Các cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 1-4 tuổi
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 13/12/2019
Dù mỗi trẻ có tốc độ phát triển ngôn ngữ khác nhau, nhưng nhìn chung, trẻ sẽ trải qua những cột mốc nhất định ở mỗi giai đoạn đấy bố mẹ ạ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Dưới đây là những cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 1-4 tuổi để bố mẹ tham khảo. Nếu trẻ không đạt được nhiều dấu mốc theo độ tuổi thì bố mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra xem trẻ có mắc chứng chậm nói không nhé!
1 tuổi
Lúc này, trẻ mới bắt đầu giao tiếp với bố mẹ bằng những cách khác, ngoài việc khóc. Trẻ sẽ có thể:
- Nói được vài từ: Trẻ có thể biết nói “mama” và “baba” để gọi mẹ và bố hoặc bà. Vốn từ vựng của trẻ 1 tuổi còn hạn chế, nhưng bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ bằng việc đọc sách và trò chuyện với trẻ mỗi ngày.
- Bắt chước giọng bố mẹ: Dù chưa nói được nhiều từ nhưng trẻ sẽ rất hay bi bô và cố bắt chước những âm thanh mà mình nghe được. Trẻ 8-9 tháng sẽ bập bẹ nói được một vài nguyên âm và phụ âm, rồi dần dần sẽ nói thành một vài từ khi trẻ được 1 tuổi.
- Biết phản hồi: Trẻ có thể giao tiếp có chủ đích với bố mẹ, thể hiện điều mình muốn bằng cách chỉ tay hoặc nhìn về phía một đồ vật. Trẻ cũng biết theo dõi ánh mắt của bố mẹ và nhìn về hướng bố mẹ đang nhìn.
- Làm theo chỉ dẫn một bước đơn giản: Trẻ có thể làm theo khi bố mẹ bảo những câu như “đưa tay đây”, “con uống sữa đi”..., và biết dừng việc mình đang làm khi bố mẹ nói “không” (mặc dù về sau trẻ vẫn có thể lặp lại việc đó).
2 tuổi
Đây là giai đoạn bố mẹ cần chú ý xem trẻ có bị chậm nói hay không. Ở tuổi này, trẻ sẽ có thể:
- Có vốn từ rộng hơn: Trẻ 2 tuổi sẽ sử dụng thường xuyên khoảng 50 từ, ví dụ như: “ăn”, “nước” hay “bà”. Trẻ cũng rất hay bắt chước những từ bố mẹ nói.
- Nối từ: Trẻ bắt đầu biết nối hai từ để tạo thành câu, như: “mẹ đi” hay “bóng lăn”. Tuy nhiên, trẻ thường phát âm chưa rõ ràng và bố mẹ có thể chỉ hiểu được khoảng 50% những gì trẻ nói.
- Biết xưng hô: Trẻ bắt đầu hiểu các ngôi thứ như “mẹ”, “con”, “bố”... dù không phải lúc nào cũng sử dụng chính xác. Việc trẻ lẫn lộn các ngôi thứ khi xưng hô là bình thường và sẽ được cải thiện dần dần.
- Phân biệt đồ vật và các bộ phận cơ thể: Trẻ biết chỉ và kể tên nhiều bộ phận cơ thể như mắt, mũi, miệng… Ngoài ra, trẻ cũng có thể chỉ tay vào đúng đồ vật trong hình khi được bố mẹ hỏi, ví dụ: “Quả bóng đâu nhỉ?”.
3 tuổi
Trẻ bắt đầu nói chuyện nhiều hơn và có thể:
- Nói rõ ràng những câu đơn giản: Bố mẹ có thể dễ dàng hiểu được phần lớn những gì trẻ nói (ít nhất là 75%). Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ và kiên nhẫn lắng nghe trẻ nhé.
- Ghép nhiều từ lại với nhau: Trẻ biết nói những câu dài khoảng 3-6 từ. Đó là những câu hoàn chỉnh nhưng đơn giản, như: “Mẹ đang ăn”.
- Chọn đúng từ: Trẻ có thể gọi tên hầu như mọi thứ và có thể nói rõ tên thứ mình muốn, chứ không phải chỉ biết chỉ tay nữa.
- Hiểu và làm theo những chỉ dẫn gồm 2 bước, có liên quan đến những việc đơn giản thường ngày, như “cởi giày và đặt lên tủ giày”. Trẻ có thể sẽ thấy khó hơn một chút nếu bố mẹ yêu cầu làm những việc mới.
4 tuổi
Khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này có những bước tiến ấn tượng. Trẻ có thể:
- Nói rõ ràng những câu phức tạp: Trẻ biết kể chuyện, như chuyện về những gì con đã làm ở trường, và người lớn có thể hiểu gần như mọi điều trẻ nói.
- Phân biệt màu sắc, hình khối và chữ cái: Trẻ biết gọi tên nhiều màu, hình và chữ. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên nói với trẻ về chữ cái và từ ngữ nhé! Ví dụ, khi ăn sáng, bố mẹ có thể nói rằng từ “bánh mì” dài hơn từ “mì”.
- Hiểu khái niệm thời gian: Trẻ có thể chưa biết xem giờ trên đồng hồ, nhưng đã hiểu những khái niệm chung về trình tự thời gian trong ngày như buổi sáng, buổi trưa, buổi tối.
- Làm theo những chỉ dẫn phức tạp (có 3-4 bước), như: “Cất sách, đánh răng rồi đi ngủ”. Trẻ cũng có thể nói ra những mong muốn và yêu cầu của mình, như: “Tối nay con muốn ăn cá và xem phim Câu chuyện đồ chơi trước khi đi ngủ”.
Nếu cảm thấy trẻ không đạt được nhiều cột mốc phát triển ngôn ngữ theo đúng độ tuổi, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu con có bị chậm nói hay không nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận