Có nên cho trẻ uống vitamin A? - Cách bổ sung vitamin A hợp lý cho trẻ
Thể chất & Dinh dưỡng - 15/05/2020
Trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, lượng vitamin A cung cấp thường không đủ nhu cầu. Vậy có nên cho trẻ uống vitamin A để bổ sung?
Vitamin A là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị lực và hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ nhỏ, đại đa số bố mẹ thường không bổ sung đủ cho con. Vậy có nên cho trẻ uống vitamin A để bổ sung hay không?
1. Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe của trẻ em
Vitamin A có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của trẻ:
- Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu trẻ bị thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc và suy dinh dưỡng.
- Vitamin A giúp là một hợp chất quan trọng đối với thị giác của trẻ. Bổ sung đủ vitamin A sẽ giúp mắt có khả năng nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu. Thông thường, khi thiếu vitamin A, khả năng nhìn của mắt sẽ bị giảm, đặc biệt là vào lúc ánh sáng yếu. Hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối, dân gian gọi là quáng gà. Quáng gà là biểu hiện sớm của tình trạng thiếu vitamin A. Nếu trẻ bị quáng gà do thiếu vitamin A thường nhút nhát, chỉ ngồi một chỗ, không dám đi hoặc nếu đi thì dễ bị ngã, đi lại khó khăn, dễ va chạm với các vật ở dưới đất,... mỗi khi trời chập tối.
- Vitamin A cũng đóng vai trò trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, niêm mạc khí quản, niêm mạc ruột non, các tuyến nước bọt và tinh hoàn,... Nếu thiếu vitamin A, cơ thể sẽ giảm sản xuất các niêm dịch, khiến da bị khô, xuất hiện sừng hóa,... Dấu hiệu này thường bắt đầu ở mắt: ở mức độ nhẹ, trẻ chỉ bị khô kết mạc, sau đó tổn thương giác mạc, dẫn tới hậu quả mù lòa. Bên cạnh đó, việc thiếu vitamin A cũng khiến niêm mạc ruột bị tổn thương dẫn tới rối loạn tiêu hóa hoặc niêm mạc phế quản tổn thương dễ mắc các bệnh đường hô hấp,...
- Vitamin A giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Nếu thiếu vitamin A, sức đề kháng của cơ thể trẻ sẽ giảm và vì thế, trẻ dễ mắc các loại bệnh làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng như: bệnh như sởi, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy,..v.v. Nếu bị nặng trẻ có thể có nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, vitamin A còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn khác như uốn ván, lao cũng như hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.
2. Nguyên nhân thiếu vitamin A
Vitamin A chủ yếu có trong thức ăn và khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thu qua ruột rồi dự trữ ở trong gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ nhỏ như:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin A:
Con người chủ yếu hấp thụ vitamin A qua thực phẩm nên một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu vitamin và caroten (tiền vitamin A) có thể khiến trẻ bị thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, vitamin A cho trẻ sơ sinh thường sẽ được cung cấp qua sữa mẹ nếu bé bú mẹ. Nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ.
- Các bệnh nhiễm khuẩn:
Khi trẻ bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sởi, nhiễm giun đũa,... nhu cầu về vitamin A của cơ thể sẽ tăng cao để tái tạo lại các biểu mô cũng như tạo kháng thể chống lại bệnh tật. Trong trường hợp các bệnh này kéo dài thì vitamin A trong cơ thể trẻ sẽ bị thiếu trầm trọng, rất cần bố mẹ giúp bổ sung kịp thời.
- Cơ thể không hấp thu được nhiều vitamin A:
Khi trẻ bị các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy kéo dài thì khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A sẽ bị suy giảm rất nhiều. Ngoài ra, cho dù thức ăn có nhiều vitamin A nhưng thiếu đạm và dầu mỡ thì khả năng hấp thu vitamin A của trẻ cũng bị giảm.
- Lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể không còn:
Khi thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu vitamin A mà cơ thể cần thì cơ thể sẽ huy động vitamin A được dự trữ từ gan. Tuy nhiên, tới một thời điểm nào đó, lượng vitamin A dự trữ không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể thì tình trạng thiếu vitamin A sẽ xảy ra. Thông thường, suy dinh dưỡng và nhiễm trùng sẽ kéo theo tình trạng thiếu vitamin A.
>>> Xem thêm:
- Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh đúng cách như thế nào?
- Bổ sung vitamin D cho trẻ đến khi nào thì bố mẹ nên dừng lại?
3. Các đối tượng dễ bị thiếu vitamin A
- Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A. Ở giai đoạn này, do thay đổi chế độ dinh dưỡng (giai đoạn ăn bổ sung, cai sữa) và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A rất cao.
- Trẻ dưới 5 tuổi các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài,... cũng có nguy cơ cao thiếu vitamin A.
- Trẻ sơ sinh đang bú mẹ cũng có thể bị thiếu hụt vitamin A nếu chế độ ăn uống của mẹ không cung cấp đủ vitamin A. Đặc biệt, nếu trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A sẽ càng cao.
4. Mức nhu cầu vitamin A là bao nhiêu?
Dưới đây là nhu cầu vitamin A được khuyến nghị theo từng độ tuổi:
- Trẻ từ 1 tới 3 tuổi: 1000 IU/ngày
- Trẻ từ 4 tới 8 tuổi: 1300 IU/ngày
- Trẻ từ 9 tới 13 tuổi: 2000 IU/ngày
- Nam giới 14 tuổi trở lên: 3000 IU/ngày
- Nữ giới 14 trở lên: 2300 IU/ngày
Giới hạn liều vitamin A bổ sung an toàn (tính theo retinol):
- Trẻ dưới 3 tuổi: không quá 2000 IU/ngày
- Trẻ từ 4 - 8 tuổi: không quá 3000 IU/ngày
- Trẻ từ 9 - 13 tuổi: không quá 6000 IU/ngày
- Từ 14 tới 18 tuổi (bao gồm cả trường hợp mang thai và cho con bú): không quá 9000 IU/ngày
- Từ 19 tuổi trở lên: không quá 10000 IU/ngày
5. Cách bổ sung vitamin A cho trẻ
5.1. Uống vitamin A cho trẻ
Rất nhiều bố mẹ không biết có nên cho trẻ uống vitamin A hay không. Trên thực tế, với nhóm đối tượng nguy cơ cao thiếu vitamin A như trẻ em và mẹ bầu cho con bú thì việc bổ sung vitamin liều cao là cần thiết để giải quyết tình trạng khô mắt gây hậu quả mù ở trẻ. Thông thường, việc uống vitamin A liều cao sẽ được thực hiện theo chỉ định của nhà nước. Hiện nay, mỗi năm nhà nước đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A định kỳ vào ngày 1- 2 tháng 6 và ngày 1- 2 tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bố mẹ nên lưu lại để không bỏ lỡ lịch uống thuốc của con.
5.2 Thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc cung cấp vitamin A cần thiết cho trẻ. Bố mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các mẹ trong thời kỳ mang thai, khi cho con bú. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ phải cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin trong bữa ăn của trẻ.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và caroten cho cơ thể như: rau màu xanh đậm ( rau dền, rau muống, rau ngót, rau xà lách, rau diếp), các loại củ quả có màu đỏ, vàng (bí đỏ, hồng, gấc, xoài, đu đủ).
- Do Vitamin A chỉ tan trong dầu nên trong chế độ ăn của trẻ, bố mẹ vẫn cần bổ sung dầu mỡ thì trẻ mới hấp thu được vitamin A.
- Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch, nhất là bệnh sởi.
- Đảm bảo sức khỏe cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm và ký sinh trùng đường ruột.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nếu được kéo dài đến 24 tháng.
Mỗi một độ tuổi, giới tính khác nhau sẽ có nhu cầu vitamin A khác nhau nên rất cần bố mẹ bổ sung vitamin A một cách hợp lý cho trẻ. ODPHUB mong rằng qua bài viết này, bố mẹ đã có câu trả lời cho câu hỏi có nên cho trẻ uống vitamin A không để từ đó có cách chăm sóc trẻ phù hợp.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận