Loại bỏ đặc quyền của trẻ như thế nào là hợp lý và hiệu quả?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 29/11/2019
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách sử dụng phương pháp loại bỏ đặc quyền thật hợp lý, nhằm điều chỉnh hành vi của trẻ một cách hiệu quả nhé!
“Loại bỏ đặc quyền” là một cách áp dụng hệ quả để trẻ hiểu được rằng chuyện gì sẽ xảy ra sau mỗi hành động nhất định của mình. Nhờ vậy, bố mẹ có thể giúp trẻ cư xử tốt hơn và hạn chế được những hành vi tiêu cực. Từ đó, trẻ cũng có trách nhiệm hơn, dễ dàng đạt được thành công hơn trong cuộc sống.
5 bước để thực hiện hiệu quả biện pháp loại bỏ đặc quyền
- Lựa chọn (những) đặc quyền của trẻ mà bố mẹ dự định sẽ loại bỏ nếu trẻ có hành vi không tốt.
- Cảnh báo trước khi loại bỏ đặc quyền của trẻ. Ví dụ: “Linh ơi, con dọn đồ chơi đi, không thì sau đây mẹ sẽ không chơi nhảy dây với con đâu!”. Nhưng nếu trẻ có hành vi nguy hiểm hoặc hung hãn, như đánh bạn hoặc lao xuống đường, thì bố mẹ phải can thiệp ngay, không cần cảnh báo.
- Sau khi bố mẹ nhắc, nếu trẻ ngừng hành vi chưa tốt thì bố mẹ hãy nhẹ nhàng khen ngợi trẻ. Đồng thời, bố mẹ nên chú ý và tiếp tục khen khi trẻ có cách cư xử khiến bố mẹ hài lòng. Ví dụ: “Linh ơi, bố mẹ rất vui khi con biết tự giác dọn phòng đấy!”.
- Nếu bố mẹ đã cảnh báo mà trẻ vẫn không dừng hành vi chưa tốt, bố mẹ hãy đợi một chút (khoảng 15 giây) rồi thực hiện đúng điều mình đã nói. Ví dụ: “Linh ơi, vì con không chịu dọn phòng nên hôm nay chúng ta sẽ không chơi nhảy dây nhé!”.
- Nếu trẻ vẫn tiếp tục cư xử không đúng mực, bố mẹ có thể tiếp tục loại bỏ đặc quyền khác của trẻ hoặc sử dụng phương pháp “cách ly tạm thời” (time-out).
Một số đặc quyền mà bố mẹ có thể loại bỏ khi trẻ có hành vi không tốt:
- Món đồ chơi hoặc trò chơi mà trẻ thích.
- Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như: tivi, trò chơi điện tử, máy tính, iPad, điện thoại…
- Cơ hội được sang nhà bạn chơi hoặc đi dự tiệc (sinh nhật, liên hoan).
- Hoạt động ngoại khóa (tham quan hoặc học thêm những bộ môn trẻ yêu thích).
Những bí quyết trong việc loại bỏ đặc quyền
- Hãy đảm bảo rằng đặc quyền mà bố mẹ lựa chọn là hợp lý và việc loại bỏ nó cũng là khả thi. Ví dụ: “Không được xem tivi suốt một tháng” sẽ là một lựa chọn quá khắc nghiệt và cũng rất khó thực hiện.
- Đưa ra giới hạn thời gian rõ ràng, cụ thể khi loại bỏ đặc quyền của trẻ. Ví dụ: “Con không được ném bóng trong nhà nhé, nếu con vẫn ném là mẹ sẽ cất quả bóng đi trong cả ngày hôm nay đấy!”.
- Trao đổi với trẻ về những quy tắc trong gia đình và những hệ quả có thể xảy ra nếu trẻ vi phạm. Ví dụ: “Chúng ta không được đánh người khác. Nếu con đánh người khác thì con sẽ không được đi bơi trong tuần đó!”. Bố mẹ cũng có thể viết hoặc vẽ một bảng quy tắc dễ hiểu, kèm theo hệ quả, và dán ở nơi dễ thấy trong nhà (cánh tủ lạnh, gần bàn ăn…).
- Khi lựa chọn đặc quyền, bố mẹ hãy tính trước mức độ ảnh hưởng của việc loại bỏ nó. Ví dụ, nếu bố mẹ không cho phép con đi đá bóng cùng đội tuyển của lớp thì sẽ ảnh hưởng đến cả đội bóng; còn nếu bố mẹ không cho phép con xem tivi suốt một buổi thì thậm chí lại tốt cho con.
- Kiên định trong hành động, không nên thấy con buồn bã mà nhượng bộ và trả lại đặc quyền cho con. Bởi chỉ có sự kiên định, nhất quán của bố mẹ mới giúp trẻ phân biệt được đúng - sai và điều chỉnh được cách cư xử của mình.
Xem thêm: Kỷ luật lành mạnh khi tác động vào đặc quyền của trẻ như thế nào?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận