Mọi điều bố mẹ cần biết về quá trình phát triển bản thân của trẻ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 06/09/2019

Trong giai đoạn định hình tính cách và phong cách cá nhân, trẻ sẽ gặp khá nhiều thách thức. Vậy bố mẹ có thể làm gì để giúp đỡ và định hướng cho trẻ?

Khi còn rất nhỏ, trẻ dành nhiều thời gian để khám phá mọi thứ xung quanh. Nhưng lớn lên một chút, trẻ lại tập trung nhiều hơn vào bản thân mình. Đây là giai đoạn trẻ định hình tính khí và phát triển bản thân. Lúc này, trẻ bắt đầu học cách phân biệt và phát triển cảm xúc cá nhân, cũng như dần nhận thức được về cái tôi của mình. Để hiểu hơn về quá trình này, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Qua Trinh Phat Trien Ban Than Cua Tre 1
Đây là giai đoạn trẻ định hình tính khí và phát triển bản thân

Những biểu hiện của sự phát triển bản thân ở trẻ trong giai đoạn này

  • Học cách gọi tên và thể hiện cảm xúc như: vui mừng, tức giận, sợ hãi, buồn bã.
  • Rất tò mò và mê khám phá.
  • Có nhận thức về giới tính.
  • Nhận thức nhiều hơn về cảm xúc của người khác.
  • Thích dùng từ “không” (kể cả khi muốn nói “có”).
  • Thích thách thức các giới hạn nhưng thường chấp nhận chúng.
  • Khó kiểm soát những cảm xúc nặng nề như giận dữ và buồn bực.
  • Có thể có những cơn giận dữ.
  • Biết lựa chọn (sách để đọc, quần áo để mặc…).
  • Làm vài việc nhà đơn giản như dọn đồ chơi, cho quần áo bẩn vào chậu...
  • Tự hào về bản thân, về cơ thể và những việc mình có thể làm được, như chạy, nhảy, leo trèo… (3-4 tuổi).
  • Khi trẻ 4 tuổi: Học những kỹ năng cơ bản như: vẽ, phân loại, tập đếm, học chữ cái và số, sẵn sàng cho việc đi học.

Qua Trinh Phat Trien Ban Than Cua Tre 2
Trong giai đoạn này trẻ rất tò mò và mê khám phá

Những việc bố mẹ nên làm để giúp trẻ phát triển bản thân

  • Chấp nhận và hỗ trợ tính cách và phong cách đang trong quá trình phát triển của trẻ.
  • Giúp trẻ gọi tên cảm xúc và chia sẻ về cảm xúc của mình.
  • Khen ngợi những hành vi tốt và nỗ lực của trẻ; mỉm cười và ôm trẻ.
  • Nói về những điều bố mẹ và trẻ có thể làm cùng nhau; giúp trẻ định nghĩa những gì trẻ nghe thấy, nhìn thấy và thực hiện.
  • Để trẻ tự đưa ra quyết định trong việc chọn đồ ăn vặt, quần áo, sách và thời gian chơi.
  • Cho trẻ không gian tự do khám phá an toàn trong khi bố mẹ ở gần bên trẻ.
  • Đặt ra những giới hạn an toàn cho trẻ.
  • Giúp trẻ xử lý cơn tức giận và những cảm xúc mạnh. Đồng thời, bố mẹ cũng nên tìm hiểu xem điều gì sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại (chẳng hạn như ôm trẻ, tâm sự nhẹ nhàng, phân tán sự chú ý).
  • Kỷ luật trẻ một cách nhẹ nhàng, từ tốn.
  • Chỉ nên mong đợi những hành động phù hợp với tuổi và khả năng của trẻ.
  • Khuyến khích trẻ sống tốt bụng và biết giúp đỡ người khác.

Qua Trinh Phat Trien Ban Than Cua Tre 3
Bố mẹ nên cho trẻ không gian tự do khám phá an toàn trong khi bố mẹ ở gần bên trẻ

Khi nào thì bố mẹ cần tìm sự giúp đỡ?

Bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ:

  • Gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc.
  • Không có hứng thú làm mọi việc cho bản thân hay học các kỹ năng mới.
  • Luôn chìm đắm trong thế giới riêng của mình (ít khi giao tiếp bằng mắt, lặp lại hành động rung lắc người, ít hứng thú với mọi người và đồ chơi)
  • Không thể tự bình tĩnh sau vài phút hoặc có những cơn giận dữ thái quá.
  • Quá bướng bỉnh so với các bạn cùng trang lứa.
  • Dễ chán nản hoặc tức giận khi thử làm những việc đơn giản phù hợp với độ tuổi.
  • Không thể chờ đợi một vài phút khi đang muốn một thứ gì đó (3 tuổi).
  • Không thể tập trung hay hoàn thành những hoạt động cụ thể (3-4 tuổi).
  • Thường xuyên từ chối làm những việc đơn giản bố mẹ yêu cầu.
  • Đánh, cắn, tấn công người khác.
  • Phá đồ chơi và các vật dụng xung quanh.

Qua Trinh Phat Trien Ban Than Cua Tre 4
Bố mẹ nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia khi trẻ không thể tự bình tĩnh sau vài phút hoặc có những cơn giận dữ thái quá

Hoặc bố mẹ cũng cần được tư vấn, nếu bố mẹ:

  • Gặp khó khăn trong việc bắt kịp nhu cầu và hoạt động của trẻ.
  • Cần lời khuyên cho việc đưa ra giới hạn an toàn, các luật lệ đơn giản và cách áp dụng những điều đó.
  • Gặp khó khăn trong việc xử lý cơn giận dữ của trẻ cũng như của bản thân.
  • Cần lời khuyên để đối phó với những cơn tức giận của trẻ.

>>>Tham khảo thêm: Những cơn cáu giận của trẻ dưới góc nhìn khoa học

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận