Bố mẹ có nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong không?
Thể chất & Dinh dưỡng - 28/06/2020
Mật ong là một món thực phẩm, bài thuốc thiên nhiên quý, thế nhưng bố mẹ cần xem xét kỹ thành phần của mật ong để xem có nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong không nhé!
Mật ong mang nhiều công dụng tuyệt vời, được sử dụng phổ biến như một chất tạo ngọt tự nhiên thay thế cho đường kính. Mật ong cũng có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và là một chất kháng khuẩn mạnh. Thế nhưng bố mẹ có nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong không khi mật ong có nhiều công dụng tuyệt vời như vậy?
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB phân tích công dụng của mật ong để có thể trả lời được câu hỏi này nhé!
Công dụng của mật ong
Mật ong là chất lỏng có vị ngọt thơm được tạo thành qua bao nhiêu năm tháng chăm chỉ hút mật từ hoa của loài ong. Trên thế giới có khoảng 320 loại mật ong với sự đa dạng về màu sắc, mùi vị.
Mật ong có thành phần chủ yếu là đường và hỗn hợp các loại vitamin (B1, B2, E, PP, K…), axit amin, khoáng chất, kẽm, sắt và chất chống oxy hóa. Đường trong mật ong là đường glucose và fructose có thể được cơ thể hấp thụ trực tiếp mà không cần tới bất kỳ loại men phân hủy nào. Bên cạnh đó, mật ong cũng được sử dụng phổ biến như một chất làm ngọt và là một loại thuốc tự nhiên có hiệu quả rất tốt.
Trong quá trình sản xuất, thu thập và chế biến thì mật ong hoàn toàn có thể bị nhiễm vi trùng, vi khuẩn từ bản thân con ong, từ thực vật và bụi bẩn từ môi trường. Bản thân mật ong là một môi trường mang tính kháng khuẩn cao nên có thể ngăn chặn được sự sống và khả năng sinh sản của đa số các loại vi trùng.
Tuy nhiên, vẫn có một số loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sản bằng bào tử vẫn có thể sinh sôi và phát triển trong mật ong.
Vậy trẻ sơ sinh có nên ăn mật ong hay không?
Sử dụng mật ong không đúng cách có thể gây hại đến cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Tại sao không nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong?
Như đã phân tích ở trên, dù mật ong có tính kháng khuẩn cao thế nhưng vẫn có khả năng nhiễm các bào tử vi khuẩn Clostridium Botulinum từ đất và bụi. Bào tử vi khuẩn này khi đi vào cơ thể sẽ sản sinh ra độc tố Botulinum. Độc tố này không gây tác động đáng kể đối với cơ thể người lớn có sức đề kháng và đào thải độc tố tốt, thế nhưng đối với trẻ sơ sinh lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chưa đủ phát triển để có thể chống lại nhiễm trùng, đặc biệt là khi bào tử vi khuẩn này có thể phát triển và sinh sôi trong ruột của bé, tạo ra một loại độc tố nguy hiểm. Chỉ với một liều lượng rất nhỏ, độc tố Botulinum khi xâm nhập vào máu của trẻ sơ sinh có thể gây tê liệt hệ hô hấp, thậm chí dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, mật ong để lâu ngày hoặc trải qua quá trình chế biến và bảo quản không đúng cách (như việc đun nóng hoặc bảo quản mật ong ở nhiệt độ cao) sẽ hình thành nên chất HMF (hydroxy metyl furfural). HMF xuất hiện khi đường fructose bị mất nước dưới tác động của nhiệt độ cao. HMF ở hàm lượng 200mg/kg có thể làm ong chết và chuột bị biến đổi gen. Chính vì vậy, mật ong để lâu ngày không hề tốt như những lời truyền miệng dân gian rằng “mật ong để càng lâu càng ngon”. Và bố mẹ hãy thử tưởng tượng xem với hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ sơ sinh, nếu ăn phải mật ong để lâu ngày có chứa HMF thì sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm tới mức nào.
Có nên dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ không?
Nhiều bố mẹ truyền nhau kinh nghiệm rằng khi con bị tưa lưỡi thì nên sử dụng mật ong để vệ sinh, làm sạch khoang miệng cho trẻ vì mật ong là bài thuốc thiên nhiên có tính kháng khuẩn cao và an toàn hơn dùng thuốc tây. Thế nhưng đây là một quan niệm vô cùng sai lầm. Độc tố botulinum vô cùng nguy hiểm đối với trẻ, chỉ với một lượng rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây liệt cơ và hệ hô hấp, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Mật ong là một bài thuốc thiên nhiên rất quý và dễ sử dụng, thế nhưng ODPHUB hy vọng rằng sau khi đọc bài viết này, bố mẹ hãy cân nhắc thật kỹ xem có nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong không để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận