Ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh: Những dấu hiệu để hiểu được 5 trạng thái của trẻ

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 29/02/2020

Khi trẻ chưa biết nói, nhiều bố mẹ thấy rất khó nhận biết trạng thái của con (đói, no, buồn ngủ…). Vậy bố mẹ hãy tham khảo bài viết này của ODP để “đọc” được ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh nhé!

Ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh sẽ giúp bố mẹ hiểu cảm xúc cũng như nhu cầu của trẻ. Khi bố mẹ đáp lại những tín hiệu của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và yên tâm - đây là điều rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ nhỏ. 

Ngoài việc khóc, những cử chỉ khác của trẻ cũng có thể là tín hiệu để “thông báo” một trạng thái nào đó. Dưới đây là những trạng thái thường gặp ở trẻ cùng những dấu hiệu mà trẻ thể hiện:

1. Khi buồn ngủ

Một trong những tín hiệu rõ nhất của tình trạng buồn ngủ là ngáp, dù là ở trẻ con hay người lớn. Khi buồn ngủ, trẻ sẽ: 

  • Cau mày, quấy, cong người. 
  • Nhìn ra xa, không nhìn vào mắt bố mẹ.
  • Đập chân đập tay. 
  • Mút tay.
  • Không hứng thú với đồ chơi hay với bố mẹ.

ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh khi buồn ngủ
Bố mẹ có thể cảm thấy khá dễ để nhận ra ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh khi con buồn ngủ.

2. Khi muốn chơi 

Trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên thường sẽ có thói quen ăn - chơi - rồi ngủ. Ngôn ngữ cơ thể của trẻ thay đổi một chút khi trẻ sẵn sàng vui chơi, chẳng hạn: 

  • Mắt mở to và tỉnh táo.
  • Giao tiếp bằng ánh mắt với bố mẹ.
  • Cười.
  • Cử động nhanh nhẹn. 
  • Giơ tay hướng về phía bố mẹ. 

Khi thấy những dấu hiệu sẵn sàng vui đùa của trẻ sơ sinh, bố mẹ nên cười, trò chuyện và dành thời gian chơi với trẻ nhé. 

3. Khi muốn ngừng chơi

Không phải lúc nào trẻ cũng muốn đi ngủ sau giờ chơi, đặc biệt là khi trẻ đã được hơn 4 tháng tuổi. Đôi khi, trẻ có thể chỉ muốn ngừng một chút hoặc thay đổi hoạt động.

Lúc này, trẻ sẽ: 

  • Quay đầu ra hướng khác (không quay về phía bố mẹ).
  • Vặn mình, đạp chân. 

bố và bé sơ sinh
Không phải lúc nào trẻ cũng muốn đi ngủ sau giờ chơi, đặc biệt là khi trẻ đã được hơn 4 tháng tuổi.

Mỗi khi trẻ thể hiện những dấu hiệu này, bố mẹ nên cho trẻ ngừng hoạt động đang thực hiện, để trẻ nghỉ ngơi hoặc chuyển sang hoạt động khác. Ví dụ, nếu trẻ quay mặt đi, không nhìn cái lục lạc mà bố mẹ cầm trên tay nữa thì bố mẹ hãy thử đặt trẻ nằm xuống để quan sát xung quanh.

4. Khi đói

Khi đói, trẻ thường sẽ há miệng và quay đầu từ phía này sang phía khác để đòi bú. 

Ngoài ra, nếu có những dấu hiệu dưới đây thì rất có thể là trẻ đang muốn được ăn: 

  • Đang ngủ bỗng dưng cựa người rồi bắt đầu ê a, cho biết rằng mình đã dậy. 
  • Đang chơi bỗng dưng lại khóc, đạp chân hoặc cho tay vào miệng. 

5. Khi no

Trong lúc cho trẻ ăn, mẹ nên chú ý để biết là lúc nào thì trẻ đã no. Dấu hiệu rất dễ thấy khi trẻ no là trẻ ngừng mút (ti mẹ hoặc bình sữa) và/hoặc mở bàn tay ra. Nhìn chung, trẻ sẽ có vẻ thư giãn và thoải mái hơn mỗi khi đã ăn no. 

mẹ và bé sơ sinh
Bố mẹ cũng có thể nhận biết khi nào trẻ no thông qua ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh.

Không phải trẻ nào cũng sẽ theo những “quy tắc” về ngôn ngữ cơ thể như trên, và không phải lúc nào trẻ cũng có những tín hiệu ổn định. Tuy nhiên, ODP hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã hiểu rõ hơn về ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh, từ đó đáp ứng kịp thời những nhu cầu của trẻ.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận