Viêm da cơ địa ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Thể chất & Dinh dưỡng - 05/03/2020

Viêm da cơ địa ở trẻ là một bệnh khá phổ biến và dễ gây khó chịu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu biết chăm sóc da đúng cách, bố mẹ sẽ giúp trẻ đỡ cảm thấy khó chịu và hạn chế một số biến chứng của bệnh.

Viêm da cơ địa ở trẻ là một bệnh khá phổ biến với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam. Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị triệt để, trẻ mắc phải viêm da cơ địa sẽ gặp phải một số biến chứng không đáng có. 

Bài viết dưới đây của ODPHUB sẽ giúp bố mẹ hiểu thêm về viêm da cơ địa ở trẻ em cũng như cách điều trị hiệu quả.

Em bé bị viêm da cơ địa ở trẻ.
Viêm da cơ địa ở trẻ là một căn bệnh khá phố biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis) hay còn được gọi là chàm thể tạng hoặc viêm da cơ địa dị ứng là một bệnh viêm da dễ tái phát, mãn tính, gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ và có liên quan đến cơ địa dị ứng. Như chúng ta đã biết, thông thường da sẽ có một lớp hàng rào bảo vệ, giúp nước ở trong ra không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi những nguồn bệnh bên ngoài. Tuy nhiên, với người bị viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ này đã bị tổn thương, khiến da mất nước, bị khô, tạo điều kiện cho các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập. Những vi khuẩn này khiến da bị xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc mụn nước ngứa ngáy trên da.

Bệnh viêm da cơ địa thường xuất khá sớm nên tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh là khá phổ biến và thường kéo dài đến khi trẻ 5 tuổi. Theo một thống kê gần đây, khoảng 60% trẻ bị viêm da cơ địa ngay ở năm đầu tiên, 30% sẽ phát bệnh trong 5 năm năm đầu đời và ở các trẻ lớn hơn tỷ lệ mắc viêm da cơ địa chỉ có 10%. Điều này cho thấy, khi trẻ trưởng thành, tình trạng viêm da cơ địa sẽ không còn. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp đặc biệt, viêm da cơ địa có thể bị đi bị lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành, gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Mẹ vuốt má em bé.
Tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh khá phổ biến.

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ

Mặc dù dấu hiệu viêm da cơ địa khá rõ ràng nhưng nhiều bố mẹ lại dễ nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác. Tuy nhiên, bố mẹ có thể tham khảo một số triệu chứng dưới đây để đánh giá tình trạng bệnh của trẻ và cho trẻ đi thăm khám  phù hợp.

  • Da có mẩn đỏ: Thông thường, trên da trẻ bị viêm da cơ địa sẽ xuất hiện nhiều mẩn đỏ hình tròn. Những nốt mẩn này xuất hiện chủ yếu ở các bộ phận như chân hoặc tay. Khi chạm vào, bố mẹ sẽ thấy thô ráp và sần sùi. Ngoài ra, nhiều mụn nước nhỏ nhỏ cũng hình thành trên da của bé.
  • Phù nề trên da: Ở những vùng da bị bệnh, khi chạm vào, bố mẹ sẽ thấy thô ráp và dày hơn bình thường. Trẻ cũng cảm thấy nóng tại những vùng da đó và cảm thấy ngứa ngáy khó chịu.
  • Có đóng vảy: Nhiều trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ cho thấy sau khi những nốt mẩn đỏ xuất hiện, da sẽ bị đóng vảy và dễ bong tróc. Lý do chính khiến tình trạng này xảy ra là vì da thiếu nước, chảy dịch và tự đóng thành vảy khi khô lại. Sau một thời gian những vảy này sẽ bong ra thành nhiều lớp.
  • Mệt mỏi, khó chịu: Khi ngứa ngáy khó chịu, trẻ sẽ biếng ăn và mệt mỏi. Nếu kéo dài tình trạng bệnh quá lâu sẽ dẫn đến bỏ ăn, suy dinh dưỡng và khiến trẻ chậm lớn.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Theo các chuyên gia da liễu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ em. Việc hiểu được rõ những nguyên nhân này sẽ giúp bố mẹ đưa ra được phương pháp điều trị viêm da cơ địa ở trẻ phù hợp. Một số nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ là:

  • Do di truyền: Yếu tố gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng bệnh của trẻ. Thông thường, trẻ nhỏ có người thân trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như viêm da cơ địa thì 80% trong số đó sẽ mắc phải căn bệnh này.
  • Môi trường sống: Môi trường sống cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ. Nếu trẻ sống ở một nơi ô nhiễm, nhiều lông động vật và hóa chất thì khả năng cao cũng sẽ bị bệnh.
  • Bị dị ứng đồ ăn: Một số trẻ sinh ra đã bị dị ứng bẩm sinh với những đồ ăn như: hải sản, trứng sữa… cũng có khả năng cao bị viêm da cơ địa.
  • Do thay đổi thời tiết: Hệ hô hấp và hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu và đang dần hoàn thiện nên mỗi khi vào thời điểm giao mùa, trẻ bị bệnh là khó tránh khỏi. Bố mẹ nên quan tâm chăm sóc trẻ cẩn thận hơn trong thời điểm này.

Em bé bị viêm da cơ địa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ.

Cách điều trị viêm da cơ địa ở trẻ

Tuy không quá nghiêm trọng nhưng những triệu chứng của viêm da cơ địa thường làm trẻ mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ có thể tham khảo một số phương pháp điều trị viêm da cơ địa ở trẻ dưới đây:

Lựa chọn thuốc chữa viêm da cơ địa cho trẻ cẩn thận

Hiện nay có nhiều loại thuốc được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng ngoài da cho trẻ bị viêm da cơ địa. Trong đó, các loại thuốc được dùng nhiều nhất bao gồm:

  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da: Khi được chẩn đoán là viêm da cơ địa, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định một vài loại thuốc bôi ngoài da để kiểm soát triệu chứng bệnh. Bố mẹ nên bôi thuốc và sau đó bổ sung thêm một lớp kem dưỡng ẩm.
  • Dùng thuốc bôi chữa viêm da cơ địa cho trẻ: Khi sử dụng thuốc chữa viêm da cơ địa cho trẻ, bố mẹ phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, trẻ sẽ phải bôi 2 lần/ngày và khi tình hình bệnh được tiến triển, số lần bôi sẽ giảm xuống. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc vì điều đó có thể khiến trẻ bị rạn da, giãn tình mạch. Khi có dấu hiệu bất thường nào hãy đến ngay bác sĩ bố mẹ nhé.
  • Thuốc kháng Histamin: Đây là loại thuốc chống dị ứng thường dùng cho những ai mắc bệnh viêm da cơ địa và giúp giảm ngứa. Một số loại thuốc các bác sĩ hay chỉ định có thể kể đến như: diphenhydramine (Benadryl), hydroxyzine (Atarax), Loratadine (Claritin)… Giống như các loại thuốc khác, khi sử dụng, bố mẹ cần hỏi kỹ và tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhé.

Sử dụng kem dưỡng ẩm 

Việc sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi đã bôi một lớp thuốc bôi sẽ giúp da hấp thụ tốt hơn. Bố mẹ có thể tham khảo một số loại kem dưỡng ẩm phổ biến cho trẻ như: Vaseline, Aquaphor, Aveeno, Cerave, Cetaphil… Ngay cả khi trẻ đã khỏi bệnh việc tiếp tục duy trì sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp ngăn ngừa việc chống tái phát.

Chữa viêm da cơ địa ở trẻ bằng các bài thuốc dân gian

Việc sử dụng bài thuốc dân gian được hầu hết cha mẹ áp dụng cho con khi có biểu hiện ngứa, nổi mụn trên da. Tuy nhiên, không phải bất cứ mẹo dân gian nào cũng có thể áp dụng với trẻ. Bé bị viêm da cơ địa nên tắm lá gì, có thể áp dụng bài thuốc dân gian nào cần tìm hiểu kỹ, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. ư

Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ vẫn áp dụng các bài thuốc dân gian khi thấy trẻ có biểu hiện ngứa ngáy và nổi mụn trên da. Tuy nhiên, bố nên biết rằng không phải mẹo dân gian nào cũng có thể áp dụng với trẻ. Các loại lá thường được các bố mẹ sử dụng có thể kể đến như: lá trầu không, sài đất, lá lốt, lá khế… Trong trường hợp may mắn thực hiện đúng cách, trẻ có thể thực sự giảm ngứa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không may lại khiến bệnh viêm da bị năng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Chính vì thế, khi muốn áp dụng các bài thuốc dân gian cho trẻ viêm da cơ địa, bố mẹ nên hỏi bác sĩ tư vấn trước khi cho trẻ sử dụng bất kì bài thuốc nào.

Mẹ bôi kem dưỡng ẩm cho bé.
Với trẻ bị viêm da cơ địa, đừng quên bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ thường xuyên bố mẹ nhé.

Vệ sinh da cho trẻ thường xuyên và đúng cách

 Vệ sinh da đúng cách và thường xuyên sẽ hạn chế cơ hội xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại cho da. Chính vì thế, bố mẹ phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ và lưu ý một số điều sau:

  • Lựa chọn nước tắm dịu nhẹ, không gây kích ứng cho da. Bố mẹ nên lưa chọn những loại sữa rửa dành riêng cho trẻ nhỏ để đảm bảo độ pH không bị quá cao so với da của trẻ.
  • Không nên tắm nước nóng chỉ nên dùng nước ấm vì tắm nước nóng sẽ làm mất lớp ẩm tự nhiên, gây khô da.
  • Sau khi trẻ tắm xong, bôi một lớp kem dưỡng ẩm để khóa ẩm cũng như giúp kem thẩm thấu tốt hơn.

>>> Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Bị viêm da cơ địa trẻ nên kiêng ăn gì để hạn chế bệnh tái phát

Đối với viêm da cơ địa ở trẻ, chế độ ăn uống, kiêng khem đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Chính vì thế, bố mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày của trẻ để việc điều trị tiến triển tốt, hạn chế việc tái phát. 

Theo các bác sĩ da liễu, một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là điều mà bố mẹ nên nào cũng nên chuẩn bị cho những trẻ bị viêm da cơ địa. Trong chế độ ăn của trẻ, bố mẹ nên bổ sung thật nhiều rau xanh và trái cây tươi mát, giúp cung cấp thêm nhiều khoáng chất và vitamin cho trẻ. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ như hải sản, trứng, sữa, bơ lạc, đồ ăn cay nóng cũng nên hạn chế dần trong khẩu phần ăn của trẻ. 

Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước để tăng cường trao đổi chất và giúp bổ sung độ ẩm cho da. Để trẻ hào hứng hơn, bố mẹ có thể cho trẻ uống thêm các loại sinh tố, nước trái cây để bổ sung thêm dưỡng chất.

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, bố mẹ cũng cần vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các loại động vật nuôi, thú nhồi bông. Khi lựa chọn quần áo cho trẻ, hãy tìm đến những loại thật thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt và co giãn.

Viêm da cơ địa ở trẻ không phải là một bệnh quá phức tạp và khó điều trị. Quan trọng là bố mẹ hãy luôn ở bên cạnh trẻ và áp dụng đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục thôi, bố mẹ nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận