Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 và những lưu ý dành cho bố mẹ
Thể chất & Dinh dưỡng - 29/04/2020
Việc tiêm phòng giúp bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh nguy hiểm trong suốt cuộc đời. Bố mẹ tham khảo lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 nhé!
Trong những năm đầu đời, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ vì đây là lúc sức đề kháng của trẻ còn đang trong quá trình phát triển, còn non yếu nên sẽ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là những chứng bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ như viêm màng não, viêm não mô cầu, rubella… Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bố mẹ có thể tham khảo lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 dưới đây.
Các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh 2020: giai đoạn từ 0-24 tháng
Từ 0 đến 24 tháng là giai đoạn trẻ còn rất non nớt và rất dễ bị mắc bệnh. Để có thể tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, bố mẹ nhất định phải ghi nhớ hoặc lưu lại những mũi tiêm theo từng giai đoạn của con.
>>> Bố mẹ tham khảo tại bài viết: Các mũi tiêm phòng cho bé từ 0 - 24 tháng tuổi mà bố mẹ cần ghi nhớ
Các mũi tiêm phòng cần thiết cho trẻ từ 25 tháng đến 5 tuổi
Dưới đây là những mũi tiêm vắc-xin cần thiết đối với trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên:
- Vắc-xin 3 trong 1 MMR-II/MMR để phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella (mũi thứ hai).
- Vắc-xin Jevax để phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi thứ tư). Sau đó cứ 3 năm lại tiêm nhắc lại 1 lần, cho đến khi trẻ được 15 tuổi.
- Vắc xin Typhim VI/Typhoid Vi để phòng bệnh thương hàn mũi thứ nhất và nhắc lại sau mỗi 3 năm.
- Vắc xin mORCVAX để phòng bệnh tả mũi thứ nhất, liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tuần; uống nhắc lại 2 năm sau liều thứ hai.
Khi nào trẻ không được tiêm phòng?
Để có thể biết trẻ có được chỉ định tiêm vắc-xin hay không, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám sàng lọc, vì mỗi loại vắc-xin có chống chỉ định riêng đối với từng nhóm trẻ em khác nhau. Ngoài ra, trẻ sẽ có chị định ngưng tiêm phòng nếu có những biểu hiện dưới đây:
- Trẻ có tiền sử phản ứng hay dị ứng nặng đối với vắc-xin trước đó.
- Trẻ có biểu hiện viêm não trong vòng 7 ngày sau khi được tiêm vắc-xin (ví dụ như uốn ván, bạch cầu, ho gà).
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính (nặng hoặc vừa, sốt hoặc không) thì đều phải cẩn trọng khi tiêm tất cả các loại vắc-xin.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch thì chống chỉ định đối với vắc-xin sống.
Bố mẹ cần lưu ý những gì khi đưa trẻ đi tiêm phòng?
Ngoài việc đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch và đủ mũi, bố mẹ cũng nên trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng để có thể chăm sóc con một cách tốt nhất vào những khoảng thời gian trước và sau khi tiêm phòng, từ đó hạn chế đối đa nguy cơ rủi ro không mong muốn.
Lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng
Trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Mặc quần áo thoải mái cho trẻ để các nhân viên y tế có thể thao tác dễ dàng hơn trong quá trình tiêm.
- Không cho trẻ ăn quá no nhưng cũng ko để cho trẻ đói để tránh trường hợp trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
- Mang theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ và sổ tiêm chủng của trẻ để các nhân viên y tế dễ dàng theo dõi lịch sử tiêm của con.
- Trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ, ví dụ như con mắc các bệnh cấp tính (như sốt, viêm phế quản, viêm phổi…), trẻ có tiền sử dị ứng với các thành phần của vắc xin, hóa chất, thức ăn…
>>> Tham khảo thêm: Trẻ sơ sinh bị sốt: Nguyên nhân, dấu hiệu và những việc bố mẹ cần làm
Lưu ý sau khi đưa trẻ đi tiêm phòng
Sau khi trẻ được tiêm phòng, bố mẹ cần cho trẻ ở lại điểm tiêm trong vòng 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi các phản ứng.
Trong trường hợp trẻ không có bất kỳ phản ứng nào tại điểm tiêm, bố mẹ có thể đưa con về nhà và tiếp tục theo dõi thêm các tình trạng như sốt, quấy khóc hay có các biểu hiện ngoài da như ửng đỏ, sưng… Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào bất thường thái quá, bố mẹ hãy liên hệ ngay với cơ sở tiêm phòng để được hướng dẫn cách xử lý.
Ngoài ra, đối với những trẻ có cơ địa nhạy cảm thì tại vị trí tiêm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ và hiện tượng này sẽ có thể tự biến mất trong vòng 6-8 giờ đồng hồ. Lúc này, bố mẹ có thể chườm mát lên vết tiêm của trẻ để giảm đau.
Nếu trẻ sốt nhẹ (từ 37-38 độ C), bố mẹ có thể sử dụng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt như mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Tuy nhiên trong trường hợp sốt trên 38 độ C thì trẻ cần được sử dụng thuốc hạ sốt.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh năm 2020 và những điều bố mẹ cần ghi nhớ khi cho trẻ đi tiêm phòng.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận