Bé bị nổi mề đay, bố mẹ phải làm sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 10/07/2020
Tình trạng bé bị nổi mề đay nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Bố mẹ tham khảo bài viết sau của ODP để biết cách xử lý nhé!
Nổi mề đay là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh nổi mề đay có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như khó thở hay sốc phản vệ nếu không được điều trị đúng cách. Vậy khi bé bị nổi mề đay, bố mẹ phải làm sao?
Nổi mề đay là gì?
Nổi mề đay là tình trạng trên da xuất hiện những mảng mụn sần không đều, có màu hồng hoặc trắng. Khi bị nổi mề đay, bé sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, từ đó quấy khóc, chán ăn hơn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của con.
Khi bé bị nổi mề đay, bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu như trên da của con xuất hiện nhiều nốt sần đỏ, sưng tấy, có hình dạng không rõ ràng và đặc biệt là những nốt này gây ngứa ngáy rất khó chịu. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý tới các biểu hiện khác ở bé khi tình trạng nổi mề đay xảy ra như bé sốt, chóng mặt, khó thở, phù mạch (chủ yếu là ở chân, tay, miệng và mí mắt).
Nguyên nhân bé bị nổi mề đay khắp người
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng em bé bị nổi mề đay, trong đó phổ biến nhất là:
- Do nhiễm khuẩn: Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên con sẽ rất dễ bị vi-rút, vi khuẩn hay các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc qua đường hô hấp.
- Do thực phẩm gây dị ứng như hải sản có vỏ, các loại hạt, sữa hoặc các loại hoa quả.
- Do một số loại thuốc như thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau, hạ sốt.
- Do bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, các chất hóa học, vết cắn côn trùng…
Các loại nổi mề đay ở trẻ em
Dựa vào 2 yếu tố là thời gian và mức độ bệnh, nổi mề đay ở trẻ nhỏ được chia làm các dạng như sau:
Theo thời gian
- Mề đay cấp tính: Xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, thường kéo dài trong vòng từ 24 giờ đến 6 tuần.
- Mề đay mãn tính: Kéo dài, từ trên 6 tuần cho tới nhiều năm.
Theo mức độ bệnh
- Mề đay thông thường: Các triệu chứng xuất hiện đột ngột với nhiều nốt sần màu hồng và rất ngứa. Các nốt mề đay này có thể lan rộng hoặc không, tuy nhiên thường sẽ hết nhanh trong vòng vài giờ đồng hồ và hầu như không để lại sẹo.
- Phù Quincke: Các nốt nổi ban sưng to và căng, tập trung thành 1 vùng. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây phù ở lưỡi, thanh quản, suy hô hấp và dẫn tới tử vong.
- Da vẽ nổi: Khi dùng một vật nào đó chà nhẹ lên da bé, bố mẹ sẽ thấy trên da con xuất hiện các vệt màu hồng đúng theo hình dạng đã vẽ.
Bé bị nổi mề đay phải làm sao?
Khi thấy các dấu hiệu bé bị nổi mề đay, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị cho bé đúng cách và kịp thời.
Ngoài ra, để hỗ trợ cải thiện tình trạng bé bị nổi mề đay, bố mẹ có thể:
Đối với nổi mề đay cấp tính
- Tìm hiểu nguyên nhân để loại bỏ các yếu tố gây bệnh, từ đó tránh cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế tình trạng bé bị nổi mề đay dị ứng, bố mẹ nên hạn chế cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, sữa, trứng...
- Bổ sung thêm cho bé các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, B, C hoặc các món dễ tiêu hóa và có tính mát như khoai lang, cam, bưởi…
- Tránh sử dụng xà bông có chứa chất kích thích mạnh cho bé.
- Không gãi vùng da bị ngứa để hạn chế nguy cơ viêm da.
- Cho bé mặc các loại quần áo rộng rãi và thoáng mát.
Đối với nổi mề đay mãn tính
Lúc này, bố mẹ cần đưa bé đi khám và thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định đúng nguyên nhân để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về tình trạng bé bị nổi mề đay.
>>> Tham khảo thêm: Trẻ sơ sinh bị muỗi đốt sưng đỏ: Bố mẹ phải làm sao?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận