Trẻ mẫu giáo bị căng thẳng: Dấu hiệu và nguyên nhân
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 09/12/2019
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách nhận biết khi trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị căng thẳng, cũng như những nguyên nhân thường gặp nhất nhé!
Khi trẻ mẫu giáo bị lo lắng và căng thẳng, sự bất ổn của trẻ thường được thể hiện qua những thay đổi trong hành vi và tình trạng thể chất. Trẻ phản ứng với nỗi căng thẳng theo những cách khác nhau tùy độ tuổi, tính cách và kỹ năng xử lý cảm xúc của mình. Vì vậy, đôi khi bố mẹ có thể không nhận ra các vấn đề tiềm ẩn nếu không thực sự chú ý tới các dấu hiệu ở trẻ.
Dấu hiệu cho thấy trẻ mẫu giáo bị căng thẳng, lo âu
Trẻ có thể không tự nhận ra nỗi lo lắng của mình, cũng như chưa biết mô tả những chuyện khiến mình căng thẳng, dù đó là những chuyện có thật hay do trẻ tưởng tượng ra. Điều này dẫn tới nhiều thay đổi về hành vi và thể chất của trẻ, khiến bố mẹ không biết con mình đang lo âu hay có vấn đề về sức khỏe.
Một số dấu hiệu thường gặp khi trẻ mẫu giáo bị căng thẳng, lo lắng:
Về hành vi và cảm xúc
- Khó tập trung.
- Có thay đổi về hành vi: đột nhiên trở nên ủ rũ, hung hăng, cáu kỉnh hoặc bám dính bố mẹ hơn.
- Sợ hãi nhiều hơn (sợ bóng tối, sợ ở một mình, sợ người lạ).
- Bắt đầu có những thói quen thể hiện sự bất an (như cắn móng tay).
- Né tránh gia đình, bạn bè.
- Không chịu đi học.
- Dính vào các rắc rối ở trường học.
- Tích trữ những đồ dùng không cần thiết.
Về thể chất
- Thèm ăn nhiều hơn, hoặc chán ăn.
- Hay phàn nàn về những cơn đau dạ dày hoặc đau đầu.
- Tè dầm.
- Gặp các vấn đề về giấc ngủ, gặp ác mộng.
- Có các triệu chứng khác liên quan tới thể chất.
8 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ mẫu giáo bị căng thẳng, lo âu
Trẻ mẫu giáo bị căng thẳng có thể là do các yếu tố bên ngoài, như những vấn đề ở trường lớp, thay đổi trong gia đình, hoặc mâu thuẫn với bạn bè. Nhưng nhiều khi, trẻ lo lắng do chính các cảm xúc và áp lực riêng của mình, như tính cầu toàn - muốn làm mọi thứ thật tốt, hoặc muốn hòa nhập với các bạn. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến dễ khiến trẻ mẫu giáo bị căng thẳng:
Những thay đổi lớn trong gia đình
Những thay đổi trọng đại có thể khiến trẻ rất căng thẳng, như việc bố mẹ ly hôn, người thân qua đời, chuyển nhà, hoặc em bé mới sinh. Những chuyện như thế này ảnh hưởng mạnh mẽ tới cảm giác an toàn của trẻ, có thể khiến trẻ bị sốc, bối rối và lo lắng.
Ví dụ, em bé mới sinh có thể khiến trẻ cảm thấy vị thế của mình trong gia đình bị đe dọa, và trẻ trở nên ghen tị với em.
Sự bất ổn của bố mẹ
Những mối lo về cơm áo gạo tiền, chuyện gia đình lục đục đều khiến trẻ cảm thấy căng thẳng vì bất lực, muốn giúp đỡ gia đình nhưng lại không biết làm thế nào.
Lịch trình quá dày đặc
Việc liên tục tham gia hết hoạt động này đến hoạt động khác và không có nhiều thời gian nghỉ ngơi cũng khiến trẻ rất mệt mỏi và bị áp lực.
Áp lực “phiếu bé ngoan”
Rất nhiều trẻ cảm thấy lo lắng do quá mong muốn phải làm mọi việc ở trường thật tốt, chẳng hạn phải được phiếu bé ngoan, được cô khen… Những trẻ có tâm lý lo sợ mắc lỗi, hoặc sợ mình không đủ giỏi giang thì thường bị áp lực kiểu này.
Khó hòa đồng với bạn bè
Khi đi học mẫu giáo, trẻ thường muốn được các bạn quý mến. Vì vậy, trẻ có thể phải chịu áp lực khi cố gắng hòa nhập, và sẽ thấy rất khổ sở khi không được đón nhận.
Trẻ bị bắt nạt
Những dấu hiệu của việc trẻ bị bắt nạt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng dù bị bắt nạt theo kiểu nào thì trẻ cũng thường cảm thấy xấu hổ, sợ hãi vì mình là đối tượng bị nhắm tới. Trẻ có thể sẽ không nói với bố mẹ hoặc giáo viên vì sợ mọi người cho rằng mình yếu đuối.
Những sự kiện thảm khốc
Những bản tin và hình ảnh về thảm họa thiên nhiên, khủng bố, và bạo lực có thể khiến trẻ thấy rất khủng khiếp. Từ đó, trẻ lo lắng rằng có điều xấu sẽ xảy ra với những người mà mình yêu quý.
Phim hoặc sách truyện kinh dị
Những cảnh đáng sợ, bạo lực hoặc buồn bã trên phim ảnh hoặc trong sách đều có thể ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Một số trẻ rất nhạy cảm trước những nội dung trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, bố mẹ nên để ý đến những vấn đề thường khiến trẻ lo lắng, sợ hãi, để hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những nội dung đó nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận