Bố mẹ nên làm gì khi trẻ hỏi những vấn đề nhạy cảm?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 07/10/2019
Những câu hỏi nhạy cảm của trẻ đôi khi khiến bố mẹ lúng túng, nhưng nếu bố mẹ thẳng thắn chia sẻ thì sẽ có ích hơn cho quá trình phát triển của trẻ cả ở hiện tại và tương lai.
Việc bố mẹ nói về những chủ đề nhạy cảm là rất quan trọng đối với quá trình phát triển cảm xúc của trẻ, vừa cho trẻ có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống, vừa để bố mẹ có cơ hội giải thích rõ hơn với con. Từ đó, trẻ được thể hiện và xử lý cảm xúc của mình, giảm bớt những căng thẳng thái quá. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách chia sẻ với trẻ sao cho hiệu quả nhé!
Bố mẹ nên chia sẻ với trẻ về những chủ đề khó nói
Những vấn đề khó nói như bố mẹ ly hôn, ốm đau bệnh tật, cái chết, tình dục, thảm họa thiên nhiên... đều là một phần của cuộc sống. Việc nói về chúng cũng chính là cách để bố mẹ giúp trẻ đối diện với những khó khăn trong cuộc đời.
Không những vậy, khi bố mẹ trò chuyện cởi mở về những chủ đề nhạy cảm, trẻ sẽ hiểu rằng, có chuyện gì mình cũng chia sẻ với bố mẹ được, rằng bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe những băn khoăn lo lắng của mình. Đây chính là nền tảng vững chắc sự giao tiếp giữa bố mẹ và con khi trẻ đến tuổi dậy thì.
Bên cạnh đó, việc cùng nói về những chủ đề khó khăn cũng sẽ giúp củng cố khả năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề và giao tiếp của trẻ, từ đó giúp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, khi nói về những chủ đề nhạy cảm, bố mẹ cũng có cơ hội giải thích về những giá trị và niềm tin quan trọng đối với gia đình mình.
Cách chia sẻ về các chủ đề nhạy cảm tùy theo lứa tuổi
Cách bố mẹ xử lý những chủ đề khó nói nên phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ và cách trẻ nhận thức về thế giới xung quanh.
3 đến 6 tuổi
Trẻ hiểu được sự khác biệt giữa các cảm xúc vui vẻ, buồn bã, sợ hãi hoặc tức giận. Nhưng trẻ rất cần được bố mẹ trấn an, để có thể hiểu được những cảm xúc mới mẻ và phức tạp hơn. Lúc này, trẻ cũng vẫn đang học hỏi về mối liên hệ giữa các khái niệm.
Do đó, khi trò chuyện về những vấn đề nhạy cảm, bố mẹ nên tập trung vào những cảm xúc mà trẻ đã biết và giải thích bằng từ ngữ thật đơn giản. Ví dụ: “Em bé lớn dần lên trong bụng mẹ, ở một chỗ gọi là tử cung”, hoặc: “Bố mẹ rất yêu con. Nhưng bố mẹ nghĩ gia đình chúng ta sẽ vui vẻ hơn nếu bố và mẹ sống ở hai nơi khác nhau”.
6 tuổi trở lên
Trẻ trưởng thành hơn và hiểu được những cảm xúc phức tạp hơn. Tuy nhiên, đôi khi, những cảm xúc mới mẻ vẫn là quá tải đối với trẻ. Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ phát triển mạnh và trẻ tiếp thu những thông tin mới nhanh chóng. Thế giới quan của trẻ của mở rộng, và trẻ có thể bắt gặp những chủ đề nhạy cảm thông qua các thiết bị điện tử hoặc khi nói chuyện với bạn bè ở trường.
Vì vậy, khi chia sẻ về những chủ đề nhạy cảm, bố mẹ có thể nói về những cảm xúc phức tạp hơn và miêu tả chi tiết hơn.
Ví dụ: “Chết nghĩa là không còn sống nữa con ạ. Giống như cây hoa khi chết đi thì nó không lớn lên nữa, cũng không nở hoa được nữa. Hoặc giống như bé cún, khi bé chết đi thì bé không dậy ăn và chơi với mình nữa. Mọi sinh vật sống rồi đều sẽ chết đi, con ạ”.
>>>Tham khảo thêm: 8 lưu ý giúp bố mẹ chia sẻ những vấn đề khó nói với trẻ dễ dàng hơn
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận