Triệu chứng của bệnh trầm cảm ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần biết

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 05/02/2020

Bệnh trầm cảm ở trẻ em khó nhận biết hơn ở người lớn rất nhiều. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý tới trẻ thật kỹ để có thể nhận ra những “tín hiệu báo nguy”, rồi giúp trẻ theo những cách phù hợp nhé.

Thực tế, trẻ nào cũng có thể có những giai đoạn buồn bã, thu mình lại. Tuy nhiên bệnh trầm cảm ở trẻ em lại là một khái niệm hoàn toàn khác. Khi mắc chứng trầm cảm thì trẻ không chỉ buồn bã, mà còn luôn ở tình trạng thiếu năng lượng. Đặc biệt, việc này sẽ kéo dài và khó có thể tự hết được.

Vậy bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể được nhận biết qua những dấu hiệu nào? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm là sự rối loạn gây ảnh hưởng tới cảm xúc và thái độ sống nói chung của người bệnh. Nó khiến người bệnh mất hứng thú với hầu như mọi hoạt động, luôn cảm thấy buồn bã và thất vọng. Tất nhiên, đa số mọi người đều có những lúc buồn bã hoặc thất vọng, nhưng thường chỉ trong thời gian ngắn thôi. Còn bệnh trầm cảm thì không chỉ dừng ở mức buồn bã đơn thuần, mà là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và người bệnh thường khó tự vượt qua.

Bệnh trầm cảm nếu không được chữa trị có thể gây ra những vấn đề lớn như ảnh hưởng tới việc làm, tới các mối quan hệ, khiến người bệnh nghĩ đến hoặc cố tự tử...

Nhiều người được điều trị trầm cảm hiệu quả sẽ tiếp tục sống vui vẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng có những người cần điều trị cả đời.

Ước tính có khoảng 2% trẻ nhỏ trên thế giới mắc bệnh trầm cảm. Bệnh này có thể xuất hiện ở cả trẻ nam và nữ, nhưng khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì tỉ lệ nữ giới mắc bệnh lại cao hơn nam giới. Điều này sẽ kéo dài đến tận lúc trưởng thành - lúc này, tỉ lệ mắc bệnh là 12% ở nữ giới, và gần 7% ở nam giới.

bệnh trầm cảm ở trẻ em khiến trẻ hay chán nản, mất năng lượng, mệt mỏi
Bệnh trầm cảm ở trẻ em là bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày của trẻ.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm 

Trầm cảm không chỉ là sự thay đổi nhất thời về mặt cảm xúc. Triệu chứng của bệnh thể hiện liên tục, kéo dài, chứ không phải chỉ ở một số thời điểm trong một vài ngày. Căn bệnh này không chỉ tác động đến tâm trạng của người mắc, mà còn tới ba mặt quan trọng khác của cơ thể là nhận thức, hành vi và sinh lý (gây mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức...). Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh trầm cảm cũng có đầy đủ những triệu chứng này, và một số triệu chứng có thể rõ ràng hơn những triệu chứng còn lại.

Những dấu hiệu của trầm cảm bao gồm:

  • Luôn buồn bã hoặc cáu kỉnh, khóc không vì lý do cụ thể nào.
  • Có cảm giác tuyệt vọng.
  • Cảm thấy tội lỗi, dẫn đến cáu kỉnh và tức giận.
  • Cảm thấy mình vô dụng.
  • Bồn chồn, lo lắng không yên.
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động thường ngày.
  • Thay đổi mức độ hoạt động.
  • Thay đổi khẩu vị và cân nặng.
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung, đưa ra quyết định, hoàn thành nhiệm vụ, sụt giảm trong kết quả học tập, làm việc.
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ.
  • Hay suy nghĩ tiêu cực.
  • Hay nói về việc trốn khỏi nhà, thậm chí cố gắng thực hiện điều đó.
  • Uể oải, chán nản, không muốn làm gì.
  • Có suy nghĩ về việc tự tử.

Khi bị trầm cảm nặng thì người mắc bệnh sẽ có ít nhất 5 trong số các triệu chứng kể trên, và kéo dài ít nhất 2 tuần. Đối với trường hợp trầm cảm nhẹ nhưng kéo dài, thì các biểu hiện bệnh thường ít hơn nhưng sẽ kéo dài ít nhất 1 năm. Và dù mắc trầm cảm ở mức độ nào đi nữa, thì cuộc sống hàng ngày của người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trẻ mắc bệnh trầm cảm bị chán nản, mất hứng thú khi chơi môn thể thao yêu thích
Khi trẻ mắc bệnh trầm cảm thì biểu hiện rõ nhất chính là bị mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động mà trẻ vốn rất yêu thích.

Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em

Triệu chứng bệnh trầm cảm ở trẻ em cũng tương tự như ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Tuy nhiên, vì bị giới hạn về vốn từ vựng, nên trẻ thường khó thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Thậm chí, trẻ có thể không sẵn lòng thể hiện những bất ổn của bản thân cho bố mẹ biết.

Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể nhìn ra những dấu hiệu cảnh báo khi trẻ mắc bệnh trầm cảm, thông qua những cảm xúc hoặc thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của trẻ.

Dưới đây là một số dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em mà bố mẹ có thể chú ý để nhận ra:

  • Trẻ cáu giận, tức tối.
  • Thay đổi hành vi và tính khí.
  • Ăn nhiều hơn, hoặc chán ăn.
  • Ngủ nhiều hơn, hoặc mất ngủ.
  • Có những cơn bùng nổ cảm xúc hoặc lời nói.
  • Thường xuyên có vấn đề về thể chất như đau đầu, đau dạ dày.
  • Giảm khả năng tập trung chú ý.
  • Bướng bỉnh, có thái độ thách thức, chống đối.
  • Giảm thành tích học tập.
  • Có nhiều suy nghĩ tiêu cực (hay tự chê bai bản thân hoặc than vãn nhiều hơn)
  • Có suy nghĩ hoặc nói về cái chết.

Bệnh trầm cảm ở trẻ em khiến trẻ buồn bã, chán nản và hay suy nghĩ tiêu cực
Bố mẹ hãy quan tâm, chú ý nhiều hơn tới trẻ để sớm nhận ra các dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhé!

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ em

Có rất nhiều yếu tố góp phần gây ra bệnh trầm cảm ở trẻ em. Trong đó, một yếu tố lớn chính là gen di truyền, với khoảng 20 đến 50% trẻ mắc bệnh có tiền sử bệnh trong gia đình.

Những trẻ vốn có vấn đề về hành vi và chứng rối loạn lo âu cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn.

Ngoài ra thì bệnh tật, những sự kiện đau buồn như mất người thân, hoặc căng thẳng... đều có thể dẫn tới bệnh trầm cảm ở trẻ em. Tuy nhiên, cũng có nhiều ca không có nguyên nhân cụ thể.

Bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể là do nhiều yếu tố kết hợp lại. Những yếu tố này có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng chúng cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ. Chúng bao gồm:

  • Sức khỏe thể chất: Trẻ mắc những bệnh mãn tính hoặc nghiêm trọng, bao gồm cả chứng béo phì, thì dễ bị trầm cảm hơn.
  • Những sự kiện căng thẳng: Những thay đổi trong gia đình, ở trường học hoặc trong mối quan hệ bạn bè cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh trầm cảm.
  • Môi trường: Cuộc sống gia đình lộn xộn, không lành mạnh cũng dễ khiến trẻ bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm.
  • Tiền sử mắc bệnh trong gia đình: Nếu gia đình trẻ có người mắc các chứng rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm, thì trẻ cũng có thể mắc bệnh từ khi còn nhỏ.
  • Mất cân bằng sinh hóa: Sự thiếu cân bằng của một số hormone và các hóa chất trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ, từ đó làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Bệnh trầm cảm ở trẻ em tuy là bệnh lý nguy hiểm, thế nhưng hoàn toàn có thể điều trị được nếu trẻ được chẩn đoán kịp thời và nhận được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận