Trẻ bị căng thẳng: 5 nguyên nhân phổ biến bố mẹ cần biết
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 04/12/2019
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về những nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng cho trẻ, từ đó cố gắng giảm bớt những sức ép trong tuổi thơ của trẻ nhé!
Tuổi thơ là giai đoạn vô cùng đặc biệt và thú vị. Trẻ liên tục phát triển cả về thể chất, tinh thần và nhận thức. Trẻ rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Vì thế nên trẻ bị căng thẳng khi có quá nhiều thay đổi diễn ra. Để trẻ có thể phát triển lành mạnh và có tâm trạng tích cực, vui vẻ, bố mẹ hãy chú ý giúp trẻ giảm bớt những nỗi căng thẳng, lo âu nhé!
Dấu hiệu cho thấy trẻ bị căng thẳng
Mỗi trẻ có thể có những biểu hiện khác nhau khi trẻ bị căng thẳng. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1 đến 3 tuổi thì kỹ năng ngôn ngữ của trẻ chưa hoàn thiện. Do đó, bố mẹ cũng không thể hỏi kỹ để trẻ trả lời chính xác được. Vì vậy, bố mẹ cần lắng nghe lời nói, quan sát thái độ và để ý đến những hành vi khác với bình thường của trẻ. Từ đó, bố mẹ có thể nhận biết được là trẻ đang căng thẳng hay không.
Sau đây là một số dấu hiệu có thể cho thấy trẻ bị căng thẳng:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt (ăn, ngủ).
- Thay đổi cảm xúc: trẻ có vẻ buồn bã, cáu kỉnh, bám chặt hoặc xa lánh bố mẹ.
- Khóc lóc, nổi giận nhiều hơn.
- Sợ hãi khi tới giờ đi ngủ, hay gặp ác mộng.
- Có những cơn đau thể chất như đau đầu, đau dạ dày.
- Bồn chồn, ho, có vẻ lo lắng.
- Liên tục thực hiện các thói quen như cắn tóc hoặc mút tay.
- Có những thay đổi trong việc đi vệ sinh, có thể do ruột kích thích.
Những biểu hiện trên không phải lúc nào cũng là do căng thẳng. Nếu hành vi của trẻ ngày càng tệ thì có thể do nguyên nhân nào đó khác. Nếu bố mẹ lo rằng hành vi của trẻ sẽ trở nên cực đoan thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé.
5 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị căng thẳng
- Chứng lo lắng bị xa cách
Trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, trẻ dần nhận thức được rằng bố mẹ sẽ bảo vệ mình. Vì vậy nên trẻ luôn muốn bố mẹ ở gần bên. Dù trẻ đang tập đi hay đã bắt đầu đi học mẫu giáo với thời gian xa cách bố mẹ tăng dần, trẻ vẫn có thể cảm thấy lo lắng.
Chứng lo lắng bị xa cách thường là phản ứng lành mạnh khi trẻ phải rời xa bố mẹ. Tuy nhiên, đó cũng có thể là phản ứng của trẻ trước một tác nhân gây căng thẳng khác, ví dụ như môi trường chăm sóc thay đổi. Mà khi phải chịu một nỗi căng thẳng, thì khả năng chịu đựng những nỗi thất vọng khác của trẻ cũng sẽ suy giảm. Trẻ có thể trở nên bám dính bố mẹ hơn, hoặc khóc lóc, lo lắng khi phải rời bố mẹ.
- Biến cố gia đình
Những thay đổi lớn trong gia đình như người thân qua đời, bố mẹ ly hôn hoặc nghỉ việc, hoặc việc chuyển sang nhà mới cũng có thể khiến trẻ bị căng thẳng. Những cảm xúc mạnh khi đi kèm với lịch sinh hoạt bị đảo lộn và/hoặc nếp sống mới có thể khiến trẻ nào cũng trở nên mệt mỏi, lo âu.
Ngay cả những thay đổi mang tính tích cực, như một em bé mới ra đời, cũng có thể khiến trẻ phiền muộn do phải thích nghi với cuộc sống mới.
Tóm lại, đối với trẻ nhỏ, thay đổi nào cũng có thể gây căng thẳng cả!
- Tập bỏ bỉm
Khi quá trình bỏ bỉm và tập đi vệ sinh diễn ra bình thường thì đó là cột mốc phát triển của trẻ. Nhưng trẻ sẽ cảm thấy rất ức chế, tức giận nếu bố mẹ ép trẻ phải luyện tập trước khi trẻ sẵn sàng. Ví dụ, mỗi khi trẻ hét lên rằng không muốn tập ngồi bô, hay khi bố mẹ tỏ ra không hài lòng vì điều đó, thì trẻ đều rất căng thẳng.
Nếu việc tập đi vệ sinh bắt đầu khiến trẻ sợ hãi thì bố mẹ hãy cân nhắc xem trẻ đã thực sự sẵn sàng chưa. Chứ bố mẹ đừng để trẻ căng thẳng kéo dài. Nếu cần, bố mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bác sĩ để tìm ra giải pháp tốt nhất nhé!
- Lịch trình quá dày đặc
Trẻ nhỏ thường chỉ nhìn hiện tại và thích từ từ trải nghiệm, khám phá thế giới. Vì vậy, khi bố mẹ cho trẻ tham gia quá nhiều hoạt động liên tiếp hoặc bắt trẻ liên tục di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì trẻ cũng có thể cảm thấy bị áp lực.
- Những sự kiện tiêu cực trên thế giới
Những sự kiện lớn và đáng sợ (thảm họa thiên nhiên, xả súng tại trường học, khủng bố) hoặc những bản tin về bạo lực đều có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề. Ngay cả việc vô tình tiếp xúc với phim kinh dị hay quảng cáo không tốt trên tivi cũng khiến trẻ bị căng thẳng rất lâu. Vì vậy, bố mẹ hãy chú ý hạn chế những hình ảnh đáng sợ hoặc bạo lực xung quanh trẻ, để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ nhé!
Vậy bố mẹ nên làm gì khi đã tìm ra nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng? Hãy tìm hiểu qua bài viết mới nhất của ODPHUB:
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận