
- Trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách nên vô tình gây ra tổn thương hoặc chưa đủ sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn nặng;
- Răng của trẻ bị tổn thương như bị mẻ hoặc bị gãy do chấn thương, khiến cho men răng bị vỡ ra, từ đó tủy răng bị nhiễm trùng;
- Trẻ có thói quen nghiến răng, tạo áp lực lên răng;
- Hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng.
Dấu hiệu cho thấy trẻ bị áp xe răng
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị áp xe răng đó là khoang miệng của trẻ xuất hiện vết sưng đỏ gây đau đớn ở gần răng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên để ý tới các biểu hiện sau đây:
- Vết sưng đỏ có tiết ra dịch mủ;
- Men răng của trẻ ngả sang màu tối hơn;
- Trẻ bị đau dữ dội mỗi khi cắn, nhai hoặc ngậm, mở miệng;
- Trẻ sốt cao;
- Miệng trẻ có mùi hôi khó chịu;
- Hạch ở cổ, má và nướu của trẻ bị sưng;
- Răng ê buốt khi ăn thức ăn lạnh hoặc nóng;
- Trẻ bị đắng miệng;
- Sưng cả hàm dưới và hàm trên;
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi.
Cách điều trị áp xe răng cho bé
Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh của bé mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể:
Đối với răng miệng
- Nếu túi mủ của ổ áp xe có khả năng bị vỡ thì bác sĩ sẽ nhanh chóng chỉ định rạch tháo mủ, sau đó làm sạch lại bằng nước muối.
- Nếu răng của trẻ bị lung lay hoặc hư hỏng nặng khó có thể phục hồi thì sẽ được chỉ định nhổ bỏ để tránh lây lan sang các răng bên cạnh.
- Đối với trường hợp trẻ bị áp xe do tủy răng thì bác sĩ sẽ tiến hành lấy mủ, hút sạch tủy rồi sau đó bít kín ống tủy. Răng hàm bị áp xe sẽ được làm sạch và bọc sứ.
- Nếu trẻ bị áp xe răng do mô nha chu thì bác sĩ sẽ tiến hành nạo sạch túi mủ, sau đó là cạo gốc răng.
Đối với toàn cơ thể
Nếu tình trạng áp xe của trẻ nhiễm trùng lan rộng và nghiêm trọng thì trẻ có thể sẽ được bác sĩ kê thêm thuốc kháng sinh để tăng cường sức đề kháng.
Biện pháp giảm đau khi trẻ bị áp xe răng
Các ổ áp xe sưng nề trong khoang miệng có thể gây ra đau đớn và cản trở việc ăn uống của trẻ. Để giúp con giảm đau khi bị áp xe răng thì bố mẹ có thể thử một số phương pháp dưới đây:
- Chườm đá lạnh quanh khu vực có áp xe theo chỉ định của nha sĩ trong khoảng từ 12-20 phút;
- Tỏi có tính kháng viêm rất cao. Bố mẹ có thể cho trẻ nhai tỏi, hoặc nếu trẻ không thích nhai thì bố mẹ có thể thoa nước ép tỏi lên khu vực áp xe để kháng viêm cho trẻ;
- Dầu bạc hà, dầu kinh giới và dầu đinh hương có khả năng kháng khuẩn, chống nấm rất tốt. Thế nên cho trẻ đánh răng bằng các loại dầu này có thể làm giảm viêm và nhiễm trùng.
- Cho trẻ súc miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối ấm để kháng khuẩn, giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa lây lan ổ nhiễm trùng;
- Trộn dấm táo với nước ấm theo tỉ lệ 1 thìa dấm và 1 cốc nước để trẻ súc miệng, bố mẹ cũng nên lưu ý rằng tuyệt đối không cho trẻ uống dung dịch này;
>>>Tham khảo thêm: Sâu răng cửa ở trẻ em: nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ bị áp xe răng
- Bố mẹ và trẻ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của nha sĩ;
- Trẻ cần được uống thuốc đúng chuẩn liều lượng và thời điểm, đồng thời tránh uống thuốc nghỉ gián đoạn vì có thể kéo dài thời gian khỏi bệnh hoặc khiến cho quá trình điều trị bị giảm hiệu quả;
- Bám sát lộ trình điều trị cùng với nha sĩ để đảm bảo thời gian hồi phục cho trẻ.
Biện pháp phòng tránh áp xe răng cho trẻ nhỏ
Để ngăn ngừa áp xe răng ở trẻ em thì điều quan trọng nhất chính là chăm sóc răng miệng cho trẻ thật sạch để tránh sâu răng. Để làm được điều đó, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Chải răng nhẹ nhàng đúng cách vào 2 buổi, sáng trước khi ăn và tối trước khi đi ngủ. Bố mẹ nên lựa chọn sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride để giúp răng chắc khỏe;
- Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ có thể sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch các mảng bám ở kẽ răng - nơi mà bàn chải khó có thể làm sạch được hoàn toàn;
- Nếu trẻ bị gãy hoặc mẻ răng thì bố mẹ hãy đưa trẻ đến nha sĩ để kiểm tra;
- Cho trẻ đi khám và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần;
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt và các loại thức ăn có độ dính cao như đồ bột, đồ nếp,...;
- Thường xuyên thay bàn chải mới cho trẻ, khoảng 3 tháng/lần.
ODPHUB hy vọng rằng bài viết trên giúp bố mẹ hiểu hơn về bệnh áp xe răng ở trẻ em, để từ đó có cách chăm sóc và điều trị áp xe răng cho bé thật phù hợp, bảo vệ hàm răng chắc khỏe cho con, để con ăn uống ngon miệng và phát triển thật tốt nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận