Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng 

Thể chất & Dinh dưỡng - 04/06/2020

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng là mối quan tâm của nhiều bố mẹ đang nuôi con nhỏ. Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Trẻ nhỏ sau khi tiêm phòng có thể gặp phải một vài vấn đề như sốt, quấy khóc, sưng đỏ ở vị trí tiêm… Do vậy, bố mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng để đảm bảo con khỏe mạnh và hỗ trợ kịp thời nếu con có dấu hiệu bất thường. 

Những phản ứng sau khi tiêm phòng ở trẻ

Sốt nhẹ

Đa số trẻ đều có phản ứng sốt nhẹ sau khi tiêm phòng. Thông thường, những cơn sốt này sẽ có thể tự khỏi và xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn (rất ít khi kéo dài quá 2 ngày). Tuy nhiên, bố mẹ nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ (khoảng 2-3 tiếng kiểm tra 1 lần). 

Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng:

  • Nếu nhiệt độ dưới 38 độ C, bố mẹ nên chườm ấm cho trẻ (bằng nước có nhiệt độ thấp hơn 1-2 độ C so với thân nhiệt của trẻ) hoặc dán miếng dán hạ sốt cho con. 
  • Nếu theo dõi và thấy trẻ sốt cao (trên 38 độ C), bố mẹ có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt theo đơn chỉ định của bác sĩ.

chăm sóc bé sau khi tiêm
Đa số trẻ đều có phản ứng sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.

Các phản ứng tại vị trí tiêm phòng 

Có nhiều trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng sưng, đỏ, cứng và đau ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, những biểu hiện này thường sẽ tự biến mất sau vài ngày mà không cần can thiệp gì từ bên ngoài. 

Với mũi tiêm vắc-xin phòng lao, sau khoảng 2 tuần đến 2 tháng, ở vị trí tiêm có thể xuất hiện vùng da đỏ, hình thành mụn mủ và về sau mụn vỡ ra thành sẹo. Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường và bố mẹ không nên quá lo lắng.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể có các biểu hiện như:

  • Phát ban giả (sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella) hoặc nổi mụn nước (sau khi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu). Tuy nhiên những trường hợp này thường ít khi xảy ra và thường tự biến mất sau 1-2 ngày.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ sau khi tiêm vắc-xin phòng tiêu chảy (với các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần trong ngày hơn, phân loãng hơn). Phản ứng này thường sẽ tự hết sau khoảng 1-2 ngày mà không cần sự can thiệp của thuốc hay men tiêu hóa. 
  • Triệu chứng giả cúm sau khi tiêm vắc-xin phòng cúm (với các biểu hiện như hắt hơi, chảy nước mũi, đau cơ nhẹ…). Những triệu chứng này sẽ tự biến mất sau khoảng 1-2 ngày. Bố mẹ có thể dùng nước mũi sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ. 

>>> Tham khảo thêm: Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 và những lưu ý dành cho bố mẹ

mẹ bế bé bị ốm
Triệu chứng giả cúm cũng có thể xuất hiện sau khi trẻ tiêm vắc-xin.

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng

Tại cơ sở tiêm chủng

Sau khi được tiêm phòng, trẻ cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm để kịp thời được xử lý nếu có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường như quấy khóc liên tục, ngủ li bì, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè, nôn trớ, da mẩn đỏ, tinh thần không tỉnh táo… thì bố mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Khi về nhà

Bố mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ trong ít nhất là 24-48 giờ sau khi tiêm. Hãy chú ý tới mọi vấn đề của trẻ như thân nhiệt, tình trạng ăn, ngủ, nhịp thở, tình trạng phát ban… 

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng, bố mẹ cũng nên chú ý những điều sau đây: 

  • Cho con ăn hoặc bú đủ cữ, đủ lượng và đúng tư thế. Hãy cho bé bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn (với trẻ trên 1 tuổi) và cho con ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa (đối với trẻ đang ở giai đoạn ăn dặm). 
  • Mặc quần áo phù hợp cho trẻ: đủ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.
  • Thường xuyên kiểm tra trẻ để nhận biết những dấu hiệu bất thường, nhất là vào ban đêm.
  • Không đắp bất kỳ thứ gì vào vị trí tiêm (ví dụ như chanh, lá cây…) vì có thể gây nhiễm trùng. 
  • Tránh đè vào vết tiêm của trẻ khi bế con. 
  • Sử dụng thuốc cho trẻ theo đúng chỉ định của bác sĩ (nếu có).

chăm sóc bé sau tiêm phòng
Bố mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng đúng cách để đảm bảo con luôn khỏe mạnh.

Nếu trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ thấy con có những biểu hiện dưới đây thì hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất: 

  • Sốt trên 39 độ C, không hạ sốt khi dùng thuốc. 
  • Mệt lả, không phản ứng khi được gọi tên hay hỏi han, thậm chí co giật.
  • Tím tái, khó thở (khò khè, thở nhanh, ngắt quãng…).
  • Thường xuyên quấy khóc và khóc thét (kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ).
  • Chân tay lạnh, nổi vân tím, nổi mề đay.
  • Bú kém, bỏ bú.
  • Vị trí tiêm bị sưng, đau, trở nên cứng và có quầng đỏ kích thước lan rộng.

Việc tiêm phòng là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ để đảm bảo con luôn khỏe mạnh, nhưng bố mẹ cũng nên chú ý theo dõi và chăm sóc con đúng cách sau khi tiêm phòng nhé! ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận

Bài viết liên quan

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 và những lưu ý dành cho bố mẹ

Thể chất & Dinh dưỡng - 29/04/2020

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 và những lưu ý dành cho bố mẹ

Việc tiêm phòng giúp bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh nguy hiểm trong suốt cuộc đời. Bố mẹ tham khảo lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 nhé!

Các mũi tiêm phòng cho bé từ 0 - 24 tháng tuổi mà bố mẹ cần ghi nhớ

Thể chất & Dinh dưỡng - 23/04/2020

Các mũi tiêm phòng cho bé từ 0 - 24 tháng tuổi mà bố mẹ cần ghi nhớ

Để tăng cường đề kháng cho trẻ từ khi chào đời, bố mẹ cần nhớ đủ các mũi tiêm phòng cho bé cũng như lịch tiêm phòng nhé!

Đi tìm câu trả lời chính xác: Tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em?

Trí não & Nhận thức - 15/01/2020

Đi tìm câu trả lời chính xác: Tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em?

Có một số người cho rằng việc tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phủ nhận quan điểm trên.