Những bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ phổ biến nhất
Thể chất & Dinh dưỡng - 26/09/2020
Dị ứng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ phổ biến nhất.
Tình trạng dị ứng xảy ra khi cơ thể của trẻ phản ứng lại quá mức với các dị nguyên “lạ” từ bên ngoài thông qua cơ chế miễn dịch. Trẻ sẽ có khả năng bị dị ứng cao hơn nếu trong gia đình cũng có người mắc bệnh dị ứng. Dưới đây là những bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ phổ biến nhất.
Các bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ
Viêm da cơ địa
Đây là một trong những bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ phổ biến nhất. Khi bị viêm da cơ địa, trên cơ thể trẻ xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, gây cảm giác ngứa rát khó chịu, tập trung ở các vùng mặt, cánh tay hoặc rải rác toàn thân. Bệnh được điều trị bằng cách dưỡng ẩm da và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Hen phế quản
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hoặc khiến bệnh hen phế quản trở nặng hơn, trong đó bao gồm khói bụi, phấn hoa, hoạt động thể lực quá sức, thức ăn, nhiễm trùng hô hấp... Khi bị hen phế quản, trẻ sẽ có các biểu hiện như ho, khò khè, khó thở.
Viêm mũi dị ứng
Mặc dù bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em là hiện tượng thường thấy và không có những triệu chứng nặng nhưng lại thường kéo dài, gây khó chịu cho trẻ. Lúc này, bố mẹ có thể dễ dàng thấy các dấu hiệu ở trẻ như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngạt mũi, khiến trẻ phải thở bằng miệng, ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
Dị ứng thức ăn
Có nhiều loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ dù chúng có thể đem lại giá trị dinh dưỡng rất cao (ví dụ như hải sản, trứng, sữa…). Hiện tượng dị ứng thường xuất hiện sau khi trẻ ăn các loại thực phẩm đó khoảng vài phút đến vài giờ, khiến con ngứa rát, nổi ban đỏ, phù nề lưỡi và miệng, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
>>> Tham khảo thêm: Những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ
Mề đay (Mày đay)
Khi trẻ bị mề đay, trên cơ thể con xuất hiện ban đỏ gây ngứa, có thể trong một thời gian ngắn (mề đay cấp) hoặc kéo dài trên 6 tuần (mề đay mạn). Với bệnh dị ứng nổi mề đay ở trẻ em, trẻ cần được khám và xét nghiệm để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Dị ứng thời tiết
Bệnh dị ứng thời tiết ở trẻ em thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa (từ lạnh sang nóng hoặc từ nóng sang lạnh đột ngột). Khi bị dị ứng thời tiết, trẻ sẽ có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy (đặc biệt là ở vùng mặt, đầu gối, khuỷu tay), xuất hiện vảy ở đầu, da sưng rộp hoặc tấy đỏ, nặng hơn là tim đập nhanh, khó thở, phù nề họng, tiêu chảy, phù não cấp tính…
Bố mẹ phải làm gì khi trẻ bị dị ứng?
Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh dị ứng, bố mẹ nên sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Tốt nhất là bố mẹ đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị (dùng để đo chức năng hô hấp, test da với dị nguyên, test kích thích dị nguyên…).
Điều trị dị ứng ở trẻ em như thế nào?
Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bố mẹ và trẻ để ngăn ngừa việc trẻ tiếp xúc với các dị nguyên (ví dụ như thức ăn, phấn hoa…), từ đó giảm khả năng bệnh tái phát.
Tùy vào tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ kê thuốc với liều lượng phù hợp để cải thiện các triệu chứng bệnh của con. Trong trường hợp bị dị ứng nặng (chẳng hạn như có các dấu hiệu sốc phản vệ, phù mạch), trẻ sẽ cần nằm viện để được theo dõi và điều trị.
Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, bố mẹ cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe và tiến trình điều trị bệnh của con. Bố mẹ có thể lập một cuốn sổ theo dõi tần suất xuất hiện các triệu chứng của trẻ và những yếu tố khởi phát nghi ngờ. Việc này có thể hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị bệnh của con.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về các bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận