Bố mẹ nên làm gì để giúp trẻ 3-6 tuổi phát triển ngôn ngữ?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 03/11/2019
Ngoài việc nắm rõ những cột mốc quan trọng, bố mẹ cũng nên có những hoạt động phù hợp để giúp trẻ 3-6 tuổi phát triển ngôn ngữ hiệu quả nhé!
Trẻ 3-6 tuổi có tốc độ phát triển ngôn ngữ rất nhanh chóng, nên nếu bố mẹ bày cho trẻ những trò chơi thú vị, hợp lý, thì trẻ sẽ mau chóng làm chủ được ngôn ngữ, từ đó sẽ tương tác dễ dàng hơn với mọi người.
Những cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 3-6 tuổi
Trẻ 3-4 tuổi:
- Biết đặt những câu hỏi phức tạp, nói thành thạo hơn dù ngữ pháp chưa chuẩn.
- Nói được câu dài khoảng 5-6 từ.
Trẻ 5-6 tuổi:
- Biết nói tên mình và địa chỉ nhà.
- Nói rõ ràng những câu dài lên đến 9 từ.
- Biết trò chuyện mạch lạc, kể những câu chuyện chi tiết.
Ở giai đoạn 3-6 tuổi, trẻ rất thích trò chuyện, nên nếu bố mẹ dành thời gian lắng nghe và nói chuyện với trẻ thì những kỹ năng ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển tốt hơn nhiều.
Ngoài ra, trẻ có rất nhiều điều muốn nói, nên dễ nói vấp, nói lắp rồi bực bội. Tuy vậy, đây là điều bình thường ở độ tuổi này. Bố mẹ cứ kiên nhẫn và bình tĩnh nghe con nói. Dần dần, trẻ sẽ nói được tốt hơn nhiều.
6 hoạt động đơn giản giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 3-6 tuổi
Ở giai đoạn 3-6 tuổi, trẻ vẫn cần luyện tập và sự hỗ trợ của bố mẹ để phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp. Bố mẹ trò chuyện với trẻ và nói cho trẻ nghe càng nhiều, thì trẻ sẽ càng học được nhiều từ và sử dụng chúng thành thạo.
Cách tốt nhất để bố mẹ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ chính là thực hiện và rủ trẻ tham gia những hoạt động thú vị, thay vì chỉ cố điều chỉnh cách phát âm và ngữ pháp cho con. Bố mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
- Khi trò chuyện, hãy phản ứng nhiệt tình với những chủ đề mà trẻ yêu thích. Ví dụ, nếu trẻ thích thú với việc nhìn ô tô chạy qua, bố mẹ hãy nói thêm nhiều về ô tô.
- Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe.
- Kể chuyện cho trẻ nghe và bảo trẻ kể cho bố mẹ những câu chuyện đơn giản mà mình nhớ được. Trong quá trình kể, bố mẹ có thể ngừng giữa chừng và bảo trẻ đoán tiếp một vài từ hoặc diễn biến của đoạn sau.
- Hát cùng trẻ.
- Bật các bài hát hoặc các chương trình kể chuyện khi ngồi trên ô tô.
- Kể cho trẻ nghe những chuyện vui ngắn, dễ hiểu và chơi đố vui với trẻ. Trẻ nhỏ thường thích những trò chơi ngôn ngữ đơn giản, như tìm những từ có vần giống nhau, tạo ra các từ mới...
Bố mẹ nên lưu ý rằng, trẻ dưới 6 tuổi không nên sử dụng thiết bị điện tử quá 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Việc dùng thiết bị điện tử quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Dù tốc độ phát triển của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng nếu bố mẹ cảm thấy lo lắng về bất kỳ điều gì trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé!
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận