Những điều bố mẹ cần biết về tật nói lắp ở trẻ nhỏ
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 26/10/2019
Nhiều trẻ bắt đầu nói lắp khi được 2-4 tuổi, khiến bố mẹ lo lắng. Và tất nhiên là tật nói lắp có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống của trẻ nữa.
Nói lắp là một vấn đề về khả năng nói, khiến trẻ khó nói được trôi chảy, thường là khi bắt đầu câu nói, nhưng cũng có thể là trong suốt quá trình trò chuyện. Ngoài ra, nhiều trẻ nói lắp cũng có những biểu hiện khác như chớp mắt, nhăn mặt, nắm chặt tay…
Các dạng nói lắp
Nếu bố mẹ để ý, thì sẽ thấy các trẻ nói lắp có thể nói theo những kiểu rất khác nhau. Đó là vì nói lắp thực ra có ba dạng:
- Lặp đi lặp lại: Trẻ nói đi nói lại một âm thanh, một từ hoặc cụm từ, ví dụ như: “Con con con muốn ăn bánh” hoặc “Con cũng, con cũng, con cũng muốn ăn bánh”...
- Kéo dài: Trẻ kéo dài âm thanh, ví dụ: “Coooon muốn ăn bánh”.
- Ngập ngừng: Trẻ cố nói nhưng lại không phát âm ra được từ mình muốn.
Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp
Chưa có nghiên cứu nào thực sự giải thích được nguyên nhân chính xác của tật nói lắp. Nói lắp có thể do quá trình truyền tải thông điệp từ trung tâm ngôn ngữ trong não bộ đến hệ cơ của miệng bị lỗi hoặc chậm. Tật nói lắp cũng có yếu tố gia đình (nhưng không hẳn là có tính di truyền). Ngoài ra, dù tật nói lắp có thể khiến trẻ bực bội, căng thẳng, nhưng sự lo lắng, căng thẳng lại không phải là nguyên nhân của tật nói lắp.
Trẻ bắt đầu nói lắp ở giai đoạn nào?
Trẻ thường bắt đầu nói lắp khi được 2-4 tuổi, khi bắt đầu tập nối từ để tạo thành các câu dài. Tuy nhiên, có trường hợp trẻ lớn hơn mới nói lắp. Tật nói lắp có thể xuất hiện bất ngờ, hoặc cũng có thể từ từ tăng dần theo thời gian.
Mức độ nói lắp của trẻ
Mỗi trẻ lại có mức độ nói lắp khác nhau. Có trẻ chỉ thỉnh thoảng mới nói lắp, nhưng cũng có trẻ nói lắp gần như tất cả các từ trong mỗi câu.
Tật nói lắp ở trẻ cũng có thể liên tục biến đổi. Trẻ có thể dừng nói lắp hoàn toàn trong vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, nhưng rồi lại nói lắp trở lại. Tật nói lắp của trẻ cũng có thể trở nên tệ hơn trong những tình huống nhất định, như khi quá phấn khích, mệt mỏi hoặc giận dữ.
Tật nói lắp gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, có những cách hiệu quả để khắc phục tật này, bố mẹ có thể tìm hiểu thêm qua bài viết Bố mẹ nên làm gì nếu trẻ bị nói lắp?
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận