Loại bỏ đặc quyền - phương pháp kỷ luật lành mạnh đối với trẻ
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 28/11/2019
“Loại bỏ đặc quyền” là biện pháp có thể làm giảm hoặc chấm dứt hành vi tiêu cực của trẻ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về phương pháp kỷ luật hiệu quả này nhé!
Đặc quyền khác với quyền lợi. Đặc quyền chỉ những điều trẻ ưa thích, còn quyền lợi là những điều trẻ cần. Ví dụ, trẻ có quyền được ăn uống, được bố mẹ yêu thương, chăm sóc; còn việc được sang nhà bạn chơi là một đặc quyền. Bố mẹ có thể loại bỏ đặc quyền của trẻ khi trẻ có hành vi chưa tốt, chứ không nên loại bỏ quyền lợi của trẻ nhé!
Phương pháp “loại bỏ đặc quyền” là gì?
“Loại bỏ đặc quyền” cũng chính là một cách áp dụng hệ quả để trẻ hiểu được rằng chuyện gì sẽ xảy ra sau mỗi hành động nhất định. Ví dụ, nếu trẻ cứ cãi cọ với em mình để tranh giành xem tivi thì bố mẹ có thể tắt tivi trong 30 phút.
Bởi vì trẻ không muốn đánh mất đặc quyền của mình, tức là những thứ mà mình thích. Vì thế nên phương pháp này có thể khiến trẻ thay đổi hành vi. Từ đó, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với hành động của mình. Trẻ cũng sẽ dễ đạt được những thành công ngắn hạn (ví dụ, làm đúng nội quy của trường) và dài hạn (giữ được kỷ luật tốt trong mọi việc).
Dù sao, bố mẹ cũng cần nhớ rằng, chính thái độ tích cực và tình thương yêu của bố mẹ mới là nền tảng giúp trẻ cư xử tốt. Vì vậy, phương pháp “loại bỏ đặc quyền” nên được sử dụng đồng thời với phương pháp khích lệ hành vi tốt đẹp để điều chỉnh và định hướng cách hành xử của trẻ. Bởi vì mỗi khi bố mẹ khen ngợi hành động tốt của trẻ thì trẻ sẽ muốn lặp lại hành động đó nhiều lần nữa.
Khi nào bố mẹ nên dùng phương pháp này?
“Loại bỏ đặc quyền” được dùng trong những trường hợp hành vi của trẻ không dẫn đến hệ quả tự nhiên, hoặc được dùng để hỗ trợ cho các hệ quả khác. Đặc quyền bị loại bỏ không nhất thiết phải có liên quan tới hành vi của trẻ. Nhưng bố mẹ cũng nên giải thích rõ để trẻ hiểu tại sao mình lại phải nhận hậu quả này.
Ví dụ: Bố mẹ nhắc nhở trẻ dọn dẹp góc chơi của mình nhưng trẻ không làm. Hệ quả tự nhiên có thể là trẻ sẽ không tìm thấy món đồ chơi ưa thích. Nếu trẻ tiếp tục bày bừa ra và không dọn, thì bố mẹ có thể loại bỏ đặc quyền được xem tivi buổi tối của trẻ.
Phương pháp loại bỏ đặc quyền sẽ hiệu quả hơn với trẻ trên 4 tuổi. Bởi vì lúc này, trẻ mới có đủ nhận thức để hiểu được rằng hệ quả chính là thứ mình nhận được sau những hành vi chưa tốt của mình.
Xem thêm: Làm thế nào để thưc hiện phương pháp tác động tới đặc quyền của trẻ cho hợp lý?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận