6 hoạt động đơn giản giúp trẻ 3-6 tháng tuổi phát triển ngôn ngữ

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 09/11/2019

Trẻ 3-6 tháng tuổi chưa thể hiểu và nói được nhiều, nhưng những hoạt động hợp lý của bố mẹ lúc này sẽ giúp tạo nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn tiếp theo đấy!

Ở giai đoạn 3-6 tháng tuổi, trẻ học được nhiều kỹ năng ngôn ngữ thông qua việc tương tác với bố mẹ. Dưới đây là 6 hoạt động đơn giản nhưng rất hiệu quả mà bố mẹ nên tham khảo để hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ của con nhé: 

Trò chuyện với trẻ

Mỗi khi trò chuyện, bố mẹ nên để trẻ nhìn vào mặt bố mẹ. Việc trò chuyện có thể diễn ra bất kỳ lúc nào: khi thay tã, khi trẻ ăn, khi đưa trẻ đi dạo… Bố mẹ cứ nói chuyện với trẻ như với một người bạn: kể về kế hoạch trong tương lai, chỉ cho trẻ xem những điều thú vị, đặt câu hỏi… Qua đó, trẻ sẽ  phát triển ngôn ngữ hơn qua việc học được cách sử dụng tông giọng và âm điệu, rồi dần dần sẽ biết phản hồi. 

mẹ trò chuyện với bé sơ sinh nằm trên giường, phát triển ngôn ngữ
Để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thì mỗi khi trò chuyện, bố mẹ nên để trẻ nhìn vào mặt bố mẹ.

Hát cho trẻ nghe

Bố mẹ có thể hát theo sở thích của mình, vì bố mẹ hát gì thì trẻ cũng thích mà! Tuy nhiên, bố mẹ nên chọn một bài riêng, nên là bài hát nhẹ nhàng, để luôn hát lúc dỗ dành trẻ. Như vậy, bố mẹ có thể tạo cho trẻ một thói quen là sẽ bình tĩnh lại mỗi khi nghe thấy giai điệu đó. “Mẹo” này rất hữu hiệu để áp dụng trong trường hợp bố hoặc mẹ đang lái ô tô và không thể bế ẵm, ôm ấp trẻ được.

mẹ tóc đen đeo khăn quàng cổ màu đỏ cười với bé trai, phát triển ngôn ngữ
Bố mẹ hát gì trẻ cũng sẽ thích đó!

Đọc sách cho trẻ

Có một việc đem lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt phát triển của trẻ, chính là đọc sách cho trẻ. Bố mẹ nên cố gắng đọc cho trẻ nghe càng nhiều càng tốt, cho trẻ xem nhiều cuốn sách với hình ảnh đa dạng, màu sắc tươi sáng và nét vẽ rõ ràng. Trẻ sẽ rất thích thú khi vừa được nghe giọng bố mẹ, vừa được nhìn tranh ảnh!

mẹ và hai con nằm trên giường đọc sách dưới ánh nắng chiếu qua cửa sổ, phát triển ngôn ngữ
Đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Kể tên các bộ phận trên cơ thể trẻ

Khi chạm vào các bộ phận trên cơ thể trẻ, bố mẹ hãy nói tên của những bộ phận đó, ví dụ như mắt, mũi, rốn… Bố mẹ có thể hát hoặc đọc thơ liên quan đến các bộ phận cơ thể để trẻ có hứng thú và tập trung nghe hơn, ví dụ như bài “Năm ngón tay ngoan”, “Cái mũi”... 

mẹ cười với bé trai đang cầm đồ chơi ngồi trên giường, phát triển ngôn ngữ
Khi chạm vào các bộ phận trên cơ thể trẻ, bố mẹ hãy nói tên của những bộ phận đó.

Đọc tên mọi thứ

Bố mẹ hãy nói tên mọi điều ở xung quanh trẻ để mở rộng vốn từ vựng của trẻ nhé. Sự phát triển ngôn ngữ phụ thuộc rất nhiều vào vốn từ vựng mà! Bố mẹ kể tên điều gì cũng được, từ con người (bố, mẹ, ông, bà...), động vật (chó, mèo, chim...), đến đồ vật (bàn, ghế, cây cối...).

mẹ bế bé chỉ vào quần áo trong cửa hàng, phát triển ngôn ngữ
Bố mẹ hãy nói tên mọi điều ở xung quanh trẻ để mở rộng vốn từ vựng của trẻ.

Sáng tạo ra những câu chuyện

Bố mẹ không nhất thiết phải đọc truyện cho trẻ nghe, mà có thể tự sáng tạo ra bất kỳ câu chuyện nào để kể với trẻ. Những câu chuyện không cần quá cầu kỳ hay phải thật logic, mà chỉ cần được nghe bố mẹ kể là trẻ cũng đã rất thích thú rồi. 

mẹ nằm với bé gái trên giường đệm trắng, cười vui vẻ, phát triển ngôn ngữ
Bố mẹ có thể tự sáng tạo ra bất kỳ câu chuyện nào để kể với trẻ để giúp con phát triển ngôn ngữ.

Nguồn tham khảo: Parents

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận