Điều chỉnh hành vi của trẻ bằng cách trao sự chú ý cho trẻ
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 20/10/2020
Bố mẹ có thể điều chỉnh hành vi của trẻ và định hướng lối cư xử tử tế, tốt đẹp cho trẻ nếu biết cách trao sự chú ý cho trẻ vào đúng thời điểm.
Đối với trẻ, sự chú ý và công nhận của bố mẹ giống như một phần thưởng, một món quà về mặt tinh thần. Thế nên, khi hành động của trẻ được bố mẹ để ý và công nhận, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại hành động đó nhiều hơn. Chính vì lý do này, bố mẹ có thể điều chỉnh hành vi của trẻ chỉ bằng cách điều chỉnh sự chú ý của mình tới trẻ.
Phương pháp này được thực hiện cụ thể thế nào, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Tại sao sự chú ý của bố mẹ lại có ảnh hưởng tới hành vi của trẻ?
Mỗi khi bố mẹ dành sự chú ý của mình tới một hành động nào đó của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy rằng nếu mình hành xử theo cách đó thì sẽ khiến cho bố mẹ cảm thấy thú vị và hài lòng. Thế nên, nếu bố mẹ biết sử dụng sự chú ý của mình đúng cách thì hoàn toàn có thể khích lệ được những hành vi mà bố mẹ mong muốn trẻ thực hiện.
Điều đó có nghĩa là bố mẹ cần kiểm soát sự chú ý của mình tùy theo hành vi của trẻ. Hãy dành sự chú ý cho trẻ khi trẻ có hành động tử tế, tốt đẹp. Và ngược lại, khi trẻ có hành vi chưa tốt, bố mẹ càng hạn chế sự chú ý thì càng giúp hạn chế được hành vi này của trẻ trong tương lai.
Cách điều chỉnh hành vi của trẻ bằng việc trao sự chú ý cho trẻ
Để trao sự chú ý của mình cho trẻ đúng cách và có hiệu quả, mỗi khi trẻ có hành động tử tế, tốt đẹp thì bố mẹ hãy thể hiện cho trẻ biết rằng mình đang quan sát và cảm thấy rất hài lòng. Để cho trẻ hiểu được tín hiệu đó, bố mẹ có thể sử dụng những cách dưới đây:
- Khen ngợi trẻ đúng cách - ví dụ: khi trẻ biết chào hỏi người lớn, bố mẹ hãy khen trẻ rằng “Con ngoan/lễ phép lắm!”;
- Khích lệ trẻ - ví dụ: Khi trẻ đang tập vẽ và tô màu tranh, bố mẹ có thể khích lệ trẻ “Con cố gắng lên nhé!”;
- Sử dụng những cử chỉ thể hiện tình cảm và sự khích lệ - ví dụ: Bố mẹ có thể ôm trẻ khi trẻ có biểu hiện tốt hoặc giơ ngón tay cái (để khen trẻ) khi con tự chơi ngoan lúc bố mẹ bận nghe điện thoại;
- Chủ động lắng nghe trẻ - ví dụ: bố mẹ nên chủ động lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của mình khi trẻ nói chuyện với bố mẹ bằng giọng nói nhỏ nhẹ, bình tĩnh, thái độ đúng mực thay vì la hét.
Điều chỉnh hành vi của trẻ bằng cách trao cho trẻ sự chú ý chỉ có hiệu quả khi bố mẹ áp dụng phương pháp này thường xuyên và ở bất cứ mọi nơi. Mục đích của việc thực hiện phương pháp này chính là để xác định cho trẻ những hành vi tốt đẹp cần được phát huy dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh và địa điểm nào, đồng thời tạo thói quen hành động tử tế cho trẻ từ trong tiềm thức.
Những lời khen ngợi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ cải thiện hành vi hoặc kỹ năng mới học. Bố mẹ có thể khen ngợi những nỗ lực của trẻ chứ không cần chờ tới khi trẻ thành công, điều này khích lệ tinh thần và tạo động lực lớn cho trẻ để hoàn thành mục tiêu của mình.
Và có một quy tắc bố mẹ nên lưu ý, đó là cứ “6 lần khen ngợi mới tới 1 lần nhắc nhở chỉnh đốn” để luôn hướng tới sự tích cực trong quá trình điều chỉnh hành vi.
Trao sự chú ý cho trẻ mỗi ngày
Khi bố mẹ đã quen với việc dành sự quan tâm chú ý tích cực tới trẻ thì điều đó cũng giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ trở nên gắn bó hơn, đó cũng chính là nền tảng để nuôi dưỡng những hành vi tốt đẹp ở trẻ. Để xây dựng được mối quan hệ đầy tình thương yêu ấy, bố mẹ có thể tham khảo thực hiện những điều dưới đây:
- Tôn trọng ý muốn của trẻ: Hãy để ý tới những thứ khiến cho trẻ cảm thấy hứng thú như những bông hoa xinh xắn trong vườn, đàn kiến đang bò trên vỉa hè, những gói kẹo đầy màu sắc trong siêu thị,... Trẻ nhỏ rất tò mò và dễ bị cuốn theo những thứ khiến cho trẻ cảm thấy thú vị, thế nên bố mẹ hãy thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách để cho con có thêm thời gian để tận hưởng những điều đó, thay vì cứ giục giã con phải nhanh chóng kết thúc niềm vui nho nhỏ của mình để chuyển sang những hoạt động tiếp theo một cách máy móc. Trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng khi bố mẹ chú ý tới những điều mà trẻ quan tâm.
- Cho trẻ quyền lựa chọn và quyết định: Khi bố mẹ dành thời gian thư giãn cùng trẻ, hãy để cho trẻ quyền lựa chọn trò chơi hoặc hoạt động mà trẻ ưa thích. Điều này khiến trẻ cảm thấy rằng những điều mà trẻ quan tâm được bố mẹ coi trọng, đồng thời trẻ cũng cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình và cảm thấy tự tin hơn.
- Gần gũi bên trẻ: Bố mẹ nên ở gần cạnh bên trẻ thay vì quan sát con từ khoảng cách xa. Ở gần trẻ, bố mẹ mới có cơ hội thể hiện tình cảm cũng như giao tiếp qua từng cử chỉ và ánh mắt nhiều hơn.
- Nhận xét, bình luận về việc mà trẻ đang làm: Bố mẹ có thể nhận xét “Bạn bọ rùa con đang ngắm trông xinh nhỉ?” hoặc “Con thích cái xe tải màu vàng đó đúng không?”. Những lời nhận xét này khiến trẻ hiểu rằng bố mẹ thực sự chú ý và có hứng thú với những điều mà trẻ quan tâm. Thông qua đó, bố mẹ có thể xây dựng lòng tin của trẻ, giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ trở nên gắn bó khăng khít, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn.
ODPHUB hy vọng rằng bài viết này có thể giúp bố mẹ điều chỉnh hành vi của trẻ và định hướng cho trẻ lối cư xử tốt đẹp chỉ bằng cách trao sự chú ý cho trẻ đúng lúc, đúng chỗ, đồng thời giúp cho mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ có kết nối sâu sắc, bền chặt hơn.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận