Cơn khóc lặng ở trẻ em và những điều bố mẹ nên biết
Thể chất & Dinh dưỡng - 21/08/2020
Cơn khóc lặng ở trẻ em là gì? Những cơn khóc lặng có nguy hiểm không? Bố mẹ nên làm gì trong tình huống này? Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Những cơn khóc lặng ở trẻ em tuy không nguy hiểm và gây thương tổn lâu dài, nhưng lại là trải nghiệm khá đáng sợ với nhiều bậc bố mẹ. Đặc biệt, khi chưa từng nghe nói về tình trạng trẻ khóc lặng, bố mẹ sẽ cảm thấy rất lo lắng vì không biết liệu có phải con đang gặp vấn đề gì hay không.
Cơn khóc lặng ở trẻ em là gì?
Những cơn khóc lặng có thể xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi. Giai đoạn trẻ có thể xuất hiện nhiều cơn khóc lặng nhất là 1-3 tuổi. Khi xảy ra hiện tượng khóc lặng, trẻ sợ hãi, khóc lóc, hít vào rồi nín lặng, không thở ra, đồng thời miệng há rộng như muốn khóc nhưng không phát ra âm thanh. Các cơn khóc lặng ở trẻ em là phản xạ của cơ thể trẻ khi bị kích thích hay cảm thấy khó chịu, thường kéo dài từ 30-60 giây. Sau khoảng thời gian này, trẻ có thể thở lại như bình thường và da cũng hồng hào trở lại.
Trẻ thường khóc lặng nhiều khi con bực bội hay mệt mỏi quá mức. Đa số các cơn khóc lặng sẽ biến mất khi trẻ được khoảng 4-8 tuổi. Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ được rõ nguyên nhân sâu xa của những cơn khóc lặng ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho rằng trẻ khóc lặng là do di truyền, khi trong gia đình có người có tiền sử từng khóc lặng. Cũng có ý kiến khác chỉ ra rằng nguyên nhân của những cơn khóc lặng có thể liên quan đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu.
Cách phòng ngừa những cơn khóc lặng
Trên thực tế, bố mẹ không thể ngăn ngừa tình trạng khóc lặng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bố mẹ có thể tác động để tránh xảy ra những sự kiện khiến trẻ khóc lặng bằng những cách như:
- Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ.
- Hạn chế để xảy ra các tình huống khiến trẻ bực bội, cáu giận. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện tức giận, bố mẹ hãy đánh lạc hướng trẻ.
- Trấn an, vỗ về trẻ khi thấy con hoảng sợ, đem lại cho con cảm giác an toàn.
- Trước khi có thay đổi trong một tình huống nào đó, hãy giải thích với trẻ để con không quá hoảng sợ khi rơi vào hoàn cảnh mới.
- Học cách xử lý những cơn nóng giận của trẻ.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ khóc lặng?
Khi cơn khóc lặng xuất hiện, điều đầu tiên bố mẹ cần chú ý là không nên quá hoảng loạn. Bố mẹ nên ghi nhớ rằng những cơn khóc lặng ở trẻ nhỏ thường sẽ kết thúc trong vòng 60 giây. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý những điều dưới đây:
- Cho trẻ nằm nghiêng và chú ý theo dõi trẻ cho tới khi cơn khóc lặng kết thúc.
- Không đưa bất kỳ một vật gì vào trong miệng trẻ với mục đích làm thông đường thở.
- Trong trường hợp trẻ có các cử động co giật, bố mẹ hãy giữ đầu, tay, chân của trẻ và tránh không cho cơ thể con chạm vào các vật cứng hay sắc nhọn để hạn chế chấn thương xảy ra.
- Không lay người, hắt nước vào mặt trẻ với mong muốn giúp trẻ ngưng khóc lặng. Bố mẹ hãy để cho cơn khóc lặng tự kết thúc.
- Trấn an những người xung quanh rằng cơn khóc này của trẻ không đem lại nguy hiểm và không kéo dài lâu.
- Bỏ qua cơn khóc lặng ở trẻ, không để ý quá nhiều tới con sau những cơn khóc lặng để tránh củng cố hành vi dẫn tới hiện tượng trẻ khóc lặng.
- Đưa trẻ tới khám bác sĩ nếu trong cơn khóc con bị ngã và gặp chấn thương.
Dấu hiệu nguy hiểm của những cơn khóc lặng
Sau cơn khóc lặng đầu tiên của trẻ, bố mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra và loại trừ các bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc thần kinh tiềm ẩn.
Ngoài ra, mặc dù những cơn khóc lặng ở trẻ em thường không nguy hiểm, nhưng bố mẹ nên đưa con tới khám bác sĩ nếu:
- Trẻ dưới 6 tháng khóc lặng.
- Các cơn khóc lặng xảy ra quá thường xuyên (khoảng 3-4 lần/ngày).
- Trẻ co giật, người cứng đơ trong vòng hơn 1 phút và mất nhiều thời gian để hôi tỉnh.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về các cơn khóc lặng ở trẻ em.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận