Những dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh bố mẹ cần nắm rõ
Thể chất & Dinh dưỡng - 02/07/2020
Dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh là gì? Làm sao để biết con có đang phát triển bình thường hay không? Bố mẹ tham khảo bài viết sau của ODP nhé!
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc bố mẹ. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy con đang phát triển bình thường:
Về cân nặng và chiều cao
Khi trẻ sơ sinh được khoảng 3-5 ngày tuổi, trọng lượng cơ thể của trẻ thường giảm 7-10% so với cân nặng khi sinh. Tuy nhiên, sau đó từ 2-3 tuần, trẻ thường sẽ trở về cân nặng khi vừa mới chào đời của mình và sẽ tăng khoảng 600-900g khi được tròn 1 tháng tuổi.
Về chiều cao, bố mẹ có thẻ thấy sự tăng trưởng rõ rệt của con vì trong 2 tuần đầu đời, trẻ sơ sinh có thể cao lên khoảng 2,5cm.
Về chu vi vòng đầu của trẻ
Chu vi vòng đầu của một trẻ sơ sinh phát triển bình thường có thể tăng khoảng 1,3cm trong tháng đầu tiên.
Về việc ăn uống và vệ sinh
Thông thường, mỗi ngày trẻ sơ sinh cần được cho bú khoảng 8-12 lần. Để biết trẻ có đang bú đủ sữa hay không, bố mẹ nên đếm số lần thay tã cho trẻ. Thông thường, trẻ sơ sinh khi chưa đầy 1 tháng tuổi sẽ cần thay tã từ 8-10 lần mỗi ngày. Khi được hơn 1 tháng tuổi, số lần thay tã của trẻ sẽ giảm dần.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể theo dõi màu nước tiểu của trẻ. Nếu nước tiểu của trẻ có màu nhạt, điều này chứng tỏ con đã được bú đủ. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có màu đậm, rất có thể trẻ chưa nhận được đủ lượng chất lỏng cần thiết thông qua việc bú sữa.
Ngoài ra, vì sữa mẹ có tính nhuận tràng nên việc trẻ sơ sinh đi tiểu sau khi được cho bú là điều bình thường. Nếu trẻ không thải ra đủ lượng nước tiểu hay phân, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề nào đó về thể chất hay dinh dưỡng.
Về giấc ngủ
Khi được khoảng 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có giấc ngủ ổn định hơn. Lúc này, trẻ có thể ngủ liền mạch khoảng 6 tiếng vào ban đêm. Trong trường hợp trẻ đã hơn 4 tháng tuổi nhưng vẫn có thói quen ngủ không đều đặn, bố mẹ nên thiết lập kế hoạch rèn ngủ chặt chẽ hơn cho con.
>>> Tham khảo thêm: Những điều bố mẹ cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Về tình trạng quấy khóc
Trẻ sơ sinh hay quấy khóc là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm dần theo thời gian và khi trẻ được khoảng 4 tháng tuổi, con sẽ ít quấy khóc hơn so với giai đoạn đầu sau sinh.
Trong trường hợp trẻ dưới 5 tháng tuổi khóc nhiều và liên tục trong ngày và tình trạng này kéo dài nhiều ngày trong tuần, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp hỗ trợ phù hợp.
Mỗi khi trẻ sơ sinh quấy khóc, bố mẹ nên lưu ý không rung hay lắc mạnh cơ thể của trẻ để tránh làm ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của con.
Về khả năng của trẻ
Phản ứng nhanh với các âm thanh
Việc trẻ sơ sinh có thể phản ứng nhanh với các âm thanh chứng tỏ thính giác của con đang phát triển bình thường và khỏe mạnh. Không những vậy, trẻ còn đang dần tò mò về những gì mà mình nghe thấy. Ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi, cơ quan thính giác của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên con chỉ có thể nghe được những âm thanh ở gần.
Lúc này, trẻ có thể quay mặt về phía người trò chuyện với con. Đặc biệt, trẻ rất thích thú khi nghe thấy giọng nói của bố mẹ hay những người thân trong gia đình.
Để có thể hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển khả năng thính giác của trẻ, bố mẹ có thể sử dụng các loại đồ chơi có phát ra tiếng nhạc như hộp âm nhạc. Trong trường hợp trẻ 2 tháng tuổi chưa biết cười, không có phản ứng với các âm thanh, bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và chữa trị.
Có khả năng chống đỡ cơ thể
Giai đoạn 3-4 tháng tuổi là khoảng thời gian trẻ sơ sinh bắt đầu tập lẫy. Điều đó chứng tỏ hệ cơ xương của con đang dần cứng cấp hơn và phát triển với tốc độ bình thường. Từ tháng thứ 4 trở đi, trẻ dần tập ngồi và có góc nhìn hoàn toàn mới về thế giới quanh mình.
Nếu trẻ 4 tháng tuổi chưa thể tự giữ cho đầu vững hay trẻ 9 tháng chưa thể tự chống tay để đỡ mình dậy hay không thể ngồi mà không có sự hỗ trợ từ người lớn thì bố mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tham khảo lời khuyên để giúp con bắt kịp tốc độ phát triển bình thường.
Tập trung tầm nhìn vào đồ vật, màu sắc
Việc này chứng tỏ thị giác và não bộ của trẻ đang phát triển khỏe mạnh. Khi mới chào đời, thị lực của trẻ là 1/20. Khi được 2-3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh biết hướng đầu về phía nguồn sáng, dùng mắt để khám phá tay chân, dễ mất tập trung bởi những hình ảnh thú vị. Thị lực của trẻ thường phát triển nhanh chóng để đạt mức 20/20 khi con ở giai đoạn 3-5 tuổi.
Giao tiếp bằng ánh mắt và tương tác với mọi người
Trẻ từ 1 tháng tuổi đã có thể giao tiếp bằng ánh mắt, 2 tháng biết cười và 3 tháng biết ê a trò chuyện với người lớn. Đây là những cột mốc phát triển bình thường cho thấy trẻ có nhu cầu được giao tiếp xã hội, muốn kết nối với những người thân trong gia đình và trở nên ý thức hơn về thế giới xung quanh mình.
Nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong quá trình phát triển, bố mẹ nên sớm đưa con tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về các dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận