Nuôi dưỡng tình yêu học tập cho trẻ từ 0-1 tuổi

Trí não & Nhận thức - 11/10/2019

Trẻ sinh ra vốn đã thích khám phá thế giới xung quanh. Nên nếu được tác động đúng cách ngay từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ luôn yêu thích việc học tập sau này.

Trẻ bắt đầu “học” ngay từ khi sinh ra, qua chính những trải nghiệm hằng ngày. Theo các chuyên gia giáo dục, bố mẹ nên tập trung tác động để giúp trẻ phát triển 4 kiểu kỹ năng mà trẻ cần để hợp tác, hòa đồng, và trở thành một người yêu thích học tập. Đó là:

Ngôn ngữ và khả năng đọc viết

Để có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, bố mẹ nên tương tác với trẻ thật nhiều, qua cả cử chỉ, âm thanh, từ ngữ. Chính những tương tác này sẽ khiến trẻ có hứng thú, và về sau là có nhận thức tốt, đối với ngôn ngữ dưới mọi hình thức, nhất là sách truyện và việc đọc sách. Việc trò chuyện, đọc sách và hát cho trẻ nghe cũng tăng cường khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của trẻ, giúp trẻ sau này có khả năng giao tiếp tốt và ham đọc - những điều căn bản sẽ khiến trẻ yêu thích học tập.

Ngoài ra, để trẻ phát triển khả năng đọc viết, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm, dù bắt đầu chỉ bằng việc trẻ nhìn, chạm vào sách. 

Bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm để nuôi dưỡng tình yêu học tập.
Bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm để nuôi dưỡng tư duy.

Tư duy

Trẻ luôn muốn hiểu về cách vận hành của thế giới xung quanh. Vì vậy, bố mẹ có thể nuôi dưỡng sự ham học hỏi của trẻ bằng cách tạo ra cơ hội khám phá, tìm hiểu trong mọi hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn, mỗi khi làm một việc gì đó, bố mẹ đều nên giải thích cho trẻ (ngay cả khi trẻ có thể chưa hiểu), như là bấm cái nút thì đèn bật sáng, hay khi trẻ kéo cái dây thì chiếc xe đồ chơi sẽ di chuyển... Ngoài ra, những trò chơi phân loại đồ vật theo màu sắc, hình dạng cũng giúp trẻ có những khái niệm ban đầu về toán học, về cách giải quyết vấn đề… Tất cả những việc như thế này sẽ giúp trẻ cảm thấy việc học hỏi là dễ dàng và thoải mái.

Tư duy là tiền đề giúp trẻ học tập tốt hơn
Tư duy là tiền đề giúp trẻ học tập tốt hơn.

Kiểm soát bản thân

Khả năng thể hiện và kiểm soát cảm xúc đúng cách là rất cần thiết để trẻ học tập tốt và phát triển lành mạnh, bởi nó giúp trẻ hòa nhập với các bạn, đối diện với những căng thẳng, thất vọng, hay giải quyết các xung đột. Bởi vậy, ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ đã nên giúp trẻ xây dựng kỹ năng này. Bố mẹ hãy làm gương bằng cách luôn cố gắng giữ bình tĩnh và sẵn sàng trò chuyện, lắng nghe mỗi khi trẻ căng thẳng. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tìm những cách tích cực để trẻ tạm thời giải quyết cảm xúc của mình, như là cho trẻ ném bóng vào thùng để “xả” bớt cơn tức giận. Dần dần, trẻ sẽ học được cách đối diện và xử lý các cảm xúc tiêu cực một cách bình tĩnh. Đây là điều rất quan trọng cho việc đi học sau này của trẻ.

Trẻ chơi đồ chơi kích thích khả năng học tập.
Khả năng kiểm soát bản thân sẽ giúp trẻ học tập tốt hơn sau này.

Tự tin

Khi tự tin, trẻ sẽ sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới - đó chính là “chìa khóa” cho tình yêu học tập và cả sự thành công nữa. Tính tự tin cũng là rất cần thiết để trẻ dễ kết bạn và giải quyết được nhiều khó khăn khác trong môi trường học tập. Vì vậy, bố mẹ nên xây dựng lòng tự tin cho trẻ từ sớm, qua những việc như khen ngợi, động viên trẻ thường xuyên. Trẻ cũng thường tự tin hơn khi cảm thấy an toàn, nên với mỗi trải nghiệm mới, bố mẹ nên cho trẻ làm quen từ từ, từng bước một. Việc này cũng sẽ giúp trẻ biết cách tự điều chỉnh tâm lý của mình về sau. Với một tâm lý cân bằng, tự tin, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi ở trường lớp, và không bị chán nản, nhụt chí trong học tập.

Xem thêm: 6 hoạt động đơn giản giúp trẻ 3-6 tháng tuổi phát triển ngôn ngữ

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận