Giúp trẻ thích học: 7 cách bố mẹ nên áp dụng với trẻ 1-3 tuổi
Trí não & Nhận thức - 20/02/2020
Nếu áp dụng các phương pháp phù hợp, bố mẹ có thể giúp trẻ thích học ngay từ đầu, thay vì coi học là một việc gây căng thẳng, mệt mỏi.
“Làm thế nào để giúp trẻ thích học?”, “Liệu trẻ chăm học là do bản chất, hay có phương pháp nào giúp trẻ ham học hơn?”... Đó là những câu hỏi mà rất nhiều bố mẹ đặt ra. Vậy bố mẹ hãy áp dụng 7 cách dưới đây nhé - chắc chắn chúng sẽ khiến trẻ thấy việc học là niềm vui. Từ đó, tất nhiên là trẻ sẽ tự giác và chăm chỉ học hành hơn
Chia sẻ đam mê với trẻ
Mỗi ngày, bố mẹ nên dành thời gian để nói chuyện với trẻ về những điều bố mẹ mới biết hoặc tìm hiểu được, dù là về thể thao, nghệ thuật hay nấu nướng. Trẻ có thể không hiểu nhiều về những chủ đề đó nhưng vẫn sẽ cảm nhận được sự hào hứng của bố mẹ đối với việc học hỏi. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra rằng, học tập là một quá trình không ngừng nghỉ đối với tất cả mọi người.
Tạo điều kiện để trẻ đọc nhiều
Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích đối với việc học tập của trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ hãy cho trẻ tiếp xúc với càng nhiều sách báo càng tốt. Bố mẹ có thể để sách ở mọi nơi, từ bàn học, đến trên giường, ở ghế sofa… để trẻ cầm xem bất kỳ lúc nào. Với trẻ chưa biết đọc, bố mẹ hãy cho trẻ tập lật giở các trang sách, tạp chí cũ. Còn khi trẻ bắt đầu biết nói, bố mẹ hãy nói và đặt câu hỏi về câu chuyện đang đọc để trẻ thêm hứng thú nhé.
Tạo điều kiện cho trẻ khám phá dựa trên sở thích của mình
Điểm chung giữa những trẻ xuất sắc là đều được bố mẹ khuyến khích, hỗ trợ phát triển những sở thích tự nhiên của mình từ rất sớm. Ví dụ, nếu bố mẹ thấy trẻ thích khủng long, hãy cho trẻ đi tham quan các bảo tàng hoặc cho trẻ đọc sách về loài động vật này. Việc khám phá dựa trên các sở thích, đam mê sẽ khiến trẻ thấy việc học hỏi là vô cùng thú vị và ngày càng ham học.
Ngay từ khi trẻ rất nhỏ, bố mẹ đã nên cho trẻ có thời gian cầm nắm, sờ, nếm những đồ vật mà trẻ thích. Đó cũng chính là một cách kích thích khả năng học hỏi của trẻ đấy.
>>> Xem thêm: 5 cách để bố mẹ giúp trẻ luôn đam mê học tập. Bố mẹ hãy click để tìm hiểu thêm nhé!
Biết hỗ trợ trẻ đúng lúc
Theo các chuyên gia giáo dục, nếu bố mẹ không gây sức ép cho trẻ thì trẻ sẽ có động lực học tập tốt hơn. Ngoài ra, nếu trẻ không biết làm hoặc làm sai, thì thay vì làm hộ trẻ, bố mẹ nên động viên để trẻ tự tìm giải pháp. Khi có thể tự vượt qua những thách thức như xếp hình hay giải toán, trẻ sẽ tự tin hơn và từ đó lại thấy thích học hơn.
Đặt câu hỏi phù hợp
Mặc dù ngày nào trẻ cũng đặt nhiều câu hỏi cho bố mẹ nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết đặt những câu hỏi phù hợp cho trẻ. Bố mẹ không nên đặt những câu hỏi quá đơn giản so với hiểu biết của trẻ, như hỏi màu sắc hay hình dạng, nếu những điều đó trẻ đã biết từ lâu. Việc đặt câu hỏi quá dễ sẽ không kích thích trẻ suy nghĩ hay có hứng thú tìm hiểu nữa. Bố mẹ nên đặt những câu hỏi thú vị để trẻ tò mò, như: “Theo con thì tại sao chim bồ câu lại luôn biết tìm đường về chuồng ở trong vườn nhà chúng ta?”.
Trong trường hợp trẻ hỏi mà bố mẹ chưa biết câu trả lời, bố mẹ hãy cùng trẻ tìm hiểu bằng cách đọc sách hoặc tìm trên mạng. Việc này không chỉ cho trẻ thấy cách tìm kiếm thông tin, mà còn thấy cả niềm phấn khởi khi được tìm hiểu những điều mới mẻ nữa.
Tránh tặng phần thưởng không đúng cách
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ phần thưởng khi trẻ đọc xong một cuốn sách hoặc làm xong bài tập sẽ làm giảm bớt niềm vui trong học tập của trẻ. Lý do là vì trẻ sẽ chỉ nghĩ đến phần thưởng mà không quan tâm đến quá trình học nữa. Đến khi không có phần thưởng, trẻ sẽ không còn muốn học hỏi, dù trước đó trẻ từng thích học. Trẻ nhỏ học hỏi tốt nhất là vì trẻ vốn rất tò mò về thế giới xung quanh - những phần thưởng thường sẽ làm hỏng mất động lực tự nhiên này.
Tập trung vào quá trình nhiều hơn là kết quả
Nhiều bố mẹ hay lo lắng đến những kết quả và tương lai, thay vì tập trung vào hiện tại. Ví dụ, khi trẻ chưa đi học thì bố mẹ nghĩ đến việc liệu trẻ có ham học ở lớp mẫu giáo không; khi trẻ học mẫu giáo thì bố mẹ lại nghĩ liệu trẻ có học giỏi ở lớp 1 không… Chuẩn bị cho tương lai là việc cần thiết, nhưng cũng vì thế mà đôi khi, bố mẹ lại đặt kỳ vọng quá cao, rồi bắt trẻ học quá nhiều, quá nhanh. Nếu mục tiêu của bố mẹ là giúp trẻ thích học thì hãy để ý đến những gì trẻ đang làm thay vì quan tâm xem trẻ đang làm giỏi đến mức nào. Sự hào hứng của bố mẹ đối với các hoạt động của trẻ chính là nguồn động lực giúp trẻ học tập tốt hơn đấy!
Với 7 cách trên đây, ODPHUB mong rằng việc giúp trẻ thích học không còn quá khó khăn với bố mẹ nữa. Chúc bố mẹ và các con luôn có những giờ học thú vị và vui vẻ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận