8 điều bố mẹ nhất định cần lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ (Phần 1)
Trí não & Nhận thức - 06/09/2019
Chỉ cần bố mẹ chú ý đến một số điều nhất định dưới đây, thì quá trình phát triển của con trẻ sẽ thuận lợi và lành mạnh hơn nhiều.
8 điều này được Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra nhằm giúp các bậc bố mẹ có phương pháp chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt hơn.
Trẻ ở mọi độ tuổi đều bị ảnh hưởng tiêu cực khi gia đình căng thẳng
Những trải nghiệm tiêu cực trong giai đoạn sơ sinh và mầm non có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và não bộ của trẻ, thậm chí để lại hậu quả cả đời. Những thay đổi sinh học liên quan đến các trải nghiệm này có thể gây hại cho nhiều bộ phận trong cơ thể và tăng nguy cơ suy giảm khả năng học tập, rối loạn phát triển hành vi.
Sự phát triển không chỉ phụ thuộc vào gen, mà còn vào môi trường sống
Môi trường sống trước và sau khi trẻ sinh ra cho trẻ những trải nghiệm mạnh mẽ, thậm chí có thể điều chỉnh cả một số gene nhất định. Ví dụ, trẻ sinh ra đã có khả năng học cách kiểm soát sự bốc đồng, biết tập trung và ghi nhớ thông tin, nhưng những trải nghiệm trong năm đầu đời lại là nền tảng, quyết định rằng các kỹ năng này sẽ phát triển thế nào.
Ngoài bố mẹ, thì sự gần gũi thân thiết với những người xung quanh cũng là rất quan trọng
Những mối quan hệ tốt với những người chăm sóc đáng tin cậy khác sẽ không làm ảnh hưởng đến mối liên kết mạnh mẽ giữa con cái và bố mẹ. Thực tế, việc tiếp xúc với nhiều người chăm sóc khác nhau sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thay đổi người chăm sóc hoặc tương tác kém hiệu quả trong giai đoạn giáo dục mầm non thì trẻ có thể giảm khả năng thiết lập các kỳ vọng phù hợp ở người khác (nhu cầu của mình có được đáp ứng không, được đáp ứng thế nào…).
Rất nhiều cấu trúc não của trẻ được định hình trong ba năm đầu đời, nhưng cơ hội phát triển còn tiếp tục kéo dài
Những khía cạnh cơ bản của chức năng não, như khả năng nghe và nhìn hiệu quả, cũng như một số khía cạnh phát triển cảm xúc, phụ thuộc chủ yếu vào những trải nghiệm đầu đời. Tuy nhiên, dù những vùng não điều khiển các chức năng cao hơn (khả năng xã hội, cảm xúc, nhận thức...) cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những trải nghiệm ban đầu, nhưng sau này chúng vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Chính vì thế, khi lớn lên, chúng ta vẫn có thể học cách “xử lý” những tác động mà mình đã chịu từ khi còn nhỏ.
Nguồn tham khảo: Havard
Phần 2: 8 điều bố mẹ nhất định cần lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ (Phần 2)
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận