Trẻ mẫu giáo bị bắt nạt (phần 2): Bố mẹ nên có những hành động gì?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 01/11/2019
Ngoài việc chia sẻ với con, bố mẹ nên tìm cách phối hợp với nhà trường để xử lý tình trạng bắt nạt học đường nhé!
Ngoài việc lắng nghe và chia sẻ với trẻ, bố mẹ cũng cần hướng dẫn con những cách để tránh bị bắt nạt, cũng như làm việc với giáo viên để tìm giải pháp cho tình trạng này. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu thêm nhé!
Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ làm những gì nếu bị bắt nạt?
Hãy can thiệp ngay khi con bị bắt nạt, để con học được cách giải quyết các rắc rối, cũng như đối mặt và xử lý các hành vi xã hội tiêu cực trong tương lai.
Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc dưới đây, và giải thích đầy đủ về những việc đó:
- Yêu cầu kẻ bắt nạt dừng lại: Hướng dẫn con cách giao tiếp quyết đoán và bình tĩnh, để kẻ bắt nạt biết rằng những việc mình đang làm là vô ích.
- Chơi ở chỗ đông bạn bè: Khi trẻ ở cùng một nhóm bạn thân thì kẻ bắt nạt thường sẽ không quấy rầy trẻ.
- Nhờ bạn bè giúp đỡ: Những trẻ khác có thể hiểu và sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Những kẻ bắt nạt sẽ ít gây gổ hơn nếu thấy trẻ có bạn bè hỗ trợ.
- Báo với giáo viên: Giáo viên có thể giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách khéo léo mà không để cho kẻ bắt nạt biết.
Bố mẹ nên trao đổi với giáo viên như thế nào?
Khi trẻ bị bắt nạt ở trường, bố mẹ hãy nhanh chóng tìm sự hỗ trợ từ phía nhà trường. Bởi các giáo viên thường đã được đào tạo để nhận biết, xử lý các hành vi bắt nạt. Và họ có thể phối hợp với bố mẹ để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn. Bố mẹ cũng nên nói với trẻ là đã thông báo với giáo viên, để trẻ an tâm hơn.
Khi trao đổi với giáo viên, bố mẹ nên:
- Sắp xếp thời gian để nói chuyện riêng với giáo viên.
- Bình tĩnh nêu ra vấn đề và coi đây là việc mà cả bố mẹ và giáo viên cần tìm cách xử lý. Ví dụ: “Cháu Hiền kể với tôi là bạn Linh đẩy cháu ngã, rồi bảo các bạn hít-le cháu. Hiền bây giờ rất sợ và buồn, nên tôi muốn cô giáo giúp tìm hiểu xem có vấn đề gì và chúng ta nên làm thế nào”.
- Lắng nghe giáo viên chia sẻ về quan điểm của họ. Và hỏi xem nhà trường đang dạy học sinh thế nào về các cảm xúc của trẻ, cũng cách đối xử với người khác.
- Hãy thể hiện thái độ nghiêm túc, nhưng không tức giận hoặc kết tội. Ví dụ: “Tôi hiểu là trẻ con hay đùa giỡn. Nhưng tôi cho rằng hành động của cháu Linh không phải là đùa, mà nghiêm trọng hơn nhiều”.
- Bố mẹ hãy cố gắng cùng giáo viên đưa ra kế hoạch cụ thể để kiểm soát tình hình. Ví dụ: “Mong cô giáo giúp tôi nói chuyện với các thầy cô khác về vấn đề này để họ cùng quan sát khi các cháu chơi với nhau. Sau đó chúng ta sẽ bàn lại vào tuần sau nhé!”.
- Giữ liên lạc với giáo viên để có thể cập nhật tình hình của trẻ.
Bố mẹ không nên vội vàng liên lạc ngay với phụ huynh của kẻ bắt nạt. Vì điều này có thể làm cho tình hình thêm căng thẳng. Việc trao đổi với giáo viên sẽ hợp lý và hiệu quả hơn nhiều.
Bố mẹ nên làm gì nếu việc bắt nạt vẫn tiếp diễn?
Nếu đã bàn bạc với giáo viên nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề, thì bố mẹ hãy thử thêm các cách sau đây:
- Ghi lại đầy đủ những chuyện đã xảy ra, bao gồm cả ngày giờ. Nếu kẻ bắt nạt gây ra những tổn thương về thể chất hay phá hoại đồ dùng của trẻ, bố mẹ nên chụp ảnh lại.
- Gửi văn bản thông báo cho giáo viên về tình trạng bắt nạt (vẫn tiếp diễn) và yêu cầu giáo viên phản hồi bằng văn bản.
- Nếu tình hình không được cải thiện, bố mẹ hãy trò chuyện với ban giám hiệu nhà trường. Sau đó, bố mẹ có thể gửi đơn khiếu nại nếu nhà trường không có biện pháp phù hợp.
Để thay đổi được hành vi của trẻ nói chung và kẻ bắt nạt nói riêng sẽ cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bố mẹ nên cân nhắc tìm trường mới cho con nếu nhà trường hiện tại không làm tròn bổn phận và để cho tình trạng bắt nạt tiếp diễn. Vì trẻ xứng đáng được phát triển trong một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.
>>>Tham khảo thêm: Trẻ mẫu giáo bị bắt nạt (phần 1): Bố mẹ nên chia sẻ với con thế nào?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận