Bệnh giun kim ở trẻ em: Bố mẹ cần chủ động phòng tránh cho trẻ!
Thể chất & Dinh dưỡng - 30/07/2020
Bệnh giun kim ở trẻ em là bệnh lây lan nhanh nếu không giữ gìn vệ sinh cá nhân, đem lại cảm giác vô cùng khó chịu cho trẻ.
Bệnh giun kim ở trẻ em không phải là chứng bệnh hiếm gặp và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để có thể chủ động phòng tránh nhiễm giun kim ở trẻ em, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu về chứng bệnh này với ODPHUB nhé!
Nguyên nhân trẻ bị nhiễm giun kim
Giun kim thường ký sinh ở trong ruột, hút máu vật chủ để sống. Giun kim có màu trắng sữa, chiều dài giun đực khoảng từ 2mm đến 5mm có đuôi cong, giun cái dài khoảng từ 9mm đến 12mm có đuôi nhọn dài.
Giun kim cái đẻ trứng và thải ra ngoài môi trường. Trứng giun phát triển tốt ở nhiệt độ 30 độ C, độ ẩm 70%, nở thành ấu trùng sau khoảng 6-8 giờ. Trứng giun kim khó phát triển được ở nhiệt độ dưới 20 độ C và trên 40 độ C. Giun kim cái đẻ trứng vào ban đêm tại kẽ hậu môn và tiết ra chất dịch gây ngứa.
Con đường lây nhiễm giun kim:
- Qua đường ăn uống: Khi giun cái đẻ trứng ở hậu môn gây ngứa, khiến cho người mắc giun gãi ngứa và mang theo trứng giun. Nếu không rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên thì có nguy cơ cao sử dụng tay nhiễm trứng giun để cầm nắm thức ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ có thói quen mút tay thì càng nguy hiểm.
- Truyền nhiễm ngược: Trứng giun kim sau khi phát triển thành ấu trùng tại kẽ hậu môn thì bò ngược lên manh tràng và phát triển thành giun trưởng thành. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp.
Triệu chứng trẻ nhiễm giun kim
Trẻ bị nhiều giun kim có thể có những biểu hiện dưới đây:
- Ngứa hậu môn dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.
- Trẻ bị nhiễm giun kim thường xuyên quấy khóc đêm do bị ngứa hậu môn, nếu quan sát kỹ có thể thấy giun kim cái ở phần rìa hậu môn.
- Đi ngoài ra giun.
- Đối với bé gái, do vị trí âm đạo và hậu môn gần nhau, nên giun có thể di chuyển từ hậu môn sang âm đạo khiến trẻ bị ngứa âm đạo.
- Giun kim có thể di chuyển sang ruột thừa, gây bội nhiễm dẫn tới viêm ruột thừa.
- Bệnh giun kim ở trẻ em nếu kéo dài có thể gây bệnh thiếu máu mãn tính với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt.
Cách điều trị bệnh giun kim ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị bệnh giun kim đó là phải điều trị đồng loạt nếu có dấu hiệu lây nhiễm tập thể nhằm tránh lây nhiễm và tái nhiễm bệnh.
Để điều trị giun kim, bố mẹ có thể sử dụng một trong những loại thuốc đặc trị sau đây:
- Mebendazole 500mg: Sử dụng 1 liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, sau 1 tháng cần uống nhắc lại 1 liều.
- Albendazole 400mg: Tương tự như Mebendazole, chỉ cần sử dụng 1 liều duy nhất và uống nhắc lại sau 1 tháng.
Bố mẹ cần lưu ý rằng cả 2 loại thuốc trên đều chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, những người mẫn cảm với thành phần Benzimidazole, và người có tiền sử bị nhiễm độc tủy xương. Bên cạnh đó, những người bị suy gan thận cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.
>>>Tham khảo thêm: Bệnh giun đũa ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Cách phòng tránh bệnh giun kim ở trẻ em
Để có thể chủ động phòng tránh bệnh giun kim cho trẻ và cả gia đình thì bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến nghị của Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế, cụ thể như sau:
- Nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, tránh để môi trường bị nhiễm phân, đặc biệt là sàn nhà, giường đệm, quần áo.
- Ăn chín uống sôi.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cắt ngắn móng tay.
- Rửa hậu môn cho trẻ mỗi buổi sáng và sau mỗi lần đi vệ sinh bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng dành riêng cho trẻ, không để trẻ mặc các loại quần hở đũng.
- Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm, đặc biệt là trẻ ở trong độ tuổi từ 2 đến 12 tuổi.
Bệnh giun kim ở trẻ em là loại bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên trẻ nhỏ chưa biết cách tự phòng tránh bệnh cũng như phát hiện được bệnh, do đó ODPHUB hy vọng rằng bố mẹ sẽ luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận