Trẻ bị căng thẳng: 6 điều bố mẹ nên làm để giúp trẻ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 05/12/2019

Sau khi tìm ra nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu những cách giúp trẻ bớt lo lắng nhé!

Khi trẻ có thái độ và hành vi khác với bình thường, bố mẹ hãy chú ý lắng nghe và quan sát trẻ. Nhờ vậy, bố mẹ có thể dễ dàng tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị căng thẳng. Và sau đây là 6 cách để bố mẹ giúp trẻ bớt căng thẳng nhé:

Giữ bình tĩnh và tiếp tục làm những việc cần làm

Khi trẻ căng thẳng thì điều đầu tiên bố mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và công nhận cảm xúc của trẻ. Bố mẹ nên nói nhẹ nhàng với trẻ rằng bố mẹ rất hiểu cảm giác của trẻ. Và bố mẹ có thể khẳng định chắc chắn sẽ không có chuyện gì tồi tệ xảy ra khi bố mẹ không ở bên (nếu trẻ sợ bị xa cách). Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần thể hiện rõ ràng rằng, bố mẹ sẽ không thay đổi những việc cần làm.

Ví dụ, nếu trẻ bị căng thẳng và không muốn tới trường, bố mẹ có thể nói: “Bố mẹ hiểu rằng con đang lo lắng và con không muốn đi đâu hết”. Sau đó, bố mẹ cứ thực hiện những thói quen hằng ngày của gia đình rồi đưa trẻ đi học như dự định.

Me Binh Tinh Khi Tre Bi Cang Thang 2
Hãy giữ bình tĩnh để không tạo thêm áp lực cho trẻ bố mẹ nhé!

Giữ đúng lịch sinh hoạt

Bố mẹ hãy cố gắng duy trì những thói quen hằng ngày của trẻ như đi học, ăn uống, chuẩn bị đi ngủ… Những thói quen ổn định giúp trẻ cảm thấy rằng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của mình. Nhờ đó, trẻ sẽ cảm thấy bình tĩnh, yên tâm. Việc cho trẻ đi ngủ đúng giờ là vô cùng quan trọng, vì trẻ mà mệt thì sẽ dễ căng thẳng hơn.

Tóm lại, bố mẹ nên đảm bảo cho trẻ ngủ trưa và ngủ đêm đầy đủ, ăn uống lành mạnh, vận động đều đặn.

Một số thay đổi như việc tập đi vệ sinh hoặc ngủ riêng có thể làm đảo lộn những thói quen sinh hoạt của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ bị căng thẳng về những điều này, bố mẹ có thể hoãn lại một chút, chờ đến khi trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Tre Bi Cang Thang Giu Dung Lich Sinh Hoat Se Tot H
Đảm bảo rằng thói quen sinh hoạt của trẻ không bị đảo lộn cũng là điều rất cần thiết để giữ ổn định tâm lý cho trẻ.

Phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Bố mẹ nên xây dựng lịch sinh hoạt phù hợp để trẻ có đủ những khoảng thời gian nghỉ giải lao, ngủ trưa, hoặc chuẩn bị trước cho các hoạt động.

Trẻ sống “chậm” hơn người lớn nhiều và thường không mấy bận tâm rằng mình sẽ làm những gì tiếp theo. Vì vậy, bố mẹ hãy chỉ tập trung vào những việc cần ưu tiên thôi chứ đừng xếp lịch hoạt động quá kín. Hãy cố gắng “sống chậm” cùng với trẻ để trẻ được tận hưởng thật nhiều khoảnh khắc đặc biệt của tuổi thơ nhé!

Tao Lich Trinh Hop Ly Cho Tre Bi Cang Thang
Lịch trình quá gấp gáp cũng gây mệt mỏi dẫn tới việc trẻ bị căng thẳng. Bố mẹ hãy cùng "sống chậm" một chút với trẻ nhé!

Nghĩ trước về những gì mình sẽ nói và cho trẻ thời gian để xử lý thông tin

Cách bố mẹ nói ra và trả lời những câu hỏi xoay quanh và vấn đề dễ gây căng thẳng có thể giúp trẻ hiểu là mình cần nhìn nhận vấn đề đó thế nào. Tuy nhiên bố mẹ hãy nhớ 1 số quy tắc khi chia sẻ với trẻ, đó là:

  • Chia sẻ thật lòng, từng chút một.
  • Đừng đưa ra quá nhiều thông tin phức tạp khiến trẻ quá tải.

Ví dụ, khi bố mẹ cần thông báo với trẻ về việc một người thân qua đời, hãy nói: “Bố mẹ muốn nói cho con biết một chuyện buồn, đó là bà nội bị ốm nặng, và bà đã mất rồi con ạ”. Nếu trẻ đặt câu hỏi, bố mẹ có thể mô tả sự việc theo hướng giảm nhẹ một chút, hoặc diễn giải tùy theo niềm tin của bố mẹ.

Binh Tinh Giup Tre Bi Cang Thang Hieu Van De 2
Mỗi khi cần nói chuyện với trẻ, bố mẹ hãy chia sẻ thật lòng và nói từng chút một để trẻ có thể theo kịp câu chuyện nhé!

Hoặc nếu bố mẹ muốn giải thích cho trẻ về em bé sắp ra đời, hãy đọc cho trẻ nghe những cuốn sách có nội dung liên quan từ một vài tuần trước khi em bé xuất hiện. Bố mẹ hãy nhấn mạnh vào vai trò của trẻ khi trở thành anh/chị. Bên cạnh đó, hãy cố gắng giữ nguyên các thói quen sinh hoạt của trẻ.

Dù là nói về chuyện gì, bố mẹ cũng nên thể hiện rằng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ luôn là rất quan trọng với bố mẹ.

Kiểm soát việc xem tivi của trẻ

Bố mẹ hãy để ý đến những chương trình tivi mà trẻ có thể xem, dù là vô tình. Ví dụ, khi bố mẹ xem thời sự mà trẻ cũng ngồi cùng, thì trẻ có thể sẽ thấy rất nhiều hình ảnh bạo lực. Do đó, với một số chương trình, bố mẹ chỉ nên xem khi không có mặt trẻ thôi.

Tre Bi Cang Thang Bo Me Can Kiem Soat Tivi 2
Tivi hay bất cứ thiết bị điện tử nào cũng có thể vô tình đem lại những thông tin, hình ảnh không phù hợp khiến trẻ bị căng thẳng.

Ngoài ra, nếu trong nhà có trẻ nhỏ ở các lứa tuổi khác nhau thì bố mẹ cũng nên sắp xếp cho trẻ lớn và trẻ nhỏ xem tivi vào những lúc khác nhau. Hoặc khi có mặt trẻ thì bố mẹ chỉ bật những chương trình an toàn và phù hợp, đảm bảo là trẻ nào cũng xem được.

Ôm hôn trẻ nhiều hơn khi trẻ bị căng thẳng

Khi trải qua những thay đổi, trẻ rất cần được bố mẹ chú ý nhiều hơn. Vì vậy, bố mẹ hãy quan tâm đến trẻ hơn một chút, ôm hôn trẻ nhiều hơn một chút nhé.

Những điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chấp nhận các thay đổi hơn. Cho dù nguyên nhân gây căng thẳng là tích cực hay tiêu cực, thì tình yêu thương của bố mẹ cũng sẽ giúp làm tăng sự tự tin của trẻ. Từ đó, kỹ năng tự kiểm soát và tự điều chỉnh của trẻ cũng được cải thiện. Trẻ sẽ trở nên linh hoạt, kiên cường và dễ thích nghi hơn.

Tre Bi Cang Thang Bo Me Om Hon Tre Nhieu Hon 3
Tình yêu thương chính là liệu pháp chữa lành mọi tổn thương và giúp trẻ tự tin yêu đời hơn!

ODPHUB mong rằng những bí quyết trên có thể giúp trẻ giải tỏa được phần nào những cảm xúc tiêu cực, xua tan đi những lo lắng, căng thẳng để tinh thần của trẻ trở nên khỏe mạnh hơn!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận