5 cách để bố mẹ giúp trẻ luôn đam mê học tập
Trí não & Nhận thức - 27/09/2019
Trẻ nhỏ vốn rất đam mê khám phá. Vì vậy, nếu bố mẹ khuyến khích trẻ đúng cách từ khi còn nhỏ, thì trẻ sẽ luôn yêu thích việc học hỏi, kể cả khi đi học, lẫn khi đã trưởng thành.
Học tập là một quá trình kéo dài cả đời và hẳn bố mẹ nào cũng mong con mình yêu thích việc học. Với một số cách dưới đây, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ giữ được niềm đam mê học hỏi, khám phá.
Khơi dậy đam mê mỗi ngày từ khi trẻ còn nhỏ
Với trẻ nhỏ, thế giới xung quanh luôn thú vị và có nhiều điều để khám phá. Bố mẹ có thể dựa trên sự tò mò của trẻ để khơi dậy niềm đam mê, bằng cách thể hiện rằng bố mẹ cũng hứng thú với những gì trẻ đang quan tâm. Chẳng hạn, khi trẻ nhìn chăm chú vào mạng nhện, bố mẹ cũng nên tỏ ra thích thú và hỏi: “Không biết con nhện nào đã tạo ra được cái mạng to thế này chứ?”.
Thêm vào đó, bố mẹ cũng nên cho trẻ ra ngoài chơi và tham gia các hoạt động như leo núi, đi bảo tàng, đi du lịch hay đơn giản chỉ là đi bộ gần nhà, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, thắc mắc và thích thú. Tất nhiên, bố mẹ nên đồng hành và giải thích những gì trẻ còn chưa hiểu.
Làm gương trong chuyện học hành
Bố mẹ nên là tấm gương cho trẻ trong chuyện học hành. Việc thể hiện cho trẻ thấy rằng bố mẹ cũng đang cố gắng học hỏi sẽ giúp trẻ có thêm niềm đam mê học tập. Chẳng hạn, bố mẹ có thể kể lại những gì mình đã học được trong sách, trên đài…, và cả quá trình học kỹ năng mới của mình khi đi làm, cách vượt qua những khó khăn, như: “Bố không biết trình bày một văn bản báo cáo như thế nào nên mắc rất nhiều lỗi. Bố đã phải hỏi mọi người xung quanh đấy. Thế nên bây giờ bố mới làm các văn bản thành thạo thế này”. Hãy cứ để cho trẻ thấy rằng, ai cũng mắc lỗi, quan trọng là chúng ta cố gắng vượt qua.
Nhường trẻ làm chuyên gia
Không phải lúc nào bố mẹ cũng cần có ngay câu trả lời cho các thắc mắc của trẻ. Thay vào đó, nếu bố mẹ để trẻ “chỉ huy” và mình cùng khám phá với trẻ, thì trẻ sẽ có động lực tìm hiểu hơn.
Câu hỏi: “Con nghĩ thế nào?” là rất có ích để trẻ đào sâu suy nghĩ, mở rộng cách nhìn sự vật, sự việc, tìm cách giải quyết vấn đề…
Ngoài ra, nếu có việc gì mà trẻ cùng tham gia được thì bố mẹ nên rủ trẻ làm cùng, ví dụ như chữa tủ sách, thử một công thức nấu ăn mới, tìm hiểu về thú cưng… Việc giải quyết vấn đề từng bước, tìm kiếm thông tin, gỡ rối khi gặp khó khăn… sẽ cho trẻ thấy rằng, tất cả chúng ta đều không ngừng học hỏi trong suốt cả cuộc đời.
Xem thêm: Nuôi dưỡng tình yêu học tập cho trẻ từ 0-1 tuổi
Dạy trẻ kỹ năng mềm
Sẽ thế nào nếu trẻ chỉ biết làm toán, biết đọc và hiểu khoa học, nhưng lại không biết thế nào là tốt bụng, lòng nhân ái và sự kiên trì? Mặc dù những kỹ năng mềm này không thể cân đo đong đếm được, nhưng chúng lại là điều kiện cần để trẻ trở thành người tốt. Để dạy trẻ kỹ năng mềm, không có cách nào tốt hơn là bố mẹ hãy làm gương và nói về những gì mình đã, đang làm. Từ đó, trẻ sẽ thấy được cách người lớn giải quyết vấn đề.
Bố mẹ cũng nên nhận trách nhiệm cho những sai lầm của mình, sửa chữa và nhìn nhận những ưu, khuyết điểm của bản thân, để trẻ thấy rằng chúng ta luôn tự cải thiện, và con người không bao giờ hoàn hảo cả.
Khuyến khích trẻ tự chủ
Bố mẹ nên để trẻ thử làm nhiều việc, kể cả có sai cũng không sao. Nhất là khi trẻ lớn lên và muốn làm điều gì đó, bố mẹ cũng nên để trẻ làm, tất nhiên là trong những giới hạn phù hợp. Việc tự lựa chọn và hành động độc lập sẽ giúp trẻ học được những bài học quan trọng và biết tự đứng lên sau những thất bại.
Trẻ cũng nên được khuyến khích tự khám phá và theo đuổi những đam mê của mình, đồng thời dựa trên những đam mê đó mà học các kỹ năng hữu ích cho cuộc sống, như sửa xe, nấu nướng… Việc tự mình tìm hiểu cũng khiến trẻ dần biết cách học, điều này rất có ích khi trẻ tiếp cận những chủ đề, tình huống mới.
Mong rằng với bài viết này của ODP, bố mẹ sẽ biết cách giúp trẻ yêu thích học tập hơn từ nhỏ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận