12 mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 17/01/2020
Hội chứng khó đọc ở trẻ có thể khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu 12 mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ qua bài viết sau nhé!
Những trẻ mắc chứng khó đọc thường gặp rất nhiều khó khăn khi tập đánh vần từ ngữ, dù là những từ thông dụng, đơn giản nhất. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu 12 mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ dưới đây, để giúp trẻ tập đọc dễ dàng hơn nhé!
1. Tập trung vào chi tiết
Những trẻ gặp khó khăn trong việc đọc thường cần có sự giúp đỡ của người lớn thì mới có thể chú ý đến các chi tiết của từ ngữ, đặc biệt là những từ dài và có vần hơi khó, ví dụ như từ “ngượng”.
Khi gặp những từ như vậy, trước hết, bố mẹ nên chỉ vào từ đó để trẻ tập trung nhìn, rồi đọc mẫu thật to. Tiếp theo, bố mẹ bảo trẻ đọc tên từng nguyên âm, phụ âm đơn và kép trong từ đó. Việc này sẽ tạo cơ hội cho trẻ phân tích từ và tiếp cận từng chi tiết của từ.
2. Sáng tạo ra các “mẹo” ghi nhớ
Đối với những từ khó nhớ, bố mẹ có thể cùng trẻ sáng tạo ra những mẹo để ghi nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể “gài” hình ảnh vào các từ đó, hoặc sáng tác ra một hai câu thơ bao gồm từ đó.
Ví dụ, nếu trẻ khó nhớ từ “bóng”, bố mẹ có thể viết to từ đó ra giấy và biến chữ “o” trong từ thành hình quả bóng.
3. Bổ sung các yếu tố nghệ thuật
Nhiều trẻ ghi nhớ từ mới nhanh hơn khi liên kết từ đó với hình ảnh. Do đó, bố mẹ hãy viết từ mới vào hai mặt của tờ giấy. Trên một mặt, bố mẹ có thể cùng trẻ vẽ hình minh họa, hoặc “hình hóa” từ đó như ví dụ với từ “bóng” ở trên. Ban đầu, bố mẹ cho trẻ học từ ở mặt giấy có hình. Khi trẻ bắt đầu đọc từ thành thạo, bố mẹ sẽ cho trẻ tập đọc trên mặt giấy chỉ có chữ thôi.
4. Cho trẻ sử dụng nhiều giác quan trong quá trình học đọc
Trẻ mắc chứng khó đọc sẽ học tốt hơn khi sử dụng nhiều giác quan trong quá trình học. Chẳng hạn, nếu bố mẹ cho trẻ dùng ngón tay di theo các chữ cái, hoặc bố mẹ cắt giấy ráp thành hình chữ cái để trẻ vừa đánh vần vừa sờ vào lớp giấy đó, thì trẻ sẽ dễ học hơn nhiều.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bảo trẻ dùng ngón tay viết chữ lên cái khay đựng cát, gạo, hay giả vờ viết chữ lên không khí trong lúc đánh vần.
5. Bảo trẻ “chụp” lại hình ảnh của từ mới
Bố mẹ có thể bảo trẻ tập trung nhìn vào một từ và “chụp” lại hình ảnh của từ đó trong tâm trí mình. Sau đó, bố mẹ cất tờ giấy có từ đó đi.
Tiếp theo, bố mẹ hỏi xem trẻ “nhìn thấy” những chữ cái nào ở “bức ảnh trong tâm trí” đó. Việc luyện tập bằng cách hình dung như vậy có thể giúp trẻ ghi nhớ, đánh vần và đọc từ mới.
6. Khuyến khích trẻ viết
Một mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ nữa là khuyến khích trẻ tập viết lại trên giấy những từ mà trẻ đã quen đọc. Ban đầu, bố mẹ có thể cho trẻ nhìn vào từ mẫu (được in hoặc viết sẵn) để chép lại. Dần dần, bố mẹ hãy bảo trẻ cố gắng viết mà không cần nhìn từ mẫu nữa.
7. Kể cho trẻ nghe về nguồn gốc của từ, hoặc những chuyện có liên quan đến từ ngữ
Một số từ có nguồn gốc rất thú vị, nên bố mẹ có thể tìm hiểu để kể cho trẻ nghe. Hoặc bố mẹ cũng có thể tự nghĩ ra những câu chuyện có liên quan đến các từ ngữ nhất định để kể. Những câu chuyện luôn khiến chúng ta ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, việc này cũng có thể giúp trẻ mở rộng kiến thức về từ ngữ, từ đó dễ nhận ra và hiểu từ hơn nữa.
8. Dành riêng một chỗ trong nhà để viết thật nhiều từ ngữ
Bố mẹ nên dành một chỗ trong nhà để viết những từ mà trẻ đã đánh vần thành thạo, hoặc đang tập ghi nhớ. Đó có thể là một tấm bảng hoặc tờ giấy lớn treo trên tường, vừa tầm tay của trẻ để trẻ cũng có thể viết lên được.
9. Cho trẻ chơi trò tìm từ
Một cách hiệu quả khác giúp khắc phục chứng khó đọc là bảo trẻ tìm những từ mình mới được học ở lớp trong những cuốn sách mà bố mẹ và trẻ cùng nhau đọc ở nhà.
Việc này giúp trẻ nhận ra được mức độ phổ biến của những từ nhất định, và cũng khiến trẻ hay chú ý tìm những từ đó trong mọi thứ mình đọc hằng ngày. Bố mẹ cũng đừng quên khen ngợi trẻ khi trẻ tìm và đọc đúng từ nhé.
10. Phối hợp với giáo viên để theo dõi quá trình trẻ tập đọc
Bố mẹ hãy giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên của trẻ, để trẻ được nhận sự hỗ trợ “kép”. Nhờ đó, việc tập đọc của trẻ sẽ được cải thiện nhanh hơn, và trẻ sẽ tự tin hơn khi học tập ở trường.
11. Làm cho việc học trở nên thú vị
Đây là một mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ rất hiệu quả. Bố mẹ nên cho trẻ chơi các trò chơi liên quan đến từ ngữ, như trò treo cổ, tìm từ trong một bảng nhiều chữ cái, hay sắp xếp lại các chữ thành từ có nghĩa… Nhưng bố mẹ nhớ chọn những từ đơn giản, phù hợp với khả năng của trẻ, để trẻ không nản chí nhé.
12. Cho trẻ tập đọc ở mức vừa phải
Bố mẹ không nên ép trẻ phải tập đọc suốt ngày hoặc học quá nhiều từ mới một lúc. Tùy vào khả năng của trẻ, mỗi ngày, bố mẹ chỉ nên cho trẻ luyện tập một chút, học thêm một vài từ mới. Nếu trẻ chỉ học được một từ mỗi ngày thì cũng không sao cả. Bố mẹ hãy cứ kiên nhẫn động viên trẻ. Như vậy, trẻ sẽ có động lực để cố gắng luyện tập, chứ không bị căng thẳng hoặc quá tải, dẫn đến chán nản và bỏ cuộc.
>>> Tham khảo thêm: Chứng khó đọc là gì và biểu hiện của hội chứng khó đọc ở trẻ.
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về các mẹo cải thiện chứng khó đọc cho trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận