Đi tìm câu trả lời chính xác: Tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em?

Trí não & Nhận thức - 15/01/2020

Có một số người cho rằng việc tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phủ nhận quan điểm trên.

Hiện nay, chưa ai tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, rất nhiều bố mẹ, đặc biệt là những bố mẹ nuôi con theo trường phái “thuận tự nhiên”, cho rằng tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em. Vậy liệu vắc-xin và bệnh tự kỷ có liên quan đến nhau không?

Nhiều bố mẹ cho rằng tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Nhiều bố mẹ cho rằng tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Những giả thuyết cho rằng tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em

Có một vài giả thuyết - thường là mâu thuẫn với nhau - về mối quan hệ giữa vắc-xin MMR (phòng bệnh sởi, quai bị, rubella) và bệnh tự kỷ. Một giả thuyết được đưa ra dựa trên ý tưởng cho rằng, bệnh tự kỷ là do hoạt động của opioid (chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể) trong não tăng cao. Theo giả thuyết này thì trong đường ruột của trẻ tự kỷ có một số protein không được tiêu hóa như bình thường. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của chất exorphin - chất này có thể đi tới hệ thần kinh, khiến hoạt động của opioid trở nên mạnh mẽ hơn. Theo một giả thuyết khác thì vắc-xin MMR có thể gây ra nhiễm trùng trong ruột, dẫn đến hội chứng rò rỉ ruột. Điều này khiến một số protein mới chỉ được tiêu hóa một phần sẽ đi từ ruột vào dòng máu, rồi đi lên não, làm tăng hoạt động của opioid, gây ra bệnh tự kỷ. Thậm chí, một số giả thuyết còn khẳng định rằng virus sởi có thể gây ra một phản ứng miễn dịch, khiến não bị viêm và gây ra bệnh tự kỷ.

Tuy nhiên các giả thuyết khẳng định tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em lại rất mơ hồ.
Tuy nhiên các giả thuyết khẳng định tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em lại rất mơ hồ.

Năm 1998, nhà nghiên cứu Andrew Wakefield và đồng nghiệp đã miêu tả một hội chứng mới. Bản miêu tả này gắn kết những rối loạn phát triển (như bệnh tự kỷ) với các vấn đề đường ruột ở những trẻ trước đó vẫn phát triển bình thường. Wakefield và các đồng nghiệp chỉ xem xét có 12 trường hợp. Trong đó, có 8 trường hợp thì bố mẹ của các trẻ thấy con mình bắt đầu thể hiện những vấn đề về hành vi sau khi tiêm vắc-xin MMR. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng, họ không chứng minh được sự liên quan giữa vắc-xin MMR và hội chứng mới. Tuy nhiên, họ lại đặc biệt nhấn mạnh vào mối liên hệ này. Thậm chí, họ có ý nói rằng vắc-xin MMR gây ra bệnh tự kỷ, còn vắc-xin sởi đơn thì không. Tuy nhiên, nghiên cứu của Wakefield bị giới chuyên môn chỉ trích vì một số lý do. Thứ nhất, những vấn đề về đường ruột mà ông nói đến thực ra là hoàn toàn bình thường ở trẻ em. Thứ hai, bài nghiên cứu nói đến một mối liên hệ chưa hề được chứng minh giữa vắc-xin MMR và hội chứng rối loạn phát triển mới. Tháng 7/2007, nghiên cứu của Wakefield bị đặt dấu hỏi vì ông:

  • Bắt trẻ làm những xét nghiệm không cần thiết.
  • Được trả tiền để tư vấn cho các luật sư về hành động pháp lý của  các bậc bố mẹ, nhằm phản đối những nhà sản xuất vắc-xin MMR. 
  • Có liên quan đến bằng sáng chế vắc-xin sởi đơn.

Tháng 5/2010, Wakefield bị tước giấy phép làm nghề y.

Xem thêm: Nguyên nhân bệnh tự kỷ ở trẻ em và những điều bố mẹ cần biết

Những nghiên cứu phủ nhận sự liên quan giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ ở trẻ em

Nhiều nghiên cứu trên diện rộng đã không tìm được bằng chứng về sự liên hệ giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ. Một nghiên cứu trên 500.000 trẻ Đan Mạch đã cho thấy, nguy cơ bị bệnh tự kỷ ở trẻ có tiêm vắc-xin MMR cũng không tăng lên so với trẻ không tiêm. Còn một nghiên cứu trên 27.000 trẻ ở Canada cũng cho thấy, tỷ lệ của hội chứng rối loạn lan tỏa tăng dần theo thời gian. Nhưng điều này xảy ra trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin MMR giảm. Ở một vùng tại Nhật Bản, kể cả sau khi vắc-xin MMR bị ngừng sử dụng, thì tỉ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ vẫn tăng. Như vậy, vắc-xin MMR không gây ra bệnh tự kỷ.

Nhiều nghiên cứu có cơ sở khoa học đã phủ định giả thuyết tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Nhiều nghiên cứu có cơ sở khoa học đã phủ định giả thuyết tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em

Một số nhà khoa học đã thực hiện lại một phần thí nghiệm của Wakefield bằng cách so sánh tế bào đường ruột của 25 trẻ tự kỷ và 13 trẻ bình thường đều bị rối loạn tiêu hóa. Kết quả cho thấy không có khác biệt nào về sự có mặt của virus sởi ở hai nhóm trẻ.

Thủy ngân có gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em?

Thủy ngân cũng bị coi là một nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ.
Thủy ngân cũng bị coi là một nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ.

Trong máu của con người có chứa nhiều chất hóa học khác nhau, nhưng ở mức độ thấp. Một số chất, như thủy ngân, có thể là rất độc hại nếu nồng độ trong máu quá cao. Và một số người cho rằng, sự dư thừa thủy ngân trong máu quá là một nguyên nhân gây bệnh tự kỷ. Rất nhiều người tin vào giả thuyết này vì những đặc điểm của bệnh tự kỷ khá giống triệu chứng của việc nhiễm độc thủy ngân.

Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt giữa triệu chứng của hai vấn đề đó. Chẳng hạn, trẻ nhiễm độc thủy ngân có thể sợ hãi vô lý, cáu kỉnh, mất khả năng điều hòa vận động. Những người ủng hộ giả thuyết này cũng cho rằng, sự dư thừa thủy ngân trong máu trẻ là do vắc-xin. Bởi vì trước đây, thiomersal (một hợp chất thủy ngân hữu cơ) được dùng làm chất bảo quản để sản xuất một số loại vắc-xin. Một số người khác còn khẳng định rằng thủy ngân làm yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến các virus còn sống trong vắc-xin sẽ tiếp tục tồn tại, rồi tấn công đường ruột và não trẻ. Dù sao, hiện nay người ta cũng không còn dùng thiomersal trong sản xuất hầu hết các loại vắc-xin. Một số ít loại vắc-xin chứa thiomersal ở mức cực thấp, đến mức được coi là không đáng kể.

Mong rằng với bài viết này của odphub.com, bố mẹ đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Tiêm vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em không?”. Từ đó, bố mẹ sẽ tự tin hơn và có những quyết định đúng đắn trong quá trình nuôi dạy con.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận