Trẻ mẫu giáo bị bắt nạt (phần 1): Bố mẹ nên chia sẻ với con thế nào?

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 31/10/2019

Khi trẻ bị bắt nạt thì việc đầu tiên bố mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và trò chuyện một cách tinh tế để chia sẻ với con.

Trẻ bị bắt nạt sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và trở nên kém tự tin. Vì vậy, nếu khi trẻ đi mẫu giáo mà bị bạn bắt nạt, điều trẻ cần sẽ là rất nhiều tình yêu thương và sự động viên của bố mẹ. Vậy bố mẹ nên trò chuyện với con bằng cách nào để con cảm thấy nhẹ nhõm hơn và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu thêm nhé!

Cách trò chuyện với trẻ

Trước khi thông báo với giáo viên và nhà trường, bố mẹ sẽ cần nói chuyện thật rõ ràng với trẻ đã. Để trẻ kể đủ và kể rõ, bố mẹ nên lưu ý những cách sau đây:

Lắng nghe

Bố mẹ nên chọn một nơi yên tĩnh để nói chuyện với con, và hoàn toàn chú ý đến con. Trong lúc trò chuyện, hãy đặt những câu hỏi đơn giản và lắng nghe con trả lời. Bố mẹ cũng có thể đặt những câu hỏi mở như: “Điều gì xảy ra sau đó hả con?” hoặc “Sau đó con đã làm gì?” để khích lệ trẻ mạnh dạn chia sẻ.

Giữ bình tĩnh

Đây là cơ hội để bố mẹ cho trẻ thấy cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, nếu bố mẹ đang quá tức giận hoặc lo lắng thì hãy chờ tới lúc mình thật sự bình tĩnh rồi hãy nói chuyện với con về vụ việc.

Tre Mau Giao Bi Bat Nat 4
Bố mẹ nên bình tĩnh và lắng nghe con nhé!

Tóm tắt lại câu chuyện của trẻ

Bố mẹ có thể tóm gọn lại vấn đề để trẻ cũng như bản thân bố mẹ nắm chắc được tình hình. Ví dụ: “Vậy là, con đang ngồi chơi với bạn gấu Lisa. Thế rồi bạn Linh tới giật gấu của con và ném đi, đúng không con?”.

Tôn trọng cảm xúc của con

Hãy giúp trẻ hiểu rằng, con không vui vì bị bắt nạt là hết sức bình thường. Bố mẹ nên thể hiện sự đồng cảm bằng cách nói: “Thảo nào mà con buồn thế. Nếu là bố mẹ, bố mẹ cũng thấy buồn”.

Giải thích rằng đó không phải lỗi của con

Bố mẹ có thể nói: “Không phải vì con nhỏ hơn bạn mà bạn bắt nạt con đâu. Có thể hôm nay Linh bực bội từ trước đó rồi nên mới xấu tính như thế. Nhưng dù sao, bạn làm như vậy cũng là không thể chấp nhận được!”.

Cách thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ trẻ

Công nhận vấn đề của con

Bố mẹ có thể nói: “Cách bạn đối xử với con là rất tệ và không chấp nhận được!”.

Khen ngợi con

Việc kể với bố mẹ về chuyện bị bắt nạt vốn không phải là dễ dàng đối với trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy khen ngợi và động viên để trẻ mạnh dạn chia sẻ khi gặp bất cứ vấn đề gì. Ví dụ: “Bố mẹ thấy rất mừng vì con đã nói cho bố mẹ biết về chuyện này”.

Khẳng định rằng bố mẹ sẽ giúp đỡ con

Bố mẹ cũng có thể cùng thảo luận với con về những cách mà mọi người có thể cùng nhau làm để cải thiện tình hình.

Tránh những lời nói vô tình

Bố mẹ nên chú ý lựa chọn từ ngữ khi trò chuyện với trẻ để tránh làm trẻ tổn thương thêm. Đặc biệt, nên tránh những câu có tác động tiêu cực như: “Con phải tự chống lại chứ!” hay “Tội nghiệp con, thôi từ sau ở nhà đi, không đến lớp nữa”.

Tre Bat Nat Ban Phan 2 3
Bố mẹ hãy khen ngợi con vì đã dũng cảm chia sẻ và động viên con tiếp tục mở lòng thêm nhé!

Cách giải thích cho trẻ về hành vi bắt nạt

Việc giải thích cho trẻ hiểu thêm về hành vi của kẻ bắt nạt có thể giúp trẻ hiểu rằng, chuyện này xảy ra không phải do lỗi của mình. Bố mẹ có thể nói với trẻ rằng, đôi khi, kẻ bắt nạt chỉ:

  • Bắt nạt bạn do bắt chước người khác, chứ không biết như vậy là sai trái.
  • Không biết cách cư xử tử tế với người khác.
  • Có vấn đề gì đó trong cuộc sống riêng và nghĩ rằng, nếu làm cho người khác khổ sở như mình thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Tre Mau Giao Bi Bat Nat 2
Bố mẹ hãy giải thích cho con về hành vi của kẻ bắt nạt, để con hiểu rằng đó không phải là lỗi của con nhé!

Cách hỏi thăm trẻ hằng ngày

Trẻ rất cần nhận được sự quan tâm, chú ý và yêu thương của bố mẹ mỗi ngày. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con. Hoặc dành riêng một khoảng thời gian trong ngày chỉ để nói chuyện với con thôi. Bố mẹ nên hỏi con về những chuyện vui buồn mà con đã trải qua trong ngày, như: “Hôm nay, chuyện gì khiến con vui nhất?”, thay vì chỉ hỏi về chuyện con bị bắt nạt nhé!

>>>Tham khảo thêm: Trẻ mẫu giáo bị bắt nạt (phần 2): Bố mẹ nên có những hành động gì?

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận