Ăn dặm kiểu Nhật - tất tần tật những kiến thức bố mẹ cần lưu ý!

Thể chất & Dinh dưỡng - 22/02/2020

Ăn dặm kiểu Nhật đang là một phương pháp cho bé ăn dặm rất thịnh hành và có nhiều ưu điểm vượt trội. Bố mẹ hãy đọc bài viết sau của ODP để cùng tìm hiểu về cách ăn dặm này nhé!

Ăn dặm là hành trình dài của cả bé lẫn mẹ. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau được các mẹ áp dụng để giúp bé ăn dặm vừa vui vẻ, hào hứng lại vừa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

Ăn dặm kiểu Nhật đang là một phương pháp được rất nhiều mẹ quan tâm bởi những ưu điểm vượt trội của nó. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi mẹ phải đầu tư thời gian và công sức để tìm hiểu cũng như áp dụng cho bé, nhất là trong khoảng thời gian đầu.

Mẹ hãy cùng ODPhub.com tìm hiểu tất tần tật về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật dành cho bé nhé!

1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp ăn dặm khoa học và hiệu quả, áp dụng cho bé từ 5 đến 18 tháng tuổi. Phương pháp này sẽ tập cho bé một thói quen ăn uống điều độ, hợp lý, làm quen với nhiều món ăn mới, tập ăn thô tốt và có sự hào hứng, vui vẻ trong ăn uống.

Phương pháp này cũng giúp bé hình thành thói quen ăn uống tự lập, sớm biết tự xúc ăn bằng thìa, dĩa, và mẹ sẽ cho bé ăn theo nhu cầu. Đây cũng chính là sự khác biệt của phương pháp ăn dặm này.

Bé ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp ăn dặm khoa học và hiệu quả, áp dụng cho bé từ 5 đến 18 tháng.

2. Đặc điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Trẻ Nhật được làm quen với việc ăn dặm khá sớm. Theo truyền thống, bé được 100 ngày thì các mẹ Nhật sẽ bắt đầu cho bé ăn dặm. Mục đích của việc cho bé ăn dặm sớm chủ yếu là để giúp bé làm quen với các mùi vị thức ăn khác nhau, hình thành và phát triển khả năng vị giác của bé. Thời gian đầu, các mẹ Nhật chỉ cho bé ăn 1 bữa/ngày và sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nhất cho bé.

Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật:

  • Lượng ăn vừa phải, không ép bé ăn quá nhiều
  • Khuyến khích không nên trộn hỗn hợp nhiều loại thức ăn
  • Điều chỉnh độ thô của thức ăn dần dần, tùy theo từng giai đoạn phát triển của bé
  • Kiên trì khi cho bé làm quen với đồ ăn mới, ít nhất là trong khoảng 3 đến 4 ngày
  • Không ép hay quát tháo để bé ăn
  • Rèn luyện thói quen cho bé ngồi vào ghế ăn, không bế rong, mẹ bón cho bé ăn ít nhất đến tháng 12 trở đi
  • Cho bé ngồi ăn chung trong bữa cơm gia đình, tập cho bé ăn đúng bữa
  • Không nêm thêm gia vị vào các món ăn của bé
  • Đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Đa dạng các món trong thực đơn ăn dặm hàng ngày của bé
  • Nên bắt đầu cho bé ăn dặm kiểu Nhật với các loại bột hoặc cháo pha loãng theo tỉ lệ 1:10, tăng dần độ đặc của cháo theo độ tuổi của bé
  • Chấp nhận một “bãi chiến trường” để tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa. Điều này giúp bé rèn luyện tính tự lập và tự lựa chọn lấy đồ ăn cho mình.

ăn dặm kiểu nhật cho bé 7 tháng
Trẻ Nhật được làm quen với việc ăn dặm khá sớm

3. Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là bé có thời gian thích nghi và làm quen với các vị thức ăn khác nhau, bố mẹ cũng có thể phát hiện bé không thích hoặc thậm chí bị dị ứng với loại thức ăn nào. Hơn nữa, bé được tập ăn thô theo mức độ tăng dần, giúp bé có phản xạ nhai và nuốt ở các giai đoạn, độ tuổi khác nhau.

Khi cho con ăn dặm kiểu Nhật, mẹ vẫn có thể chế biến sẵn thực đơn ăn dặm cho bé và trữ đông mà vẫn đảm bảo được chất lượng và mùi vị thức ăn, giúp mẹ tiết kiệm thời gian, công sức và có thể chủ động trong việc ăn uống của bé.

Khẩu phần ăn dặm kiểu Nhật rất đa dạng, đầy đủ nhóm chất và được thay đổi thường xuyên theo các giai đoạn khác nhau, giúp bé không bị chán ăn mà lại có nhiều cơ hội để khám phá thế giới ẩm thực qua thực đơn ăn dặm hàng ngày.

ăn dặm kiểu nhật cho bé 6-7 tháng
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là bé có thời gian thích nghi và làm quen với các vị thức ăn khác nhau.

4. Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Phương pháp này tuy là đã phổ biến ở Việt Nam nhưng không phải gia đình nào cũng ủng hộ việc mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật. So với phương pháp ăn dặm truyền thống thì lượng thức ăn bé ăn không nhiều bằng và cũng có thể không tăng cân nhanh như cách truyền thống ở giai đoạn đầu.

Thêm vào đó, thức ăn trữ đông tuy là tiện cho mẹ nhưng lại không thể thơm ngon và tươi như thức ăn chế biến ngay được.

5. Bé nên ăn dặm khi nào?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé đã khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ các loại thức ăn thô hơn sữa mẹ. Tuy nhiên, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật lại có thể áp dụng với bé từ 5 đến 6 tháng tuổi.

Bố mẹ không nên cho bé ăn dặm ở giai đoạn trước 5 tháng tuổi và sau 7 tháng tuổi vì khi bé chưa được 5 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé vẫn còn chưa hoàn thiện nên không thể hấp thụ tốt các loại thức ăn ngoài sữa mẹ. Còn sau 7 tháng, sự phát triển của bé đã qua mất thời điểm vàng (6 tháng) để khám phá và làm quen với các mùi vị thức ăn.

Ở Việt Nam, ăn dặm kiểu Nhật cho bé bắt đầu từ 5 tháng cũng phù hợp với nhiều mẹ phải quay trở lại với công việc sau 6 tháng nghỉ sinh. Cho con làm quen với ăn dặm dần để khi đi làm lại bé không bị quá phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng duy nhất là sữa mẹ.

ăn dặm kiểu nhật cho bé 6 tháng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi

Dấu hiệu nhận biết bé đã sẵn sàng ăn dặm:

  • Bé có thế tự ngồi, giữ thăng bằng, hoặc ngồi tựa vào người lớn hay ghế
  • Bé đói nhanh, mặc dù chưa đến cữ sữa
  • Bé có xu hướng ngậm, hoặc nhai bất cứ thứ gì mẹ cho vào miệng
  • Bé có vẻ thích thú với đồ ăn của người lớn
  • Bé há miệng khi được đưa thìa thức ăn lại gần

Bắt đầu ăn dặm là bắt đầu cho bé làm quen và thích nghi dần với các loại thức ăn ngoài sữa mẹ. Chính vì thế, nguy cơ bé bị dị ứng thực phẩm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thời điểm thích hợp nhất mẹ nên cho bé ăn dặm đó là buổi sáng, trong khoảng từ 10h đến 10h30. Sau khi bé ăn dặm vào thời điểm này, mẹ có nhiều thời gian để theo dõi phản ứng của bé, nếu có hiện tượng lạ hoặc bé bị dị ứng thực phẩm thì còn xử lý kịp thời hơn là cho bé ăn vào buổi chiều muộn hoặc tối.

Trong quá trình ăn dặm, mẹ nên điều chỉnh lại giờ ăn dặm sao cho phù hợp với lịch sinh hoạt hiện tại của con, tránh cho bé ăn dặm sát giờ ngủ, vì khi đó bé dễ gắt ngủ và không hợp tác.

Mẹ nên bắt đầu bữa ăn dặm sau khi bé đã ăn một cữ sửa trước đó, bé chơi và ngủ dậy, khi đó bé sẽ đói và ăn ngon hơn.

>>> Tham khảo thêm:

ăn dặm kiểu nhật cho bé 5 tháng
Thời điểm thích hợp nhất mẹ nên cho bé ăn dặm đó là buổi sáng, trong khoảng từ 10h đến 10h30

6. Chuẩn bị “tư trang” cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Để bắt đầu hành trình cho bé ăn dặm, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ chế biến và đồ dùng cho bé ăn dặm kiểu Nhật, bao gồm:

  • Rây (lớp lọc khe nhỏ để rây cháo hoặc các thực phẩm khác được mịn)
  • Chày, cối, máy xay, cốc/nồi nấu cháo, dao, kéo, thớt…
  • Ghế ăn dặm
  • Yếm ăn dặm
  • Bát, thìa

Bố mẹ không nhất thiết phải sắm đồ mới hoàn toàn để cho bé ăn dặm, mà có thể tận dụng những dụng cụ, đồ dùng có sẵn trong gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ cần đảm bảo các đồ dùng đó đều sạch sẽ, thìa cho bé ăn nên chọn những thìa nhỏ vừa miệng bé, viền quanh thìa không sắc quá để tránh gây vết thương cho bé khi ăn dặm.

7. Chuẩn bị tâm lý vững vàng, kiên định

Như đã đề cập ở phía trên, mặc dù phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang rất thịnh hành và có nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên, nhiều gia đình Việt vẫn không đồng ý để cho bé ăn dặm theo phương pháp này, nhất là đối với bậc ông bà, những gia đình truyền thống. Chính vì thế, bố mẹ cần phải chuẩn bị “công tác tư tưởng” từ sớm, nêu ra những mặt nổi trội của phương pháp này để thuyết phục ông bà.

Bố mẹ cũng nên tìm hiểu các kiến thức cơ bản về ăn dặm từ trước, để khi bắt đầu thực hiện không bị hoang mang, bỡ ngỡ, đồng thời cập nhật cho những người trong gia đình về những kiến thức này. Bởi vì đây chính là những người chăm bé hàng ngày, chính vì thế, việc tiếp thu kiến thức về ăn dặm là vô cùng cần thiết, và cũng là để thống nhất cách cho bé ăn dặm giữa các thành viên trong gia đình.

Nếu đã quyết tâm chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để áp dụng cho con thì bố mẹ nên kiên định với quan điểm của mình, đồng thời sẵn sàng tâm lý cho những lời phàn nàn, bác bỏ hay bàn luận từ chính những người thân hay hàng xóm về việc cho con ăn dặm.

8. Ăn dặm kiểu Nhật có khó không?

Một số mẹ đã cho con ăn dặm kiểu Nhật cho rằng khó khăn lớn nhất của phương pháp này chính là việc chế biến thức ăn, vì phải chuẩn bị cho bé khá nhiều món, thay vì chỉ cho bé ăn một món cháo hoặc bột như kiểu ăn dặm truyền thống. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của bố mẹ hơn ở khâu chế biến.

Về việc trữ đông thực phẩm, nếu mẹ chọn không trữ đông thì việc mỗi ngày phải chuẩn bị các thực phẩm tươi rồi chế biến cũng sẽ mất khá nhiều thời gian và công đoạn. Còn nếu mẹ chọn cách trữ đông thực phẩm thì mẹ có thể lên thực đơn cho bé ăn dặm hàng tuần rồi mua thực phẩm về chế biến, trữ đông và cho bé ăn dần. Mẹ nhớ quay vi sóng hoặc hâm nóng lại đồ ăn trước khi cho bé ăn nhé.

thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Cho con ăn dặm kiểu Nhật cho rằng khó khăn lớn nhất của phương pháp này chính là việc chế biến thức ăn, vì phải chuẩn bị cho bé khá nhiều món.

Ngoài những bất cập trên thì những gì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại cho bé thực sự rất giá trị. Bé sẽ có khả năng cảm nhận đồ ăn, biết thưởng thức các hương vị thức ăn khác nhau, từ đó, hình thành và phát triển thói quen ăn uống cũng như khẩu vị riêng từ rất sớm.

Hy vọng rằng bài viết trên đây về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé của ODPhub sẽ mang đến cho bố mẹ những kiến thức cần thiết và bổ ích, giúp cho hành trình cùng con ăn dặm của mỗi cha mẹ sẽ trở nên thật vui, thật dễ dàng và không bao giờ là một cuộc chiến!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận