Khả năng học tập của trẻ tự kỷ sẽ không thua kém trẻ bình thường, chỉ cần một điều kiện!
Trí não & Nhận thức - 14/01/2020
Nhiều người tin rằng trẻ tự kỷ có nhận thức kém, nên học hành cũng kém hơn. Tuy nhiên, sự thật không hẳn là như vậy.
Khả năng học tập của trẻ tự kỷ thường bị đánh giá thấp, đặc biệt là do đa số trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn về nhận thức và/hoặc ngôn ngữ. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn cảm thấy rất nản chí khi không biết phải dạy trẻ tự kỷ thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Rối loạn Ngôn ngữ và Giao tiếp đã chỉ ra rằng, khả năng học tập của trẻ tự kỷ, đặc biệt là việc tiếp thu từ mới, không hề thua kém trẻ bình thường.
Nghiên cứu về khả năng học tập của trẻ tự kỷ
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã cho trẻ tự kỷ và trẻ bình thường thực hiện các bài kiểm tra khả năng học từ mới. Họ thấy cả hai nhóm trẻ đều có điểm số gần bằng y như nhau. Trong một bài kiểm tra khác, trẻ tự kỷ có thể nhìn theo ánh mắt của giáo viên trong 75% thời gian, và con số này ở trẻ bình thường cũng chỉ là 78%.
Lý do mà các nhà nghiên cứu đưa ra bài kiểm tra “nhìn theo ánh mắt” là vì trẻ 18 tháng tuổi hay nhìn theo ánh mắt của người lớn để kết nối giữa lời nói của người đó với vật mà người đó đang nhìn vào. Nhờ đó, trẻ sẽ học được từ mới. Vì khả năng giao tiếp bằng ánh mắt của trẻ tự kỷ không tốt nên chúng ta thường cho rằng trẻ tự kỷ khó học từ mới hơn các bạn đồng trang lứa. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, với thời gian, với sự lặp lại và những lời khích lệ, thì trẻ tự kỷ cũng không thua kém mấy so với trẻ bình thường.
Các nhà khoa học ở Đại học Iowa (Mỹ) đã để 15 trẻ tự kỷ và 15 trẻ bình thường (từ 18 tháng đến 7 tuổi) tham gia vào một thí nghiệm. Trong đó, trước mặt mỗi trẻ có một khay với nhiều đồ chơi, và bên cạnh là một cái xô. Các nhà khoa học sẽ nhìn vào một món đồ chơi - một con vịt bông chẳng hạn - và bảo trẻ cho món đồ chơi đó vào xô. Thí nghiệm này đã từng được thực hiện vào năm 2009. Tuy nhiên, trong thí nghiệm năm 2009, trẻ tự kỷ chỉ có một cơ hội duy nhất để lấy đồ chơi, mà những trẻ này vốn ít nhìn vào mắt người khác, nên đã thua xa các trẻ bình thường.
Xem thêm: Trẻ tự kỷ có đặc điểm gen tương đồng với các thiên tài?
Còn trong thí nghiệm mới, các nhà khoa học cho tất cả trẻ được thử làm 5 lần, trước khi thực hiện lấy đồ chơi đến 20 lần. Mỗi khi trẻ lấy đúng, các nhà khoa học sẽ khen trẻ. Ngược lại, khi trẻ chọn sai đồ chơi hoặc không có phản ứng gì, thì các nhà khoa học cũng không bình luận tiêu cực. Thay vì thế, họ sẽ chỉ tay vào món đồ chơi đúng, hoặc nhìn lại vào món đồ chơi rồi hỏi trẻ lần nữa. Rồi họ tiếp tục chuyển sang món đồ chơi khác.
Với cách làm này, trẻ tự kỷ thể hiện khả năng thực hiện nhiệm vụ (chọn đúng đồ chơi) không hề kém trẻ bình thường.
Kết luận của chuyên gia về khả năng học tập của trẻ tự kỷ
Nhà nghiên cứu Allison Bean Ellawadi chia sẻ: “Nghiên cứu này cho thấy rằng, có lẽ chúng ta không cần quá tập trung vào việc trẻ tự kỷ có nhìn theo ánh mắt của người khác hay không. Nếu chúng ta biết sử dụng ánh mắt một cách có ý nghĩa và theo một quy tắc nhất định, thì trẻ tự kỷ sẽ nắm bắt được và từ đó sẽ học được từ mới”.
Mặc dù số trẻ tham gia nghiên cứu này không nhiều, nhưng kết quả của nghiên cứu vẫn cho thấy rằng trẻ tự kỷ có thể tiếp thu tốt. Điều kiện cần thiết ở đây chỉ là bố mẹ và thầy cô cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng khen ngợi, thay vì chê bai những thất bại của trẻ. Với những kiến thức mới, bố mẹ và thầy cô nên tìm cách tạo ra những quy luật cụ thể và chỉ dẫn (hoặc thực hành) lặp đi lặp lại. Bằng cách đó, khả năng nhận thức và học tập của trẻ tự kỷ, đặc biệt là việc học từ mới, sẽ được cải thiện rất nhiều.
ODPHUB mong rằng với bài viết này, bố mẹ sẽ tin tưởng hơn vào khả năng học tập của trẻ tự kỷ cũng như tìm được cách dạy trẻ tự kỷ phù hợp.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận