Bố mẹ nên trò chuyện thế nào để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp?

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 23/09/2019

Việc bố mẹ thường xuyên trò chuyện với con sẽ giúp tăng cường sự gắn kết, đồng thời giúp con phát triển rất nhiều kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Vậy bố mẹ cần lưu ý đến những điều gì khi trò chuyện với con mình?

Bố mẹ nên trò chuyện với trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời, dù lúc này trẻ chưa hiểu được ngôn ngữ. Bởi việc này sẽ có những tác động tích cực lâu dài, chứ không chỉ là để cho trẻ nghe được ngay lúc đó mà thôi.

Tro Chuyen Voi Tre 2
Bố mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ

Lợi ích của việc trò chuyện sớm với trẻ

Ngay cả khi chưa biết nói, trẻ vẫn có thể tương tác với bố mẹ thông qua biểu cảm trên khuôn mặt, ngôn ngữ cử chỉ và cả tiếng khóc. Vì vậy, việc bố mẹ đáp lại những tín hiệu của trẻ khiến trẻ hiểu rằng bố mẹ đang lắng nghe và trẻ có thể tương tác để được đáp ứng những nhu cầu của mình. Lúc này, bố mẹ nên trò chuyện với trẻ về những gì trẻ có thể đang cảm thấy hoặc đang muốn, ví dụ, khi trẻ khóc, bố mẹ có thể nói: “Con đang khóc rồi, có phải con đói không?”.

Việc trò chuyện lúc cho trẻ ăn cũng rất quan trọng, dù trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Vào những thời điểm này, trẻ bắt đầu hiểu về thế giới xung quanh thông qua việc uống sữa và cảm nhận giọng nói, gương mặt, mùi hương quen thuộc của bố mẹ.

Mỗi lần trẻ ăn đều là cơ hội để bố mẹ ôm ấp, trò chuyện và tương tác với trẻ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, việc này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. Từ đó, trẻ sẽ biết nói sớm hơn và có vốn từ nhiều hơn.

Tro Chuyen Voi Tre 3
Trẻ thường xuyên được bố mẹ âu yếm trò chuyện sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp nhanh hơn

Những lời khuyên cho bố mẹ khi trò chuyện với trẻ

Nếu bố mẹ chưa chắc chắn về cách trò chuyện với trẻ sao cho hiệu quả, thì đây là một vài mẹo nhỏ:

  • Nói chậm hơn bình thường.
  • Nói có ngữ điệu rõ rệt: một số từ thì nói nhẹ hơn, một số từ thì nói một cách phấn khởi hơn...
  • Nói bằng giọng nhẹ và cao hơn bình thường (nhiều người gọi là “giọng trẻ con”), để trẻ biết rằng bố mẹ chỉ đang trò chuyện với mình.
  • Mở nhạc và hát theo cho trẻ nghe.
  • Nói những từ cơ bản hoặc câu ngắn, và lặp lại nhiều lần để trẻ dễ ghi nhớ hơn.
  • Luôn âu yếm gọi tên trẻ.
  • Nói những điều có thể khiến trẻ cười, có thể bằng cách vừa nói vừa có những biểu cảm ngộ nghĩnh, hay vừa nói vừa khua tay.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận