5 điều bố mẹ không nên nói với trẻ mắc hội chứng khó đọc
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 11/09/2020
Người lớn thường nghĩ: “Trẻ con thì biết gì!”, nhưng trên thực tế, mọi điều người lớn nói với trẻ đều có thể ảnh hưởng tới tinh thần của con, đặc biệt là những trẻ mắc hội chứng khó đọc.
Những trẻ mắc hội chứng khó đọc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Những lời động viên, khích lệ từ bố mẹ là động lực to lớn giúp con vượt lên tất cả. Tuy nhiên, có những điều bố mẹ nói ra lại có thể khiến con nản chí, thậm chí áp lực. Dưới đây là 5 điều bố mẹ không nên nói với trẻ mắc chứng khó đọc.
1. “Con phải cố gắng hơn nữa thì mới đọc tốt được”
Hãy thử lấy một ví dụ đơn giản: bố mẹ yêu cầu một đứa trẻ ngồi xe lăn di chuyển lên cầu thang. Đứa trẻ có thể lên được đến đỉnh cầu thang, nhưng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các bạn khác. Vậy lúc này, bố mẹ nghĩ con có cố gắng hay không? Chắc chắn con đã rất cố gắng rồi. Tương tự đối với những trẻ mắc hội chứng khó đọc.
Do đó, thay vì nói những câu như: “Con phải cố gắng hơn nữa thì mới đọc tốt được”, bố mẹ hãy nói với trẻ mắc chứng khó đọc bằng như lời động viên như: “Bố mẹ biết con đang gặp nhiều khó khăn khi tập đọc. Bây giờ con có cần bố mẹ giúp gì không?”
2. “Đừng để các bạn biết con mắc chứng khó đọc.”
Chứng khó đọc là một điểm khác biệt của trẻ, cũng giống như các đặc điểm khác như màu tóc hay khiếu hài hước. Vì vậy, nếu bố mẹ luôn cố ép trẻ phải che giấu đi sự thật rằng mình mắc chứng khó đọc, con sẽ hiểu rằng đây là điều khiến con phải xấu hổ.
Thay vì như vậy, bố mẹ hãy giải thích với trẻ để con hiểu rằng chứng khó đọc không phải là điều xấu, và bạn bè xung quanh có thể nhận ra rất nhiều điều con có thể làm tốt chứ không phải chỉ nhìn vào duy nhất một vấn đề liên quan đến chứng khó đọc này. Chứng khó đọc thậm chí còn có thể trở thành một điểm đặc biệt của con.
3. “Có lẽ con nên học ở những trường không quá chú trọng việc đọc.”
Nhiều bố mẹ thường không kỳ vọng quá nhiều khi con mình có những vấn đề liên quan đến kỹ năng học tập và tư duy. Tuy nhiên, những đứa trẻ mắc chứng khó đọc nói riêng và các vấn đề về kỹ năng khác nói chung có thể đạt được những thành tựu mà đôi khi bố mẹ không nghĩ tới, chỉ cần con nhận được sự hỗ trợ tích cực và được tạo điều kiện để phát huy tối đa những thế mạnh của mình.
Bố mẹ hãy thường xuyên động viên con, hãy nói với con rằng bố mẹ tin con sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn. Hãy tâm sự để con hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn hỗ trợ, tìm kiếm những cơ hội và tạo điều kiện cho con thực hiện những ước muốn của mình.
4. “Nếu không đọc được thì con sẽ chẳng bao giờ thành công đâu!”
Mọi đứa trẻ mắc chứng khó đọc đều nên được tạo điều kiện để được học cách đọc bằng mắt. Nếu cách đó không hiệu quả, bố mẹ có thể tìm tới các phương pháp khác giúp trẻ tập đọc. Bố mẹ có thể nói với con rằng có rất nhiều cách đọc khác nhau, ví dụ như người khiếm thị đọc chữ nổi bằng cách sử dụng các ngón tay, hoặc có người đọc bằng đôi tai thông qua sách nói. Do đó, bố mẹ hãy động viên trẻ rằng chứng khó đọc không phải là cản trở quá lớn đối với con, và bố mẹ sẽ đồng hành cùng con để tìm ra phương pháp đọc phù hợp nhất.
5. “Dùng công cụ hỗ trợ khi tập đọc là gian lận đấy.”
Chẳng ai nói với một người đi xe lăn rằng việc họ đi bằng thang cho người khuyết tật là gian lận cả. Đối với những người đi xe lăn, các bậc cầu thang là vật cản trở lớn, khiến họ gặp khó khăn khi bước lên. Đó là lý do họ cần sử dụng tới thang loại thang đặc biệt này. Tương tự với những đứa trẻ mắc chứng khó đọc, những bài tập liên quan tới viết lách cũng không phải là điều dễ dàng thực hiện. Vì vậy, các công cụ hỗ trợ khi tập đọc có thể giúp trẻ rất nhiều trong quá trình học tập, từ đó phát huy tối đa tiềm năng của con.
>>> Tham khảo thêm: 12 mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ
ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ sẽ hiểu hơn về cách trò chuyện với những trẻ mắc hội chứng khó đọc, từ đó trở nên gần gũi với con, giúp con vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận