5 bí quyết để việc dạy trẻ kỹ năng giao tiếp trở nên đơn giản và hiệu quả
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 17/04/2020
Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp là việc vô cùng quan trọng mà bố mẹ cần thực hiện từ sớm để giúp trẻ có nền tảng và xây dựng được tương lai tốt đẹp hơn.
Theo chị Linh Phan - một Parent Coach dày dặn kinh nghiệm - cố vấn chuyên môn của Dự án, việc dạy trẻ kỹ năng giao tiếp là điều vô cùng cần thiết và có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho bản thân trẻ cũng như các thế hệ sau. Khi đã hiểu được vai trò của việc này, bố mẹ cần tìm cho mình những cách dạy trẻ phù hợp và hiệu quả.
Trong bài viết dưới đây, ODPHUB xin gửi tới bố mẹ chia sẻ của chị Linh Phan về 5 bí quyết dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non để giúp bố mẹ có cái nhìn và định hướng tốt hơn trong việc nuôi dạy con trẻ của mình.
5 cách dạy trẻ mầm non kỹ năng giao tiếp
Dưới đây là 5 cách đơn giản để có được một “giáo án" dạy trẻ kỹ năng giao tiếp cực hiệu quả:
1. Làm gương
Có thể dẫn chứng câu ngạn ngữ cũ “Hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm” trong trường hợp này. Trẻ có nhiều khả năng “làm như bố mẹ làm” bất kể bố mẹ nói gì. Những phụ huynh làm gương tốt có con cái là người cực kỳ giỏi giao tiếp với người khác.
Điều quan trọng cần lưu ý là đôi khi sự khó khăn trong giao tiếp có thể tiềm ẩn những nguy cơ như tự kỷ, rối loạn chú ý hoặc khuyết tật thính giác.
2. Tạo một khung mẫu cho các phương thức giao tiếp
Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là về cách thức và thời điểm giao tiếp là một kỹ năng nền tảng. Ngắt lời liên tục và thiếu kiểm soát âm lượng là yếu tố làm gián đoạn giao tiếp với mọi người, không chỉ đối với trẻ em. Hãy đặt ranh giới để trẻ biết khi nào thích hợp để bày tỏ ý kiến của mình; đồng thời củng cố trẻ hoặc học sinh tuân theo những kỳ vọng đã biết một cách tích cực.
Bất kể cụ thể khung sườn mẫu là gì, bố mẹ hãy dạy trẻ cách thu hút sự chú ý của bố mẹ mà không phải cắt ngang sai cách.
3. Đừng khiến con bối rối khi sửa lỗi giữa đám đông
Sự xấu hổ có sức mạnh, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khát khao học hỏi của bất kỳ ai. Trẻ mắc lỗi khi giao tiếp, người lớn cũng vậy. Một đứa bé 2 tuổi khi gọi một người lớn là “béo” - trẻ cần hiểu rằng điều đó là không đúng, nhưng chúng không cần bị sửa lỗi trước mặt bàn dân thiên hạ.
Nhẹ nhàng sửa lỗi lúc riêng tư là một nguyên tắc cơ bản của kỷ luật tích cực, và nó giúp thúc đẩy tư duy phát triển (growth mindset) khi trẻ cảm thấy an toàn. Nếu một đứa trẻ bối rối giữa đám đông, chúng sẽ ít nỗ lực giao tiếp hơn trong tương lai, hoặc tệ hơn, sẽ tiếp tục làm loạn để đòi sự chú ý.
4. Dạy về lòng thấu cảm
Khi dạy trẻ kỹ năng giao tiếp thì bố mẹ không thể quên về “lòng thấu cảm". Lòng thấu cảm là một chủ đề quan trọng đối với trẻ ở mọi lĩnh vực trong đời sống. Khả năng hiểu quan điểm của người khác tạo không gian cho sự thấu hiểu lẫn nhau và quan tâm đến nỗi đau của người khác. Một người lắng nghe thấu cảm chính là người lắng nghe “điêu luyện”. Trân trọng và tán dương khi trẻ thể hiện sự quan tâm với cảm xúc của người khác là vô cùng quan trọng, bởi nó thúc đẩy văn hóa của lòng thấu cảm.
5. Thể hiện sức mạnh của sự dừng lại
Sức mạnh của giao tiếp chánh niệm là rất quan trọng. Trẻ con đặc biệt không có kỹ năng kiểm soát hành vi bốc đồng của mình, người lớn cũng vậy. Đơn giản là dạy trẻ cách suy nghĩ về tầm ảnh hưởng của lời nói và những quyết định khác của con, có thể giúp trẻ suy nghĩ trước khi hành động.
Một việc khác cũng không kém phần quan trọng đó là trân trọng những khoảng nghỉ giữa các câu nói và khuyến khích văn hóa dừng lại để tạo không gian cho người khác nói - những người có thể cần thêm thời gian để tiếp nhận thông tin.
Làm sao để phát hiện những khó khăn trong giao tiếp ở mọi lứa tuổi
Trong quá trình dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, việc phát hiện khó khăn trong giao tiếp là rất quan trọng. Trẻ sơ sinh từ 0 đến 7 tháng tuổi không thể bập bẹ có thể có dấu hiệu gặp khó khăn trong giao tiếp. Sự can thiệp sớm có thể giúp tăng trưởng nhận thức và kết nối xã hội.
Sự e ngại trong giao tiếp bằng lời cũng có thể dẫn đến những khó khăn về sức khỏe tâm lý (McCrosky, 1977). Tỷ lệ bệnh lo âu ngày càng tăng có liên quan đến kỹ năng giao tiếp ở trẻ em. Một đứa trẻ mắc chứng sợ giao tiếp thậm chí sẽ lảng tránh những tình huống cần giao tiếp bằng lời, chỉ để né tránh những đau đớn và lo lắng liên quan đến cuộc giao tiếp đó.
Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về sự phát triển của trí tuệ cảm xúc và mối quan hệ của nó với các kỹ năng giao tiếp hiệu quả (Irving, 2002). Báo cáo chỉ ra rằng những cá nhân có tỷ lệ trí tuệ cảm xúc cao sẽ đạt được điểm số cao hơn, điều này làm tăng giá trị của nhu cầu cải thiện kỹ năng càng sớm càng tốt. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp và xã hội cũng như phát triển các kỹ năng đó là rất quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ vừa bước vào trường Trung học.
Mặc dù những yếu tố này được xem là khó khăn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng không phải là rào cản hoàn toàn để giao tiếp hiệu quả. Thay đổi các kỹ năng để linh hoạt xử lý trở ngại trong giao tiếp hiệu quả chính là điều tối quan trọng đối với sự thành công của một đứa trẻ.
Điều này không làm giảm sức ảnh hưởng của chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn chú ý hoặc khó khăn về thính giác có thể xảy ra trong giao tiếp ở trẻ em. Trẻ em với những trở ngại này có thể gặp khó khăn hơn trong giao tiếp xã hội so với các bạn cùng trang lứa do phải đấu tranh để giao tiếp hiệu quả.
Nghiên cứu hiện tại đang cố gắng liên kết những trở ngại khác mà trẻ em có thể có với những sự khác biệt về mặt phát triển này.
Dưới đây là một số cách cụ thể để phát hiện sự khó khăn trong giao tiếp:
- Ngôn ngữ chưa trưởng thành;
- Nói những câu khó hiểu;
- Chật vật khi nói và nghe trong cuộc trò chuyện;
- Né tránh giao tiếp bằng lời.
Để làm giảm khó khăn trong giao tiếp cho trẻ, dạy trẻ kỹ năng giao tiếp từ sớm là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ em cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó đòi hỏi bố mẹ rất nhiều sự kiên nhẫn cũng như khéo léo để hướng dẫn cho con tiến bộ mỗi ngày.
>>> Bài viết liên quan: Tại sao phải chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận